'Ngọn lửa pháp lam' và hành trình lan tỏa của người trẻ

'Ngọn lửa pháp lam' và hành trình lan tỏa của người trẻ
11 giờ trướcBài gốc
Từ những buổi workshop nhỏ, kỹ thuật từng thất truyền này được truyền tay nhau, với vai trò lan tỏa âm thầm nhưng kiên định của Trương Thanh Tùng, 29 tuổi, đến từ TP Hồ Chí Minh đã chọn rẽ hướng đời mình để đi cùng pháp lam.
Lớp học thủ công trở thành cầu nối văn hóa
Trong một buổi workshop tại TP Hồ Chí Minh, nhóm học viên thuộc nhiều lứa tuổi, ngành nghề và công việc khác nhau… cùng chăm chú dõi theo từng thao tác phủ men, uốn dây đồng và cách canh nhiệt độ khi nung sản phẩm pháp lam. Không khí lớp học thủ công nhỏ nhưng sôi nổi, rộn tiếng cười xen lẫn sự hồi hộp khi các bạn trẻ chờ đợi sản phẩm ra lò.
Lớp học về pháp lam, nghệ thuật tráng men trên bề mặt kim loại thu hút được nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ.
Phan Minh Trang, sinh viên khoa Thiết kế đồ họa Đại học Văn Lang, là một trong những người tham gia lớp học từ những ngày đầu tiên. Ban đầu đến vì tò mò, sau khi tham gia vẽ mẫu và hỗ trợ hình ảnh, càng tìm hiểu, Trang càng bị cuốn hút bởi chiều sâu lịch sử mỹ thuật của pháp lam. Từ chỗ là học viên, Trang nay đã trở thành tình nguyện viên hỗ trợ hướng dẫn tại lớp học, đồng thời cùng Tùng nghiên cứu thêm về mặt cắt kỹ thuật, họa tiết truyền thống và nguồn gốc văn hóa của các dòng pháp lam.
“Kỹ thuật này không đơn thuần là thủ công mà là một phần lịch sử bị lãng quên. Mình muốn góp phần gìn giữ và lan tỏa nó đến nhiều bạn trẻ hơn”, Trang chia sẻ.
Phan Minh Trang, sinh viên khoa Thiết kế đồ họa Đại học Văn Lang từ học viên nay đã trở thành tình nguyện viên hướng dẫn kỹ thuật cho các bạn.
Không chỉ có Trang, nhiều bạn sinh viên từ các trường Đại học Kiến trúc, HUTECH, Văn Lang… cũng đã chọn pháp lam làm đề tài nghiên cứu khoa học, thậm chí là khóa luận tốt nghiệp. Họ tìm đến các workshop, tham khảo kỹ thuật và tài liệu từ Tùng, rồi tự phát triển các góc nhìn liên ngành, từ mỹ thuật ứng dụng đến kiến trúc, thiết kế nội thất, bảo tồn di sản.
Phương Linh, hiện làm việc tại Cowan Việt Nam, cựu sinh viên ngành Thiết kế của trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh chia sẻ sau buổi trải nghiệm: “Là người làm thiết kế, mình luôn quan tâm đến các hoa văn truyền thống và chất liệu mang hơi thở Việt Nam. Qua lớp học này, mình hiểu rõ hơn về kỹ thuật pháp lam, cách phối màu và ứng dụng chất liệu vào sản phẩm thiết kế sau này. Đây là một nguồn cảm hứng lớn cho công việc sáng tạo của mình”.
Thực hành vẽ, một khâu của nghệ thuật tráng men pháp lam.
Bích Trâm, giáo viên tiếng Anh cho biết niềm đam mê với những hoa văn cung đình bắt đầu từ chuyến du lịch đến Huế. Khi tiếp cận với pháp lam, cô đã khám phá ra một thế giới mới đầy thú vị. “Mình không ngờ kỹ thuật này lại cầu kỳ, tỉ mỉ và đẹp đến vậy. Dù không theo nghề, nhưng hiểu được những giá trị văn hóa ẩn sau lớp men cũng là một trải nghiệm rất đáng giá”, Trâm chia sẻ.
Tại lớp học, Trương Thanh Tùng vừa cung cấp những thông tin cơ bản nhất về pháp lam, không chỉ truyền dạy kỹ thuật mà còn trình chiếu lại những nghiên cứu của mình về ba kỹ thuật pháp lam cơ bản: Cloisonné (kháp ti), champlevé (tạm thai) và paint enamel (họa pháp lam). Điều khiến buổi học đặc biệt là việc Tùng luôn kết hợp trình bày kỹ thuật với câu chuyện về lịch sử, từ khi pháp lam xuất hiện ở châu Âu thời La Mã, đến lúc du nhập vào Việt Nam dưới thời vua Minh Mạng (1827), rồi dần mai một theo thời gian...
