Người con gái Nhật ở Quảng Trị

Người con gái Nhật ở Quảng Trị
8 giờ trướcBài gốc
Noriko Nakamura đã chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình với Người Đô Thị bằng tiếng Việt “đậm chất Quảng Trị” như cô nói.
Mối duyên nào kết nối Noriko với Việt Nam và đưa bạn đến sống, làm việc tại Quảng Trị? Bạn có những ấn tượng, kỷ niệm gì với nơi này?
Trường đại học yêu cầu tôi chọn một ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh, tôi quyết định chọn tiếng Việt. Nhưng sự lựa chọn này sau đó làm tôi khó khăn vì tiếng Việt thực sự khó học. Lúc đó, tôi đã nghĩ sau này mình sẽ không bao giờ sử dụng tiếng Việt nữa. Nhưng hiện nay tôi nói tiếng Việt giọng Quảng Trị rất tốt.
Tôi rất thích câu “Việt Nam không giàu tiền bạc nhưng rất giàu tình cảm”.
Sau khi tốt nghiệp đại học và học cao học tại Nhật, giáo sư cử tôi đến Đại học Bách khoa Đà Nẵng, nơi tôi nghiên cứu về Community Development (phát triển cộng đồng). Tôi đã gặp rất nhiều người tốt bụng ở Đà Nẵng và bắt đầu nghĩ rằng làm việc ở Việt Nam cũng hay. Sau khi nhận được bằng thạc sĩ, giáo sư của tôi giới thiệu tôi làm điều phối viên cho dự án giáo dục phòng chống thiên tai của JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) tại Thành phố Huế.
Tôi bắt đầu làm việc tại Huế từ tháng 4.2011. Khi đó Nhật Bản vừa bị thiệt hại bởi trận động đất và sóng thần lớn vào tháng 3.2011, tôi nhớ từ chú xích lô, dì tiểu thương ở chợ đến những người Việt Nam tôi gặp đều lo lắng cho Nhật Bản khiến tôi rất ấn tượng. Sau đó tôi có duyên gặp chồng tôi (quê Quảng Trị) đang học thạc sĩ ở Trường Đại học Nông Lâm Huế. Miền Trung vẫn đang trong giai đoạn phát triển, còn nhiều bất tiện nhưng tôi cảm thấy rất nhiều người có tấm lòng nhân hậu. Tôi rất thích câu “Việt Nam không giàu tiền bạc nhưng rất giàu tình cảm”.
Noriko Nakamura và chồng người Việt.
Cuộc sống gia đình của Noriko ở Quảng Trị hiện nay ra sao? Bạn cảm nhận thế nào về vùng đất này dưới góc nhìn của một người Nhật nói chung và một người phụ nữ Nhật đã chọn Việt Nam để sống, làm những điều mình yêu thích?
Sau khi dự án JICA kết thúc và chúng tôi kết hôn, hai vợ chồng sống ở Đà Nẵng khoảng một năm. Đà Nẵng có nhiều người Nhật và người nước ngoài sinh sống nên tôi không gặp nhiều vấn đề. Sau khi sinh con trai đầu lòng, chồng tôi muốn về quê làm việc nên chúng tôi chuyển về nhà bố mẹ chồng ở Quảng Trị.
Ở Quảng Trị không có người quen hay người Nhật, tôi lại không có việc làm nên cảm thấy rất cô đơn. Chồng tôi đi làm ở Khe Sanh xa nhà, cuối tuần mới về. Suốt ngày tôi chỉ biết nói chuyện với con trai nhỏ bằng tiếng Nhật, thỉnh thoảng đi chợ nói chuyện với các dì ở đó. Vợ chồng tôi thường xuyên cãi nhau và có khi tôi bỏ nhà đi Huế hoặc Đà Nẵng. Chồng tôi bắt đầu đưa tôi đi nhiều nơi ở Quảng Trị để tôi không cảm thấy cô đơn. Biển, núi, sông...
