Ngư dân Nam Định vào mùa thu hoạch sứa, thu tiền triệu mỗi ngày

Ngư dân Nam Định vào mùa thu hoạch sứa, thu tiền triệu mỗi ngày
21 giờ trướcBài gốc
Sứa đỏ có giá trị cao hơn sứa trắng. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)
Từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm là lúc ngư dân các huyện ven biển Nam Định vào mùa khai thác sứa.
Đây được xem là “lộc” biển của ngư dân vì đánh bắt khá dễ dàng. Mỗi chuyến đi khai thác, người dân có thể thu về tiền triệu. Sứa cũng là sản phẩm đặc trưng của Nam Định mang lại thu nhập cao cho người đánh bắt và chế biến.
Những ngày này, tại các bến thu mua sứa khu vực thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu trở nên tấp nập, huyên náo. Dưới bến, các ngư dân khẩn trương đưa sứa lên xe tời, trên sân, các công nhân nhanh chóng sơ chế để đảm bảo độ tươi. Tiếng cười nói hòa với tiếng máy tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi.
Vừa trở về sau chuyến ra khơi bắt sứa, ông Vũ Đình Khiêm (khu 14, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu) cho biết những ngày đầu mùa, sứa chưa về nhiều, mỗi chuyến, thuyền của ông bắt được từ 300-500 con, giá mỗi con là 15.000 đồng. Sau chuyến đi, mỗi thuyền thu về từ 4-6 triệu đồng, có thuyền lớn, sức chứa nhiều có thể thu về cả chục triệu đồng.
Ông Khiêm chia sẻ tùy theo con nước mà các thuyền ra khơi. Cũng tùy vào thời tiết sẽ quyết định lượng sứa bắt được nhiều hay ít. Các thuyền thường ra khơi cách bờ từ 2 hải lý trở đi mới bắt đầu thả lưới. Việc đánh bắt sứa không khó nhưng phải chú ý không để nọc sứa dính vào da vì sẽ rất rát. Nghề bắt sứa cần người khỏe mạnh vì có con sứa nặng vài chục kg.
Ông Thừa Văn Tứ (xã Đại Hùng, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cho hay do đặc điểm vùng biển Nam Định sản lượng sứa nhiều, thuận lợi cho việc khai thác và tiêu thụ nên năm nào vào mùa sứa ông cùng những người anh em của mình cũng ra tỉnh Nam Định để đánh bắt. Năm nay nhuận nên đầu mùa sản lượng sứa chưa cao nhưng lượng sứa đỏ lại nhiều hơn mọi năm. Đây là loại sứa có giá thành cao hơn sứa trắng nên ngư dân cũng phấn khởi. Mùa sứa chỉ có khoảng 2 tháng nên vào giữa vụ nếu thời tiết thuận lợi mỗi ngày ngư dân có thể đi 1-2 chuyến biển để tranh thủ khai thác.
Vào mùa sứa, ở các bến thu mua, mỗi ngày có hàng chục thuyền vào bán sứa. Những con sứa đưa lên tới đâu được các công nhân sơ chế đến đó. Sứa được phân loại thành chân và thân sứa. Phần chân có giá trị cao hơn phần thân sứa. Phần thân sứa được cắt nhỏ, dày khoảng 2-3cm sau đó được đưa vào các bể quay rửa cho sạch nhớt và ra bớt nước. Sứa sau khi rửa sạch được đưa sang ngâm ở các bể nước muối và phèn chua. Khi miếng sứa trong suốt, đạt độ giòn nhất định được các cơ sở chế biến thu mua làm nguyên liệu sản xuất các món ăn hoặc bán cho các thương lái chuyển đi Trung Quốc.
Ông Nguyễn Văn Thắng - chủ xưởng thu mua, sơ chế hải sản Thu Thắng, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, cho biết mỗi năm cơ sở của ông sơ chế khoảng 150 tấn sứa thành phẩm. Việc người dân ưa dùng các sản phẩm chế biến từ sứa như nộm sứa, sứa ăn liền nên nghề đánh bắt và chế biến sứa phát triển mạnh, mang lại thu nhập cao cho ngư dân.
Những năm gần đây, các đơn vị, công ty chế biến các sản phẩm thủy sản ở Nam Định cũng chú trọng phát triển sản phẩm này.
Hàng năm vào mùa sứa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến hải sản Tân Long, huyện Hải Hậu, nhập khoảng 150 tấn sứa đã qua sơ chế. Nguyên liệu nhập về được công ty bảo quản trong các bể ở 25 độ mặn dùng để sản xuất sản phẩm sứa ăn liền. Khi chế biến, sứa được đưa vào các bể xả mặn, khử khuẩn và được đóng gói cùng với dung dịch dấm, đường. Tất cả các khâu từ nguyên liệu đầu vào đến chế biến, bảo quản của công ty đều tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc...
Ông Trần Mạnh Hữu, Giám đốc Công ty, cho biết sản phẩm sứa ăn liền được công ty sản xuất quanh năm. Mỗi tháng công ty xuất đi khoảng 10 tấn hàng cho các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Để tạo thương hiệu cho sản phẩm, công ty đã áp dụng các quy trình sản xuất an toàn như HACCP (Tiêu chuẩn phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn) và sản phẩm sứa ăn liền Tân Long đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm).
Năm 2024, tổng sản lượng sứa của Nam Định đạt gần 700 tấn; trong đó, huyện Giao Thủy đạt 300 tấn, huyện Hải Hậu 242 tấn và huyện Nghĩa Hưng 150 tấn. Toàn tỉnh có khoảng 30 cơ sở chế biến sứa với sản phẩm chủ yếu là sứa ăn liền./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/ngu-dan-nam-dinh-vao-mua-thu-hoach-sua-thu-tien-trieu-moi-ngay-post1024546.vnp