Người dân đi chợ sắm lễ vật, ra sông thả cá tiễn ông Táo về trời

Người dân đi chợ sắm lễ vật, ra sông thả cá tiễn ông Táo về trời
4 giờ trướcBài gốc
Dù bận rộn cảnh bán mua, tại cửa hàng chuyên bán đồ trang trí tết trên đường Hải Thượng Lãn Ông Q.5, mâm lễ vật cúng tiễn ông Táo về trời được gia chủ chuẩn bị trang trọng, đầy đủ.
Đây không chỉ là dịp để mỗi gia đình bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn với các vị thần che chở mình mà còn thể hiện mong muốn cầu bình an, may mắn trong năm mới.
Các gia đình thường cúng tiễn ông Táo bằng mâm cỗ, vàng mã và đặc biệt là cá chép, phương tiện để các ông Táo bay về trời.
Sáng 22/12 (23/12 Âm lịch), người dân đi chợ sớm, sắm sửa lễ vật, bánh trái, nhang đèn… sửa soạn mâm cơm cúng, tiễn đưa ông Táo. Trong ngày này, tại các bến sông, kênh rạch, ao hồ… bà con còn thả cá chép phóng sinh.
Từ sáng sớm tinh mơ, các quầy sạp bên trong nhà lồng chợ Lê Văn Sỹ - Q. Tân Bình, các tiểu thương đã chuẩn bị đầy đủ các loại lễ vật, từ nhang đèn, vàng mã, trầu cau, bánh trái…
Trái cây đủ loại cũng được trưng bày bán, phục vụ người dân mua sắm.
Các loại xôi, chè, bánh trái cũng được các chủ quầy sạp chuẩn bị sẳn sàng, tươm tất.
Nhiều người cho rằng, vào ngày này, ông Táo sẽ cưỡi cá chép về trời chầu Ngọc Hoàng để báo cáo những việc làm tốt, xấu của gia đình trong năm để thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh. Việc thả cá chép còn như một nghi thức tiễn đưa ông Táo về Thiên đình.
Chợ Bình Phú – Q.6, bà con bày hàng la liệt, từ nhang đèn, đồ vàng mã đủ loại. Nhìn chung dịp này, sức mua giảm hơn so với mọi năm.
Năm nay bà con chọn mua những thứ thiết yếu như bánh trái, chè xôi, hoa quả về cúng nhiều hơn các loại nhang đèn vàng mã, chị Lan Hương, tiểu thương chợ Bình Phú cho hay.
Các loại trái cây, hoa cành dịp lễ tết năm nay giá cả tăng nhẹ.
Tại các chợ truyền thống như: Bình Phú (Q.6), Bà Chiểu (Bình Thạnh), Phú Nhuận, Gò Vấp, Lê Văn Sỹ (Tân Bình)... các mặt hàng được người dân tìm mua nhiều nhất trong ngày tiễn ông Táo như: cá chép, trái cây các loại, xôi chè, vàng mã... Tuy nhiên, theo bà con tiểu thương, năm nay sức mua yếu hơn mọi năm.
“Cá chép tượng trưng cho phú quý, tài lộc, mang lại may mắn cho gia đình, các chép đẻ trứng còn mang ý nghĩa phát triển thịnh vượng”, chị Mỹ Linh nói.
Sau khi tư vấn kỹ càng, chú cá chép bụng đầy trứng được chị khách chọn mua ngay.
Đến gần 11 giờ trưa, 2 bồn cá chép đã vơi đi gần phân nữa.
Tại sạp bán cá chợ Gò Vấp, chị Mỹ Linh tư vấn: trong năm có mỗi ngày này, gia đình nên chọn thả cá chép to, có trứng. Bởi cá sau khi thả xuống, đẻ trứng không chỉ mang ý nghĩa sinh sôi, nảy nở mà còn tượng trưng cho sự phát triển và thịnh vượng; ngoài ra cá nở thành bầy đàn còn có lợi cho môi trường nữa.
Sau lễ cúng tại nhà, cá chép sẽ được mang đi phóng sinh xuống sông, hồ... việc phóng sinh còn mang ý nghĩa của cầu mong một năm mới sung túc và đầy đủ, ông Hòa giải thích.
Ông Trương Minh Hòa cán bộ hưu trí cùng 2 người bạn trịnh trọng và nhẹ nhàng thực hiện nghi thức thả cá chép; ông Hòa chia sẻ: “Cá chép có thể vượt vũ môn hóa rồng mang ý nghĩa của sự thăng hoa, phát triển vượt bậc. Bên cạnh đó còn là nét đẹp văn hóa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công”.
Nhiều người đã chọn Bến du thuyền nội đô trên kênh Nhiêu Lộc, đoạn gần chùa Chantarangsay để thực hiện nghi thức thả cá chép, đưa ông Táo về trời.
Trong lúc thực hiện nghi thức, người thả cá thường gửi theo tâm nguyện, ước mong của mình để ông Táo theo đó trình báo lên Ngọc Hoàng.
Chú cá chép sau khi được phóng sinh lộ vẻ mừng vui, quay lại quẫy đuôi như lời chào tạm biệt trước khi bơi đi mất.
Theo chị Hoàng Thị Ánh Dương, ngụ tại Q.3, thông lệ việc làm mâm cơm cúng và thả cá chép phải thực hiện trong khoảng thời gian không được quá giờ Ngọ (11-13h) để kịp giờ về ông Táo về chầu trời. Cần chọn những nơi có nguồn nước sạch, thoáng đãng như sông, rạch, ao hồ để thả cá.
Việc thả cá phóng sinh trong những dịp này còn mang ý nghĩa làm việc thiện để cầu mong năm mới An khang – Thịnh vượng.
Thường thì cá chép là loại cá truyền thống được sử dụng trong tục lệ này. Tuy nhiên, mình cũng có thể thả các loại cá khác như cá trắm, rô phi... cũng không nên quá câu nệ cá nào. Quan trọng nhất là việc thả cá phải nhẹ nhàng, tránh làm chúng bị tổn thương, chị Hoàng Oanh ở Bình Thạnh thực tâm hướng dẫn.
Ngày 23 tháng Chạp cá chép cõng ông Táo về trời, đến Giao thừa, Táo quân sẽ trở lại hạ giới để tiếp tục công việc của mình trong năm mới.
Trong tâm thức người Việt in đậm hình ảnh “cá chép vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” mang biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí… Việc phóng sinh trong ngày tiễn đưa ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa mà còn thể hiện việc hành thiện của người Việt.
Hữu Long
Nguồn Du lịch TP.HCM : https://tcdulichtphcm.vn/le-hoi/nguoi-dan-di-cho-sam-le-vat-ra-song-tha-ca-tien-ong-tao-ve-troi-c9a90217.html