Câu nói bật ra từ sự tự nhiên, không có vẻ gì phải đắn đo, lựa lời cả. Hẳn nhiên, bộ đội là người yêu nước, cứu nước và hình ảnh của anh cũng chính là đất nước. Tuy là một câu nói thốt ra bằng trực cảm nhưng câu này lại có sự đồng điệu với một câu thơ đầy trăn trở của nhà thơ Nguyễn Đình Thi.
Trong bài thơ "Nhớ", ông viết: "Anh yêu em như anh yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần". Câu thơ cô đọng như biểu tượng này hẳn được đảm bảo bằng những trải nghiệm của một nhà cách mạng, một chiến sĩ, một thi nhân Nguyễn Đình Thi. Đó là câu thơ được sinh ra từ lửa đạn, từ sinh tử của thế hệ tiền bối.
Thế hệ cha mẹ của cô gái ấy hẳn là những thiếu nhi đội mũ rơm sống dưới hầm tránh bom. Đời sống của khói lửa đi vào bữa ăn, giấc ngủ, trò chơi và ngôn ngữ. Những bài đồng dao năm xưa hồn nhiên nhưng chứa đựng những hoàn cảnh không hề ngọt ngào. Sự gian khổ trở thành chuyện thường đến mức chẳng ai bận tâm. “Máy bay phản lực/ Nó chực thả bom/ Bộ đội lom khom/ Trẻ con xuống hố”. Hố ở đây là hố cá nhân, hầm tăng xê, hầm chữ A, hoặc hầm hàm ếch. Những công trình nương náu có trên bất kỳ phố phường, đường sá, làng mạc, trường học. Thế hệ đó đôi khi cái trống trường không có nhưng vẫn có cái kẻng vào lớp bằng vỏ quả bom.
Ngôn ngữ thế hệ tuổi ông của cô gái ấy là những người gác bút nghiên ra trận cũng đầy hào khí. Họ mời nhau ăn cơm không mấy khi là mời đồng chí xơi cơm, mà đơn giản là “Chiến đấu đi anh em!”, hoặc “oanh tạc” thôi! Bộ đội có một loại bát sắt tráng men rất to, gọi là bát B.52. Pháo đài bay của không quân địch cũng chỉ là một cái tên cho đồ dùng hằng ngày.
Máy bay không người lái (UAV) tưởng như rất mới nhưng thực ra, công nghệ này đã được Mỹ đưa vào chiến trường Việt Nam từ những năm 1960 của thế kỷ trước. Khi ấy, kích thước của UAV to gần như một máy bay có người lái. Nhiệm vụ chính của UAV khi ấy là do thám cho các phi đội ném bom. Các bản tin trên đài báo thường nêu bắn rơi bao nhiêu máy bay cường kích, tiêm kích và máy bay không người lái. Từ này đi vào đời sống, trở thành ngôn ngữ vui. Thời chiến, sang lắm thì được ăn bát phở có thịt. Phở không có thịt gọi là phở “không người lái”. Khi trào lộng về bữa ăn thiếu thốn, họ hay nói hôm nay ăn phở hoặc mì không người lái nhé.
Thời đóng chốt ở biên giới phía Bắc, không nước mắm, canh không có rau, chiến sĩ vẫn tự trào lộng gọi là “nước mắm đại dương” (toàn muối), “canh toàn quốc” (toàn nước).
Thời bom đạn trôi qua đã nửa thế kỷ, nhưng ngôn ngữ thời chiến vẫn lắng đọng trong đời sống, trong văn bản. Có khi một đoàn du lịch khi đếm người cũng hỏi nhau đã đủ “quân số” chưa. Một phong trào của đoàn đội được phát động cũng dùng từ “chiến dịch” hoặc “ra quân”. Thời chống dịch, vẫn thường nghe câu mỗi người dân là một “chiến sĩ”, mỗi gia đình, khu phố là một “pháo đài”.
Cũng bên con đường đón đoàn diễu binh, những người lính già có mặt ở Dinh Độc lập 50 năm trước cũng đã trở lại đây, ngực đeo huân chương một thời khói lửa. Một cô gái nói với một bác cựu chiến binh tuổi bát tuần rằng, “Bác ơi, bác để cháu lau huân chương cho bác!”. Bác cựu binh cười tươi bảo: “Thế hệ các cháu rất hạnh phúc, các cháu sẽ không bao giờ phải đeo Huân chương Chiến công như bác nữa. Các cháu sẽ được đeo Huân chương Lao động." Lời ngắn ý dài. Người lính Cụ Hồ đi trong bóng đêm để con cháu nhìn thấy ánh mặt trời; bộ đội cầm súng để cháu con cầm bút. Họ là người đi trong hầm tối để con cháu thấy bình minh. Câu nói của cô gái ấy: “Anh yêu nước là em yêu anh” bật ra từ lồng ngực lộng gió của một thế hệ tự do và hòa bình.
Những ngày qua, hàng triệu người tại TP Hồ Chí Minh đã xuống đường reo mừng kỷ niệm non sống liền một dải. Hàng trăm triệu người dõi theo truyền thông với tình yêu và tin tưởng. Giữ nước là gì nếu không phải giữ lòng dân. Bộ đội là biểu tượng của non sông, bởi chính bộ đội đã giành lại đất nước. Bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân có câu "Tên Anh đã thành tên đất nước".
Cô gái thân mến ạ. Hãy cứ bày tỏ tình cảm của mình và nói hộ những người khác. Đó là sự kết nối với tương lai của tình yêu và sự biết ơn. Yêu bộ đội và yêu đất nước hiển nhiên là một. Hai vế đó không thể tách ra được. Đó là căn nguyên của mọi chiến thắng, thành công.
Tả Từ