Ngư dân xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) phấn khởi bội thu “lộc biển” sau những chuyến ra khơi khai thác vụ cá Bắc.
Theo bà con ngư dân vùng biển, vụ cá Bắc kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Do chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, nhiệt độ nước biển giảm, ngư dân ra khơi vụ này chủ yếu khai thác các loài hải sản, như cá thu, cá nục, cá trích, mực, tôm ở khu vực từ Quảng Bình trở ra Bắc. Trong khi đó, vụ cá Nam diễn ra từ tháng 4 đến tháng 9, khi thời tiết ổn định hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loài hải sản, như cá ngừ đại dương, cá cơm, cá chim, mực nang, tôm hùm phát triển mạnh ở vùng biển từ Quảng Bình trở vào Nam.
Về Cảng cá Hoằng Trường (Hoằng Hóa) vào một buổi sáng cuối tháng 3, khi gió mùa Đông Bắc dần suy yếu, nhường chỗ cho những tia nắng xuân dịu nhẹ len lỏi trên mặt biển, không khí rộn ràng, tấp nập hơn bao giờ hết. Từng con tàu nối đuôi nhau trở về sau chuyến ra khơi vất vả, khoang thuyền đầy ắp tôm cá, mang theo niềm hân hoan của những ngư dân vừa chinh phục đại dương trở về, báo hiệu một mùa khai thác bội thu. Sau 10 ngày bám biển ở vùng khơi xa cách bờ 100 hải lý, chiếc tàu mang số hiệu TH-91125 của ngư dân Lê Văn Thành, thôn Thành Xuân, xã Hoằng Trường, vừa cập bờ, mang theo 4 tấn cá lưỡng và nhiều loại hải sản khác. Ước tính, chuyến đi này thu về gần 200 triệu đồng, đảm bảo thu nhập cho 11 thuyền viên trên tàu, trung bình mỗi người có thu nhập 14 triệu đồng. Không giấu được niềm phấn khởi, ông Lê Văn Tuấn - một thuyền viên trên tàu chia sẻ: "Vụ cá Bắc năm nay, dù có lúc thời tiết không thuận lợi, nước biển đục nhưng nếu biết chọn luồng cá và điều chỉnh phương thức đánh bắt phù hợp thì vẫn có thể đạt sản lượng khá. Quan trọng là không nản lòng, luôn sẵn sàng ứng phó với thời tiết để tìm ra những luồng cá lớn. Chúng tôi chỉ mong mưa thuận gió hòa để có thêm những mùa biển bội thu, đời sống đỡ vất vả hơn".
Nhiều loại cá được vận chuyển từ trên tàu sang đất liền để các thương lái chọn lựa và thu mua tại Cảng cá Hoằng Trường (Hoằng Hóa).
Tại các địa phương vùng biển khác của tỉnh Thanh Hóa, như Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn và TP Sầm Sơn bà con ngư dân cũng nô nức, phấn khởi vì bội thu vụ cá Bắc.
Những ngày cuối tháng 3, dọc Cảng cá Lạch Bạng, phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn), những con tàu với tôm, cá đầy khoang lần lượt cập bến sau những ngày lênh đênh đánh bắt trên biển. Nơi đây, rộn ràng tiếng gọi nhau í ới, tiếng động cơ tàu rền vang, không khí thu mua, vận chuyển tôm, cá thật nhộn nhịp. Phường Hải Bình hiện có 176 phương tiện khai thác hải sản. Trong đó, có khoảng 50 tàu làm nghề dịch vụ thu mua trên biển, số còn lại là tàu khai thác. Số lao động trực tiếp đi biển dao động từ 900 đến 1.100 người. Suốt mùa vụ vừa qua, nhiều tàu tấp nập ra vào cảng, vận chuyển từng mẻ cá đầy ắp, mang về nguồn thu đáng kể cho ngư dân. Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Bình, cho biết: “Vụ cá Bắc năm nay, tổng sản lượng các tàu thuyền ở Hải Bình khai thác được hơn 900 tấn và thu về cho ngư dân khoảng 5 tỷ đồng".
Dù đã vào cuối vụ nhưng bà con ngư dân vẫn tranh thủ những ngày biển lặng để vươn khơi, tìm kiếm thêm những mẻ cá cuối cùng trước khi bước vào giai đoạn nghỉ ngơi, sửa chữa tàu thuyền và chuẩn bị cho vụ cá Nam. Những chiếc tàu đầy ắp cá liên tục cập bến, không khí tại cảng vẫn nhộn nhịp với cảnh thương lái thu mua, ngư dân tất bật gỡ lưới, phân loại hải sản. Nhìn chung, dù thời tiết có lúc bất lợi, nhưng nhờ kinh nghiệm và sự kiên trì, bà con vẫn có một mùa khai thác tương đối thuận lợi. Hy vọng vụ cá Nam tới đây sẽ tiếp tục mang lại những chuyến biển bội thu, giúp đời sống ngư dân ngày một khấm khá hơn.