Quảng Trị tuy không thuận tiện nhưng rất đẹp, văn hóa thú vị, đồ ăn ngon và nhiều địa điểm có ý nghĩa lịch sử. Tôi đặc biệt thích Khe Sanh, nơi chúng tôi sống với nhau khoảng hai năm. Ở đó khí hậu dễ chịu, có nhiều dân tộc thiểu số và nền văn hóa phong phú. Hồi ở Khe Sanh, tôi sống xa bố mẹ chồng nhưng những người xung quanh đã giúp đỡ tôi nuôi con, điều đó rất có ích.
Cách đây vài năm, tôi là người Nhật duy nhất ở Quảng Trị (hiện tại thì có thêm hai tình nguyện viên JICA). Chính vì vậy tôi muốn chia sẻ nhiều điều về Quảng Trị mà người Nhật chưa biết và tôi thấy đó là sứ mệnh của mình.
Thời gian rảnh rỗi, Noriko thường làm gì?
“Ở Nhật Bản sướng hơn mà tại sao bạn chọn Việt Nam?” là câu hỏi mà những người Việt xung quanh tôi thường hỏi. Tôi chọn Việt Nam vì ở đây tôi có nhiều thời gian dành cho gia đình hơn ở Nhật Bản. Cuộc sống ở Nhật thuận tiện hơn nhưng người ta lại bận rộn đến mức không có nhiều thời gian dành cho gia đình.
Người Việt Nam, đặc biệt là người Quảng Trị rất quý trọng gia đình và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Khi vợ chồng tôi đi làm, bố mẹ chồng và anh chị chồng đều chăm sóc con cái và nấu ăn cho chúng tôi. Vì vậy, tôi muốn dành những ngày cuối tuần của mình với gia đình. Tôi cùng các con đi mua sắm ở siêu thị hoặc ra công viên chơi.
Noriko Nakamura và gia đình.
Trong lịch sử Việt Nam, Quảng Trị từng là nơi chia đôi đất nước và chứng kiến nhiều đau thương tang tóc của chiến tranh, Noriko có cảm nhận thế nào về vùng đất và con người nơi đây?
Lúc tôi sinh ra thì chiến tranh Việt Nam đã kết thúc và tôi chỉ nghe nói đến trong sách giáo khoa lịch sử nên tôi không biết nhiều, cho đến khi tôi lấy chồng Quảng Trị. Khi sống ở Quảng Trị và nghe những câu chuyện về chiến tranh từ bố mẹ chồng và những người Việt xung quanh, tôi bắt đầu nghĩ rằng mình cần tìm hiểu thêm về chiến tranh Việt Nam và lịch sử Quảng Trị. Mẹ chồng tôi kể rằng khi Quảng Trị còn là vùng tranh chấp gay gắt, mẹ tôi phải di tản bằng cách đi bộ từ Quảng Trị về Huế dọc theo một con đường rải đầy xác người chết.
Tôi cảm thấy người dân Quảng Trị có một lịch sử đau buồn như vậy nên mạnh mẽ và có tình yêu quê hương mãnh liệt hơn so với người Việt ở các vùng khác. Mỗi khi tôi trở lại Nhật Bản, người dân Quảng Trị ở Nhật Bản đều chào đón nồng nhiệt vì tôi là con dâu Quảng Trị. Chính vì vậy tôi luôn muốn làm một điều gì đó cho người dân Quảng Trị. Đó là lý do chúng tôi thành lập Trung tâm NIJI (dạy tiếng Nhật cho người Việt) tại Quảng Trị.
Để giới thiệu về Quảng Trị cho một người Nhật Bản hay quốc tế, Noriko sẽ nói gì?
