Người dân miền Tây gửi gắm tình cảm đến Bác qua những bức chân dung

Người dân miền Tây gửi gắm tình cảm đến Bác qua những bức chân dung
4 giờ trướcBài gốc
Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh ĐBSCL là nơi lưu giữ nhiều hình ảnh, hiện vật thể hiện những nét chính trong cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình cảm của Người đối với miền Nam và miền Nam đối với Người.
Các em học sinh, sinh viên tham quan, tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm chân dung về Bác Hồ với các chất liệu khác nhau, đặc trưng của vùng đất miền Tây Nam bộ như: lá thốt nốt, lá chuối, mo cau, vỏ tràm, lá sen… Với đôi bàn tay khéo léo và sự đam mê sáng tạo, các nghệ nhân tài ba đã thổi hồn vào những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, thể hiện tấm lòng của những người con miền Tây đối với Bác Hồ kính yêu.
Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long.
Em Hoàng Huyên – Bí thư Chi đoàn Khu vực 4, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều chia sẻ: “Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, em có dịp đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh ĐBSCL. Ngay từ những bước chân đầu tiên, không khí trang nghiêm và không gian trưng bày đầy ý nghĩa đã khiến em rất xúc động. Mỗi hiện vật, mỗi bức ảnh, mỗi trang tư liệu như đưa em ngược dòng thời gian, sống lại những chặng đường gian khó nhưng đầy vinh quang trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác. Đặc biệt, em rất ấn tượng với những bức chân dung về Bác như bức chân dung Bác trên nền lá thốt nốt của nghệ nhân Võ Văn Tạng. Cây thốt nốt mọc phổ biến tại An Giang, gắn liền với các sản vật của đồng bào dân tộc Khmer".
Tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh làm bằng vỏ tràm do nghệ nhân Lê Văn Bảy, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp thực hiện năm 2020.
Với lòng đam mê nghệ thuật, nghệ nhân Võ Văn Tạng ở huyện Thoại Sơn, An Giang đã quyết định dùng chất liệu lá thốt nốt làm nền cho tranh. Khi phác thảo tranh và vẽ lên nền lá thốt nốt ông phải dùng bút lửa (đó là que hàn bằng điện). Cho đến nay, nghệ nhân đã có hơn 20.000 tác phẩm trong đó chiếm phần lớn là chủ đề về Bác Hồ và Bác Tôn. Ông được ghi vào kỷ lục Guiness Việt Nam với bức Di chúc Bác Hồ lớn nhất Việt Nam và kỷ lục là “Người làm tranh bằng lá thốt nốt nhiều nhất Việt Nam (năm 2010)”. Tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nền lá thốt nốt của nghệ nhân Võ Văn Tạng còn mang ý nghĩa là tấm lòng của người dân An Giang đối với Bác Hồ kính yêu.
Tranh vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng mực nho trên lá chuối, mo cau của nghệ nhân Đặng Mộng Tường (Nhạn Trắng).
Bên cạnh nghệ nhân Võ Văn Tạng, nhiều nghệ nhân miền Tây cũng dày công sáng tạo nên những bức chân dung Bác Hồ bằng nhiều chất liệu truyền thống. Điển hình như nghệ nhân Bảy Nghĩa, đã sử dụng chất liệu rất phổ biến và gần gũi của vùng Đồng Tháp là lá sen, vỏ tràm để tạo nên tác phẩm nghệ thuật sống động đầy ấn tượng mang dấu ấn quê hương. Nét độc đáo của tranh là không dùng sơn màu, mà chỉ dựa vào những họa tiết tự nhiên cùng những tông màu như: nâu đen, nâu, vàng, vàng nhạt… để tạo ra một bức tranh hoàn thiện.
Tranh vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nền lá thốt nốt của nghệ nhân Võ Văn Tạng, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang vẽ năm 2018.
Trong hàng nghìn tác phẩm của nghệ nhân, có hơn 100 bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do ông thực hiện đã được trưng bày tại nhiều sự kiện văn hóa lớn, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật dân gian, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh quê hương “đất sen hồng” Đồng Tháp.
Tại Bảo tàng, nhiều người đến tham quan cũng rất ấn tượng với bức chân dung Bác của nghệ nhân Đặng Mộng Tường (bí danh Nhạn Trắng). Ông là người đầu tiên nghiên cứu vẽ tranh bằng mực nho trên lá chuối, mo cau, với chủ đề xuyên suốt “Sen và Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Hơn 20 năm gắn bó với chất liệu này, ông đã cho ra đời hơn 1.000 tác phẩm, mang đến một góc nhìn mới về Bác trong lòng người dân Nam Bộ.
Ngọc Phạm
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/nguoi-dan-mien-tay-gui-gam-tinh-cam-den-bac-qua-nhung-buc-chan-dung.707948.html