Lớp khí công dưỡng sinh của khu dân cư tổ chức đến ngày thứ năm mà vẫn thưa người. Mấy bà cao tuổi trong xóm rủ nhau tập cho khỏe, vừa là rèn luyện sức khỏe, vừa để tinh thần sảng khoái tuổi già. Nhưng nhiều hôm, sân tập chỉ lác đác vài người.
- Phần vì các bà bận cơm nước, phần vì còn phải đón cháu đi học về buổi chiều cả - bà Lan vừa khởi động vừa xuýt xoa.
Thấy bà Tình hôm trước đến, hôm sau lại vắng, hôm nay vừa đặt chiếu xuống sân, bà Lan nhắc khéo:
- Khí công là phải tập đều mới có tác dụng bà ạ. Cứ bữa đực bữa cái thế này thì công toi.
Bà Hiển đứng bên cạnh cũng góp lời:
- Muốn nâng cao thể trạng thì lòng phải thư thái. Tôi thấy bà tập mà mặt cứ nhăn nhó. Vừa đón cháu đến sân đã nghe chuông réo về nấu cơm. Việc ấy, đáng lẽ con cái phải tự thu xếp chứ.
Bà Tình nghe vậy gật gù nhưng ánh mắt còn ưu tư:
- Tôi cũng muốn lắm. Nhưng mỗi nhà mỗi cảnh, vợ chồng thằng cả đi làm vất vả, mình nhìn thấy lại thương.
Bà Hiển bật cười:
- Bà thương con thì cũng phải thương thân mình trước đã. Nếu con nhờ thì cùng lắm đón cháu một lúc, chứ sao cái gì cũng dồn cho mẹ?
Bà Lan tiếp lời:
- Tôi cũng từng bị thế. Thằng con trai chiều vợ, đẩy hết việc cho tôi, để con dâu rảnh rang đi tập yoga. Tôi nói thẳng: "Mẹ về hưu rồi. Muốn mẹ sống vui, sống khỏe thì phải để mẹ có thời gian đi tập thể thao, đi chơi với bạn bè chứ!”. Thế là từ sau, việc nào ra việc nấy, không ai dám nhờ tôi vô tội vạ nữa.
Từ buổi hôm đó, bà Tình bắt đầu đi tập đều đặn. Không còn cảnh tất tả chạy vội, cũng chẳng còn chuông gọi réo rắt giữa giờ. Gặp lại nhau mỗi chiều, bà Hiển nói:
- Ngày xưa cha mẹ mình hay dạy phụ nữ phải "công, dung, ngôn, hạnh". Nghe thì đúng cả. Nhưng giờ tuổi mình có còn bao nhiêu nữa đâu. Con cái phải để cho cha mẹ được thảnh thơi một chút chứ các bà nhỉ.
Bà Tình cười tươi, khuôn mặt rạng rỡ hẳn lên. Mấy bà trong nhóm gật gù vẻ đồng cảm. Giữ cho mình khỏe khoắn, tinh thần thoải mái, ấy cũng là một cách thương con.
TRẦN LƯU LOÁT