Hội nghị công bố 28 nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương 2 cấp. (Ảnh: Báo Nhân Dân)
Ngày 1/7/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 160-KL/TW, đánh dấu bước ngoặt trong công cuộc cải cách hành chính khi lần đầu tiên xác lập một con số cụ thể gồm 1.060 nhiệm vụ, thẩm quyền được đề xuất chuyển giao về cấp xã, phường. Đây không chỉ là quyết sách hành chính đơn thuần, mà là bước đi chiến lược nhằm theo hướng tinh gọn, hiệu quả, gần dân và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Từ nghị quyết đến hành động: Cấp xã, phường thay đổi thế nào?
Việc chuyển giao khối lượng lớn nhiệm vụ từ cấp quận, huyện về cấp xã, phường được triển khai trong bối cảnh hệ thống chính quyền địa phương đang trải qua những thay đổi căn bản về tổ chức và nhân sự theo các Nghị quyết 37-NQ/TW và 48-KL/TW.
Sau quá trình sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, nhiều xã, phường có quy mô lớn hơn, dân số đông hơn, yêu cầu quản trị ngày càng cao. Trong bối cảnh đó, việc phân quyền cho cấp xã, phường là bước đi tất yếu, nhằm bảo đảm chính quyền cơ sở đủ năng lực đáp ứng yêu cầu quản lý mới.
Danh mục 1.060 nhiệm vụ trải rộng trên nhiều lĩnh vực như hộ tịch, đất đai, tài chính, giáo dục, y tế, xây dựng, an sinh xã hội, hòa giải, đô thị, văn hóa, tư pháp-hộ tịch... Việc này không chỉ cắt giảm thủ tục trung gian, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, mà còn góp phần tăng quyền chủ động cho chính quyền cấp xã, phường giúp người dân tiếp cận dịch vụ công một cách thuận tiện, nhanh chóng.
Như Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Nội vụ, nhấn mạnh: “Chúng ta đang hướng đến xây dựng cấp xã - cấp gần dân, sát dân nhất - chuyển từ mô hình ‘chính quyền quản lý’ sang mô hình ‘chính quyền phục vụ’, lấy người dân là trung tâm, chủ động nắm bắt, giải quyết các vấn đề phát sinh và liên quan đến cá nhân, tổ chức ngay từ cơ sở. Vậy nên chính quyền càng gần dân thì dân càng hưởng lợi”.
Bước tiến tất yếu để gần dân, phục vụ tốt hơn
Không chờ đến khi kế hoạch phân quyền hoàn tất, tại nhiều địa phương như Quảng Ninh, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Ninh..., mô hình “một cửa liên thông” cấp xã, phường đã bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt. Người dân cảm nhận rõ sự thay đổi không chỉ ở tốc độ xử lý hồ sơ, mà cả ở thái độ phục vụ và khả năng giải quyết công việc ngay tại địa phương.
Chị Nguyễn Thị Dung (xã Hoành Mô, Quảng Ninh) chia sẻ: “Trước đây, muốn xin xác nhận hiện trạng đất để vay vốn ngân hàng hoặc làm hồ sơ cấp đổi sổ đỏ, tôi phải chạy gần 20 cây số đến cơ quan chuyên môn cấp huyện, mất cả buổi và đôi khi phải quay lại vài lần nếu thiếu giấy tờ. Nay cán bộ địa chính xã có thể tiếp nhận và xác nhận hồ sơ ngay tại xã, tôi tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại và không bị gián đoạn công việc đồng áng”.
Tương tự, với các thủ tục xây dựng, đất đai, quy hoạch, người dân đánh giá cao sự rõ ràng và tinh thần hướng dẫn tận tình từ chính quyền cơ sở. Anh Nguyễn Văn Chung (phường Hạp Lĩnh, tỉnh Bắc Ninh) cho biết: “Trước đây, hồ sơ xin sửa chữa nhà thường phải đi xin xác nhận nhiều nơi. Giờ cán bộ phường kiểm tra hiện trạng và hướng dẫn đầy đủ tại chỗ. Nhờ đó, tôi hoàn thiện hồ sơ ngay từ đầu, không phải đi lại nhiều lần”.
Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hạp Lĩnh, tỉnh Bắc Ninh.