So với các thành phố du lịch xung quanh như Đà Nẵng, Huế thì Quảng Trị có ít địa điểm vui chơi tham quan hơn. Tuy nhiên, có nhiều nơi bạn có thể tìm hiểu về lịch sử và chiến tranh của Việt Nam, chẳng hạn cầu Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc, thành cổ Quảng Trị và Trung tâm bom mìn. Tôi nghĩ người Nhật cũng nên ghé thăm những nơi đó.
Quảng Trị còn có lối sống truyền thống của người Việt không được bảo tồn ở các thành phố lớn khác. Nó hơi giống cuộc sống ở Nhật Bản thời hậu chiến. Tôi mong muốn các bạn sinh viên trẻ Nhật Bản đến thăm Quảng Trị, hiểu về chiến tranh và cảm nhận không khí Quảng Trị.
Noriko Nakamura hoạt động cộng đồng tại Việt Nam.
Việc dạy tiếng Nhật và mở trung tâm tiếng Nhật đào tạo lao động Việt Nam trước khi sang Nhật có ý nghĩa thế nào với Noriko? Bạn có gặp khó khăn gì không và đến nay đã đạt được những thành tựu gì?
Sau khi sinh đứa con thứ hai, em gái họ của chồng tôi nhờ dạy tiếng Nhật cho cô ấy. Lúc đó tôi chưa có kinh nghiệm dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài nên cũng lưỡng lự nhưng cô ấy tha thiết quá nên tôi nhận lời. Về sau tôi thấy dạy tiếng Nhật ý nghĩa hơn việc bán sản phẩm Nhật Bản mà trước đó tôi từng làm. Lúc đầu chỉ có một học sinh, nhưng dần nhiều người biết đến và số lượng học sinh tăng lên. Trước tôi chỉ nói tiếng Nhật với con mình nhưng giờ có thể nói với các học sinh nên cuộc sống thú vị hơn.
Thêm nữa, trước khi bắt đầu nghề này, tôi thường nghe về những rắc rối giữa người Việt và người Nhật làm việc tại Nhật Bản. Mỗi lần nghe tin không tốt về những người Việt Nam ở Nhật tôi rất buồn. Tôi nhận thấy nhiều vấn đề xảy ra giữa người Nhật và người Việt là do hai bên không hiểu được ngôn ngữ, văn hóa của nhau. Đó là lý do vợ chồng tôi quyết định thành lập trung tâm đào tạo tiếng Nhật.
Giáo dục không mang lại kết quả ngay lập tức. Bảy năm đã trôi qua kể từ khi NIJI được thành lập. Một số học trò của tôi sang Nhật Bản làm việc vài năm đã quay lại Việt Nam và đến gặp chúng tôi tại NIJI. Điều tuyệt vời hơn là các bạn học sinh còn giới thiệu NIJI với bạn bè, người thân của mình. Chỉ điều này thôi cũng khiến tôi hạnh phúc.
Noriko còn giấc mơ nào muốn thực hiện trong tương lai?
NIJI trong tiếng Nhật có nghĩa là cầu vồng. Chúng tôi, đại gia đình NIJI, bao gồm các bạn học sinh sang Nhật Bản, luôn mong muốn trở thành cầu nối giữa Nhật Bản và Việt Nam. Ngoài việc đào tạo tiếng Nhật, NIJI còn hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện dự án tại Quảng Trị. Chúng tôi mong muốn tăng thêm cơ hội việc làm tại Quảng Trị cho các bạn sang Nhật Bản và trở về Quảng Trị.
Tôi nghĩ không chỉ mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam mà cả mối quan hệ với các khu vực khác nhau cũng bắt đầu từ sự hiểu biết. Tôi sẽ tiếp tục kể cho người dân Quảng Trị về Nhật Bản và tôi muốn chia sẻ với người Nhật Bản về Việt Nam, đặc biệt là về Quảng Trị.
Kim Dung thực hiện
Nguồn Người Đô Thị : https://nguoidothi.net.vn/nguoi-con-gai-nhat-o-quang-tri-47930.html