Ngư dân trên đảo Koh Si Chang, Thái Lan cùng hành trình làm 'nhà cho cá'

Ngư dân trên đảo Koh Si Chang, Thái Lan cùng hành trình làm 'nhà cho cá'
3 phút trướcBài gốc
Tại huyện đảo Koh Sichang, tỉnh Chonburi, Thái Lan, những thiết bị bảo tồn biển đặc biệt đang dần được hạ thủy. Đó là “sắng” – hay còn gọi là thiết bị tập trung cá (FAD) – được ngư dân cùng nhau lắp ráp từ các vật liệu đơn giản: dây xoắn, phao nổi, tấm PVC, và dây thừng Manila… rồi thả chìm xuống biển ở độ sâu khoảng 3 mét. Công dụng của thiết bị có thể được kiểm chứng ngay khi được hạ thủy.
“Sắng giúp cá và các sinh vật biển khác trong quá trình đẻ trứng. Trứng sẽ bám vào các sợi dây xoắn. Thiết bị được thiết kế bởi Cục Tài nguyên Biển và Bờ biển. Chúng tôi xin mẫu, rồi vận động người dân cùng nhau triển khai”, ông Chusak Nanthithanyanthada, huyện trưởng đảo Koh Sichang cho biết.
Ông Chusak Nanthithanyanthada, huyện trưởng đảo Koh Sichang trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV
Ông Chusak Nanthithanyanthada chia sẻ, mô hình còn được mở rộng với việc thả rạn san hô nhân tạo - những khối bê tông rỗng làm nơi trú ngụ cho các loài cá lớn sinh sống ở vùng nước sâu: “Chúng tôi đã thả tại 8 điểm xung quanh các đảo nhỏ. Tổng cộng sẽ có khoảng 10.000 khối cho mỗi điểm. Hiện chúng tôi mới thả được 4.000 khối”.
Những nỗ lực này không chỉ đến từ chính quyền. Cộng đồng địa phương cũng là người trực tiếp thực hiện. Từ năm 2018, Sở Tài nguyên biển và ven biển tỉnh Chon Buri đã tổ chức làm thiết bị “sắng dây thừng” trong khuôn khổ dự án “Bãi biển sạch, nhà cá sạch, trả lại thiên nhiên cho điểm du lịch Thái Lan” tại khu vực đảo Koh Si Chang và đảo Ko Kham Yai. Trong chương trình, 270 học sinh – sinh viên cùng các tình nguyện viên đã cùng nhau làm và buộc 600 bộ sắng dây thừng, đồng thời tham gia lặn nhặt rác dưới biển và thu gom rác trên bãi biển.
Huyện trưởng đảo Koh Sichang chia sẻ về các mô hình "nhà cho cá"
Các thiết bị như "sắng" hay rạn san hô nhân tạo được phân bổ đều xung quanh đảo. Vì "sắng" thường chỉ tồn tại được khoảng 2–3 năm do bị hư hỏng hoặc phân hủy, nên cộng đồng vẫn liên tục làm mới và bổ sung.
“Chúng tôi tập hợp ngư dân thành nhóm, cùng nhau làm “sắng”, cùng nhau bàn chuyện xây rạn san hô. Bởi vì “sắng” hay rạn san hô nhân tạo mà chúng tôi thả xuống biển chính là cách tạo ra "nhà cho cá, nhà cho mực, nhà cho cua. Khi có nhiều sinh vật biển hơn, ngư dân sẽ không cần phải ra khơi xa. Họ sẽ có đủ nguồn thủy sản để khai thác ngay tại chỗ. Đây cũng là một cách để hỗ trợ họ", chị Siyamon Thianngam, cán bộ thủy sản huyện đảo Koh Sichang cho hay.
Nuôi trồng san hô nhân tạo tại trung tâm trước khi thả xuống biển nhằm nuôi dưỡng cá nhỏ và thu hút cá lớn đến
Với người dân ở Koh Si Chang, làm “sắng” hay rạn san hô nhân tạo không phải là trách nhiệm mà là một phần của đời sống gắn bó với biển cả.
“Sắp tới, trên đảo sẽ tiếp tục làm thêm rạn san hô. Chúng tôi cũng tự làm, còn chính phủ thì hỗ trợ thông qua như chính quyền địa phương, và chúng tôi cũng tham gia thực hiện vì đây là nghề của chúng tôi”, một người dân trên đảo nói.
“Việc làm “sắng” hay rạn san hô nhân tạo cần có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Cục Hàng hải cũng đã quy hoạch sẵn các điểm thả “sắng” và rạn san hô nhân tạo nhằm nuôi dưỡng cá nhỏ và thu hút cá lớn đến. Từ đó, khiến cho khu vực này trở thành nơi tập trung nhiều cá, thuận lợi cho việc đánh bắt. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và ngư dân địa phương”, một người dân khác trên đảo Koh Si Chang chia sẻ thêm.
Quanh đảo Koh Si Chang, mô hình bảo tồn biển bền vững đang âm thầm lan tỏa từ chính đôi tay của ngư dân bản địa
Những “ngôi nhà cho cá” đang dần hình thành giữa lòng đại dương – dưới sự chung sức của người dân và chính quyền. Đó không chỉ là một hành động bảo tồn, mà còn là lời cam kết với biển — một đại dương hồi sinh, bền vững và trù phú, không chỉ cho hôm nay mà cho cả mai sau.
Nhóm PV/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/ngu-dan-tren-dao-koh-si-chang-thai-lan-cung-hanh-trinh-lam-nha-cho-ca-post1201755.vov