Gặp ngư dân Lê Văn Nhỏ trên chiếc tàu đánh bắt mang số hiệu TH-97077 vừa trở về Cảng cá Lạch Bạng sau chuyến biển cuối cùng của mùa vụ. Qua trò chuyện, tôi được biết, mỗi chuyến ra khơi, tàu của ông đi khoảng 14 ngày, len lỏi qua những ngư trường giàu tài nguyên để tìm kiếm những luồng cá lớn. Vụ cá Bắc năm nay, thời tiết khá thuận lợi, ít bão gió giúp việc khai thác thuận lợi hơn. "Nhờ trời thương, ngư dân chúng tôi trúng được nhiều luồng cá lớn, mang lại thu nhập cao. Mỗi chuyến biển, chúng tôi khai thác được khoảng 40 tấn hải sản, chủ yếu là cá cơm, tôm, mực" - ông Nhỏ vui mừng cho biết.
Ngay khi tàu vừa cập bến, các thương lái đã đứng chờ sẵn sàng thu mua những mẻ cá tươi ngon nhất. Cá cơm được thu mua tại cảng với giá 12.000 đồng/kg, sau đó được vận chuyển về thành phố và nhiều tỉnh, thành phố trong nước để tiêu thụ. Một số chủ cơ sở chế biến hải sản cũng đợi sẵn tại bến, mua những con cá cơm tươi ngon nhất. Ngoài ra, những loại hải sản có giá trị cao như tôm, mực được đưa vào các chợ đầu mối hoặc xuất khẩu.
Các thương lái đã chờ sẵn ở cảng để thu mua những mẻ cá, tôm, mực tươi ngon nhất.
Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, vụ cá Bắc còn tiếp thêm niềm tin và động lực cho bà con ngư dân. "Sau mỗi chuyến ra khơi, mỗi tàu có thể thu về đến cả trăm triệu đồng, còn thuyền viên cũng có thể nhận mức thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống của gia đình. "Chúng tôi xem đây là tín hiệu tốt, báo hiệu một năm đánh bắt bội thu, giúp ngư dân có thêm động lực vươn khơi xa hơn. Khi vụ cá Bắc kết thúc, ngư dân lại tất bật bảo dưỡng tàu thuyền, chuẩn bị lưới cụ, chờ đón vụ cá Nam sắp tới với nhiều kỳ vọng mới" - ông Nhỏ nói thêm.
Toàn tỉnh hiện có 6.635 phương tiện đánh bắt trên biển. Vụ cá Bắc, toàn tỉnh khai thác được 69.809 tấn, trong đó, khai thác đạt 67.443 tấn và khai thác nội địa 2.366 tấn. Năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu khai thác với sản lượng 143.600 tấn hải sản, giá trị sản xuất 4.218 tỷ đồng. Để thực hiện được mục tiêu đó, Chi cục Thủy sản tiếp tục hướng dẫn, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển thủy sản của Trung ương, tỉnh và tổ chức lại cơ cấu nghề đi biển theo hướng hạn chế các nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ, phát triển các nghề khai thác có chọn lọc, thân thiện với môi trường. Đồng thời, phát triển khai thác xa bờ, gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển, mở rộng các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ đồng quản lý, các mô hình khai thác thủy sản kết hợp du lịch sinh thái, ẩm thực, giải trí... để tạo ra giá trị gia tăng. Huy động đa dạng các nguồn lực, nhất là từ doanh nghiệp và nguồn xã hội hóa để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng theo đúng quy định.
Tiếp nối những chuyến biển là nhịp sống của ngư dân. Ngay từ bây giờ, ngư dân các địa phương vùng viển trong tỉnh lại tất bật chuẩn bị cho vụ cá Nam. Tàu thuyền được kiểm tra, bảo dưỡng kỹ lưỡng, ngư cụ được sửa sang, thuyền viên tranh thủ nghỉ ngơi và cập nhật thông tin về các ngư trường tiềm năng. Nhiều ngư dân còn mạnh dạn đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại để nâng cao hiệu quả đánh bắt. Ai cũng đặt kỳ vọng vào vụ cá Nam - mùa biển mang lại những sản vật phong phú như cá ngừ đại dương, cá nục, cá chim, mực nang và tôm hùm.
Công việc mưu sinh, nghề biển đã trở thành niềm tự hào của biết bao thế hệ ngư dân Thanh Hóa. Mỗi chuyến ra khơi không chỉ mang lại nguồn thu nhập, mà còn là hành trình khẳng định sự kiên cường, bền bỉ của những con người bám biển. Và tinh thần vươn khơi bám biển vẫn luôn là khát khao của mỗi ngư dân, trên từng con tàu, mang theo hy vọng những chuyến biển bội thu.
Lan Chinh