Bệnh gout là bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa các nhân purin khiến hàm lượng axit uric trong máu tăng. Bệnh gout thường ảnh hưởng sớm đến bàn chân, gây ra đau đớn và bất lợi cho sinh hoạt của người bệnh. Dưới đây là những thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh gout.
Axit uric là sản phẩm cuối cùng được tạo ra khi cơ thể chuyển hóa thực phẩm có chứa purin. Purin cũng được tạo ra trong quá trình phân hủy tế bào tự nhiên của cơ thể.
Phần lớn axit uric hòa tan trong máu, được đưa đến thận và đào thải ra ngoài theo nước tiểu. Khi cơ thể xảy ra tình trạng tăng tổng hợp axit uric hoặc giảm thải axit uric ở thận hoặc ruột, axit uric tạo thành tinh thể monosodium urate (còn gọi là muối urate) lắng đọng trong các mô gây ra một dạng viêm khớp gọi là bệnh gout.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh gout
Tỷ lệ mắc bệnh gout là khoảng 1/200 người trưởng thành. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi người, không phân biệt tuổi tác và giới tính. Tuy nhiên nam giới từ 30 - 50 tuổi và phụ nữ trong giai đoạn sau mãn kinh thường mắc bệnh này nhiều hơn. Ngoài ra những đối tượng sau dễ mắc phải căn bệnh này:
Người ăn nhiều thịt, đặc biệt thịt màu đỏ, phủ tạng động vật, hải sản và ăn nhiều đường hoa quả (đường fructose) thúc đẩy tăng mức axit uric máu, tăng nguy cơ mắc bệnh gout
Người uống nhiều rượu, đặc biệt là bia; thừa cân, béo phì khiến cơ thể tạo ra nhiều axit uric hơn và thận cần nhiều thời gian hơn để loại trừ axit uric.
Người bị tăng huyết áp không điều trị, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa và bệnh thận.
Một số bệnh phải dùng một số loại thuốc như lợi tiểu thiazid để điều trị tăng huyết áp, aspirin liều thấp có thể gây tăng axit uric.
Người có tiền sử gia đình mắc bệnh gout, người có tiền sử phẫu thuật hoặc chấn thương cũng dễ mắc bệnh gout.
Bệnh gout là một trong những bệnh điển hình liên quan đến xương khớp.
Người có nguy cơ cao mắc bệnh gout cần lưu ý gì?
Bệnh gout thường không có dấu hiệu báo trước cho đến khi xảy ra cơn gout cấp tính đầu tiên. Vì vậy việc phòng ngừa bệnh gout tập trung vào ngăn chặn các cơn gout trong tương lai hoặc giảm bớt mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh gout cần lưu ý khi sử dụng các thực phẩm nhằm hạn chế nguy cơ bị gout.
Cần hạn chế những thực phẩm như: Tất cả các loại nội tạng động vật: Gan, thận, lá lách, tim, óc…; Các loại thịt lên men hoặc chế phẩm từ thịt: Xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói, giăm bông…; Hạn chế rượu bia và đồ uống có cồn khác; Không hút thuốc lá, thuốc lào; Hạn chế đồ uống có đường: Nước ngọt và siro giàu fructose; Carbohydrat tinh chế: Bánh, kẹo.
Cần dùng vừa phải các thực phẩm bất lợi cho người bệnh gout như: Cá cơm, cá mòi, cá ngừ, cá thu, cá trích, cá hồi; Các loại hải sản khác: Sò điệp, trai, hàu, vẹm, cua, tôm và trứng cá…; Các loại thịt đỏ: Thịt bê, thịt bò, thịt lợn, thịt cừu; Các loại gia cầm: Gà, ngỗng, ngan, vịt; Socola và cacao.
Cần tăng cường các loại trái cây, rau củ, hạt: Trái cây là thực phẩm tốt, đặc biệt là cherry, việt quất, mâm xôi, dâu tây, táo, dừa, nho, cam quýt…
Mặc dù một số loại rau (súp lơ trắng, măng tây, nấm…) chứa nhiều purin nhưng chúng không làm tăng nguy cơ bệnh gout và không bị hạn chế. Một số loại rau củ rất tốt là cà rốt, dưa chuột, thì là, tỏi tây, đậu bắp, khoai tây, bí ngô...
Tương tự một số loại đậu như đậu xanh, đậu lăng giàu purin nhưng chúng là nguồn cung cấp protein lành mạnh để thay thế nguồn protein từ động vật, kể cả đậu nành và đậu phụ…
Ngoài ra, cần tăng cường các loại hạt như: Óc chó, mắc ca, hạnh nhân, hạt bí, chia, yến mạch, lúa mạch, gạo lứt…; Các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo; Trứng; Đồ uống như trà xanh và trà thảo mộc.
Tóm lại: Bệnh gout là căn bệnh phổ biến tại Việt Nam với hơn 95% nam giới tuổi trung niên mắc phải. Người bệnh thường chịu những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối, kèm theo cơn đau là hiện tượng sưng đỏ, thậm chí không đi lại được do đau. Nhiều người vẫn thường xem nhẹ căn bệnh này và duy trì những thói quen xấu khiến cho bệnh trở nên nghiêm trọng và đau nhức hơn. Vì vậy, khi có biểu hiện cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
BS. Vũ Thị Thanh