Sự thay đổi còn đặc biệt ý nghĩa với người lớn tuổi, ít sử dụng công nghệ. Ông Bùi Văn Đắc, cán bộ hưu trí (xã Mê Linh, Hà Nội) nhận xét: “Trước kia, muốn kiểm tra xem phần đất nhà có nằm trong quy hoạch mở đường hay không, tôi phải lên huyện vì xã không tra cứu được. Bây giờ, cán bộ xã có thể truy cập dữ liệu quy hoạch sơ bộ và giải thích rõ ràng ngay tại chỗ. Việc phân quyền về xã, phường là rất cần thiết, nhất là với người cao tuổi như tôi. Làm thủ tục gần nhà, có người hướng dẫn tận tình, không phải đi xa, đỡ mệt mỏi hẳn. Nhiều giấy tờ đơn giản, con cháu tôi còn có thể kê khai trực tuyến và nộp thay, không cần xin nghỉ làm. Đó là thay đổi rất thiết thực, vì người già như tôi chỉ cần được hỗ trợ đúng lúc, đúng chỗ là yên tâm rồi”.
Từ phía cán bộ cơ sở, phân quyền giúp giảm tình trạng “phải xin ý kiến cấp trên cho từng việc nhỏ”, tăng khả năng linh hoạt trong xử lý. Bà Đinh Thị Thao, Bí thư Chi bộ 5, Đảng ủy phường Đại Mỗ, thành phố Hà Nội nhận định: “Phường, xã sau hợp nhất lớn gấp nhiều lần trước, nhưng việc được giao thêm quyền đã giúp cán bộ chủ động hơn. Việc gì cũng không phải đợi cơ quan cấp trên nữa. Nếu được đầu tư thêm phần mềm và hạ tầng, chắc chắn còn tốt hơn”.
Những chuyển biến tích cực này đang dần hình thành một diện mạo hành chính mới. Tại Hà Nội, nhiều xã, phường như Hoàng Mai, Cửa Nam, Nam Đồng, Gia Lâm, Phú Xuyên đã ghi nhận phản hồi tích cực từ người dân sau một tuần triển khai . Cán bộ được phân công khoa học, quy trình được rút gọn, một số nơi còn triển khai hỗ trợ tận nhà đối với thủ tục định danh điện tử.
Người dân trải nghiệm Robot AI áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính.
Một ví dụ đáng chú ý tại Hà Nội là mô hình “công chức robot” ở phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm trước đây) - nơi đang tiên phong ứng dụng công nghệ vào cải cách hành chính. Từ ngày 10/7, tại bộ phận một cửa, một thiết bị được đưa vào hoạt động, hỗ trợ người dân tra cứu thông tin, nhận hướng dẫn thủ tục, phát số thứ tự, giới thiệu dịch vụ công, nước uống và bánh kẹo.
“Tôi đang ngồi chờ thì robot tự động di chuyển tới khu vực ghế chờ, phát tờ rơi giới thiệu dịch vụ và mời tôi dùng nước. Cảm giác rất bất ngờ và vui, thủ tục thì vẫn nghiêm túc, mà không khí lại thân thiện hơn nhiều”, bà Phạm Thị Như Hoa (cư dân phố Trần Hưng Đạo) chia sẻ.
Chúng tôi xác định chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ, mà là thay đổi tư duy phục vụ. Robot AI không đơn thuần là thiết bị hỗ trợ, mà là một cách để tạo ra trải nghiệm hành chính gần gũi, dễ tiếp cận - nhất là với người cao tuổi hoặc ít dùng công nghệ. Mỗi đổi mới phải bắt đầu từ sự hài lòng của người dân - đó không chỉ là thước đo điều hành, mà còn là động lực cải cách bền vững.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Cửa Nam.
Dù người dân tại nhiều địa phương ghi nhận sự thay đổi tích cực, nhưng thực tế triển khai phân quyền sâu cho cấp xã, phường vẫn bộc lộ nhiều thách thức căn cơ. Những khó khăn này nếu không được giải quyết đồng bộ sẽ làm chậm lại quá trình cải cách và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng phục vụ người dân.
Phân quyền phải “đủ lực” để thực thi hiệu quả
Trước hết là thách thức về thể chế pháp lý. Dù nhiều nhiệm vụ đã được phân cấp, nhưng việc thiếu hướng dẫn cụ thể cùng với hệ thống văn bản còn chồng chéo khiến chính quyền cơ sở lúng túng trong thực thi.
Tiến sĩ Tạ Ngọc Hải, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, phân tích: “Chuyển giao nhiệm vụ mà thiếu quy định rõ ràng sẽ khiến cán bộ e dè, ngại làm vì không biết căn cứ vào đâu. Muốn thúc đẩy tính chủ động ở cơ sở, phải có hành lang pháp lý minh bạch, cơ chế giải trình rõ ràng và hệ thống luật đồng bộ, dễ áp dụng. Đồng thời, hiệu quả phân quyền cũng cần được đánh giá dựa trên mức độ hài lòng của người dân, thay vì chỉ đếm số lượng đầu việc”.