Hành trình đưa pháp lam trở về đời sống hiện đại
Trương Thanh Tùng từng là một nhân viên văn phòng, không được đào tạo chính quy về nghệ thuật. Nhưng chỉ với một lần đến thăm bảo tàng cổ vật cung đình Huế, ánh men pháp lam đã trở thành bước ngoặt đời anh. “Nhìn các món đồ pháp lam, mình cứ bị cuốn vào, vừa tò mò vừa xót xa vì kỹ thuật này gần như không còn người làm”.
Các thông tin về lịch sử hình thành, nguyên liệu, kỹ thuật pháp lam được các bạn trẻ trao đổi sôi nổi.
Trở về TP Hồ Chí Minh, Tùng tự mày mò học cách làm từ sách cổ, tài liệu nước ngoài, clip trên mạng. Trong gần một năm đầu tiên, anh làm hỏng không biết bao nhiêu miếng kim loại. Lúc thì men nứt, lúc thì dây đồng chảy biến dạng. Những món đồ đầu tiên chỉ là thử nghiệm, nhưng Tùng vẫn kiên trì: “Mình nghĩ nếu không ai làm thì mình làm. Coi như đó là sứ mệnh nhỏ của mình”.
Tùng cũng lên các diễn đàn quốc tế để tìm hiểu và nhận được sự hướng dẫn từ một nghệ nhân người Hungary. Anh bắt đầu hiểu sâu hơn về kỹ thuật cloisonné, champlevé, họa pháp lam, đồng thời phát hiện ra rằng, bên cạnh sự tỉ mỉ thủ công, pháp lam còn mở ra rất nhiều không gian sáng tạo cho cá nhân.
Một số các sản phẩm pháp lam tiêu biểu, có lịch sử lâu đời.
Đến nay, Tùng đã gắn bó với pháp lam gần 5 năm và hiện đang nghiên cứu chuyên sâu về kỹ thuật này. Bên cạnh việc bảo tồn những kỹ thuật cổ, anh còn phát triển kỹ thuật riêng của mình: men mài nhiều lớp. Đây là phương pháp phủ các lớp men chồng lên nhau, xen kẽ lớp bạc mỏng, sau đó mài thủ công để lộ ra các sắc độ khác nhau, tạo nên hiệu ứng thị giác độc đáo.
Kỹ thuật này cho phép tạo ra các sản phẩm độc bản, không có cái nào giống cái nào - từ tranh, mặt đồng hồ, trang trí nội thất cho đến các món đồ trang sức nghệ thuật. Tùng chia sẻ: “Khi làm pháp lam, ngoài việc học hỏi những kỹ thuật quốc tế, em luôn mong muốn kết hợp và thể hiện giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam”.
Tùng cũng giải thích rằng, pháp lam khác với gốm sứ về chất liệu nền và nhiệt độ nung. Gốm sứ tráng men trên bề mặt đất nung, với nhiệt độ nung lên tới 1.000 - 1.200°C, trong khi pháp lam là kỹ thuật phủ men lên kim loại và nung ở nhiệt độ khoảng 750 - 900°C.
“Theo quy định của Pháp, sản phẩm nung trên 500°C mới được gọi là tráng men. Tuy nhiên, với pháp lam, nhiệt độ phải được kiểm soát cực kỳ chính xác, nếu sai một chút là sản phẩm sẽ bị hỏng”, Tùng giải thích thêm.
Thanh Tùng hướng dẫn các bạn trẻ cách phân biệt các sản phẩm pháp lam.
Về nguyên liệu cho pháp lam, dòng men gốm sứ tại Việt Nam hiện nay đã khá chủ động và dồi dào, với độ ổn định tốt. Tuy nhiên, men thủy tinh vẫn phải nhập khẩu chủ yếu từ Nhật Bản, Trung Quốc và Nga. Trong đó, men Nhật Bản được Tùng đánh giá cao nhờ vào độ trong suốt, màu sắc đẹp và khả năng bám chắc trên kim loại. “Tuy nhiên, men nhập khẩu rất đắt và phải canh từng mẻ. Chỉ cần sai tỷ lệ pha một chút là sẽ không bám được lên bề mặt”, Tùng nói.
Tại Việt Nam, Tùng đã bắt đầu thử nghiệm ứng dụng pháp lam vào thiết kế nội thất, tạo điểm nhấn cho các mặt bàn, khung gương, tay vịn ghế… bằng những mảng họa tiết pháp lam nhỏ. Sản phẩm pháp lam không chỉ để trưng bày mà còn có thể được đưa vào không gian sống hiện đại, mang lại giá trị nghệ thuật và độ bền rất cao.
Sau khi được nung ở nhiệt độ trên 500°C, các đường vẽ hoa văn bám trên bề mặt kim loại dần hiện ra sắc nét.
Hiện nay, bên cạnh việc hướng dẫn lớp học cho các bạn trẻ, Tùng mong muốn kết nối nhiều hơn với cộng đồng thiết kế, kiến trúc, thủ công… để nghệ thuật pháp lam không chỉ sống lại mà còn trở thành chất liệu sáng tạo mang hồn Việt trong thời đại mới.
Bài và ảnh: Hương Trần/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/ngon-lua-phap-lam-va-hanh-trinh-lan-toa-cua-nguoi-tre-20250722093836183.htm