Người lao động vào giờ cao điểm buổi sáng tại London, Anh. Nguồn: Reuters.
Báo cáo cho biết, 60% lực lượng lao động báo cáo thời hạn gấp và 40% phải làm việc với tốc độ cao - một trong những tỷ lệ lớn nhất ở châu Âu, trong khi chỉ 30% có thể chọn tốc độ làm việc của họ.
Báo cáo được lập cho Ủy ban vì Cuộc sống làm việc khỏe mạnh hơn - một cơ quan do tổ chức tư vấn của Quỹ Y tế Anh thành lập với sự đại diện của công đoàn nhằm cải thiện các điều kiện làm việc theo yêu cầu của luật lao động mới. "Các lĩnh vực có vấn đề cần ưu tiên hiện nay là giờ làm việc dài, cường độ làm việc cao và thiếu kiểm soát hoặc quyền tự chủ trong công việc" - ông Jonny Gifford - một trong những tác giả của báo cáo, nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu việc làm cho biết.
Một số doanh nghiệp đã bày tỏ sự lo ngại về hướng đi của chính phủ mới. Ngày 25/11, Liên đoàn Công nghiệp Anh đã cảnh báo, các quy định chặt chẽ hơn về việc làm có nguy cơ làm trầm trọng thêm các vấn đề do thuế an sinh xã hội tăng mạnh và mức lương tối thiểu mà họ dự đoán sẽ làm giảm việc làm, tiền lương và đầu tư dài hạn vào nền kinh tế.
Báo cáo cho biết, điều kiện làm việc là khác nhau giữa các ngành, nhưng nhìn chung tệ hơn trong xây dựng, vận tải, kho bãi, bán lẻ và khách sạn. Tình trạng căng thẳng đặc biệt được báo cáo đối với các ngành chuyên môn như y tá và giáo viên.
Phần lớn dữ liệu đến từ cuộc khảo sát năm 2021 của Liên minh châu Âu về điều kiện làm việc. Người Anh báo cáo rằng, mối quan hệ với đồng nghiệp và quản lý trên mức trung bình, nhưng lại kém hơn về các mặt khác.
"Theo hầu hết mọi thước đo, Vương quốc Anh được xếp hạng là một trong những quốc gia tệ nhất ở châu Âu về nhu cầu tại nơi làm việc, kiểm soát tại nơi làm việc và căng thẳng trong công việc. Tình trạng căng thẳng trong công việc đã gia tăng trong 25 năm qua tại Anh" - báo cáo nêu, đồng thời cho biết thêm, khoảng một nửa số người Anh cho biết họ kiệt sức vì công việc.
Mai Phương