Một trong những rào cản lớn hiện nay là hạ tầng công nghệ và năng lực vận hành ở cơ sở chưa theo kịp tiến trình phân quyền. Từ góc độ xã hội học, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Văn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội (Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam), chỉ ra: “Ở nhiều xã miền núi, vùng sâu, hạ tầng số còn rất hạn chế. Mạng Internet chập chờn, phần mềm hành chính thiếu đồng bộ khiến cán bộ gặp khó khăn trong xử lý công việc dù đã được giao quyền nhiều hơn. Nếu thiếu đầu tư bài bản cho thiết bị, kết nối, và kỹ năng vận hành, khó có thể lan tỏa đến người dân. Quan trọng hơn, cải cách cần được nhìn như một trải nghiệm hành chính thân thiện, minh bạch, dễ hiểu, đặc biệt với người lớn tuổi hoặc ít tiếp cận công nghệ”.
Trực tiếp triển khai tại cơ sở, ông Bùi Đình Hải, Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Mường Chiên (Sơn La), cũng nhìn nhận: “Chúng tôi rất ủng hộ phân quyền về xã, vì giúp dân thuận tiện hơn, cán bộ cũng chủ động hơn. Nhưng để làm được lâu dài, cần đầu tư đồng bộ, nhất là công nghệ thông tin và bồi dưỡng cán bộ chuyên môn. Cán bộ cơ sở đang phải kiêm nhiệm nhiều đầu việc, phần mềm không ổn định cũng ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết hồ sơ”.
Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Mường Chiên, tỉnh Sơn La.
Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban Tư vấn pháp luật và Thông tin truyền thông (Viện Kinh tế & Pháp luật Quốc tế), nhấn mạnh: “Phân quyền mà thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, thiếu cơ chế giải trình thì cấp dưới sẽ e dè, không dám làm. Việc giao quyền phải đi kèm sửa luật đồng bộ, minh bạch và dễ áp dụng. Đồng thời, cần cơ chế đánh giá cán bộ dựa trên mức độ hài lòng của người dân, chứ không chỉ đếm số lượng công việc”.
Theo ông Tuấn, chính quyền cấp xã, phường cần được nhìn nhận là một đơn vị hành chính thực sự có năng lực quản lý độc lập trong phạm vi địa phương. Giao quyền phải đi kèm kiểm soát quyền lực thông minh - thông qua các cơ chế phản hồi định kỳ từ người dân, công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính và phát huy vai trò giám sát xã hội.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng số và chuyển đổi số như một đòn bẩy, giúp giảm thủ tục, tăng minh bạch và từng bước củng cố lòng tin của người dân vào chính quyền cơ sở.
Phân quyền càng sâu, trách nhiệm càng lớn. Nhưng nếu được chuẩn bị bài bản, đây chính là điều người dân mong chờ nhất: được giải quyết công việc nhanh chóng, minh bạch, ngay nơi mình sinh sống thay vì phải chờ đợi, đi lại lòng vòng. Khi xã, phường đủ điều kiện để chủ động xử lý việc của dân, cải cách hành chính sẽ không chỉ nằm trên giấy, mà trở thành trải nghiệm thực sự tốt hơn trong từng thủ tục.
Phân quyền về xã, phường: Bạn thấy hiệu quả ra sao?
Những cải cách được đề xuất không chỉ để hoàn thiện bộ máy, mà còn mở ra không gian đối thoại - nơi tiếng nói từ thực tế của người dân góp phần định hình chính sách. Báo Nhân Dân mong tiếp tục nhận được phản hồi, góp ý, hiến kế từ bạn đọc những người trực tiếp sử dụng dịch vụ công và hiểu rõ nhất những chuyển động ở cấp cơ sở.
Mọi chia sẻ, phản ánh hoặc đề xuất xin gửi về email: bandocbaonhandan@gmail.com. Báo Nhân Dân sẽ kết nối chuyên gia giải đáp, đồng thời chuyển thông tin tới cơ quan chức năng để cùng tháo gỡ vướng mắc.
Chuyển giao 1.060 nhiệm vụ về cấp xã, phường là bước đi đúng đắn, phản ánh tầm nhìn cải cách sâu sắc, phù hợp với định hướng xây dựng chính quyền gần dân, vì dân. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện sẽ phụ thuộc rất lớn vào các điều kiện đi kèm - từ hành lang pháp lý rõ ràng, nguồn lực nhân sự và công nghệ, đến cơ chế giám sát minh bạch. Đây không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, mà là nền tảng để chính sách phân quyền đi vào thực tiễn một cách hiệu quả.
Khi tiếng nói của người dân được lắng nghe và phản hồi kịp thời, cải cách sẽ không dừng ở khẩu hiệu mà trở thành chuyển động thực sự từ cơ sở.
THÙY LINH