Chiều 17-12, theo tin từ Bệnh viện trung ương Quân đội 108, sau 1 tháng bị chó cắn, nam bệnh nhân nói trên được người nhà đưa đến bệnh viện để xử lý di chứng khuyết môi dưới.
Vùng môi của bệnh nhân được "tái tạo" sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Trước đó, người bệnh đã được kịp thời sơ cứu và khâu vết thương, tiêm phòng uốn ván và ngừa dại. Sau khi được chăm sóc, vết thương ổn định, tuy nhiên di chứng để lại khuyết môi dưới khiến người bệnh gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt. Cụ thể là dịch tiết, nước bọt thường xuyên chảy ra ngoài khi ăn uống hoặc nói chuyện.
Bệnh nhân đã được các bác sĩ của Bệnh viện trung ương Quân đội 108 tạo hình lại phần môi bị khuyết bằng vạt da lân cận có cuống mạch nuôi, tái tạo lại đồng thời chiều cao của bờ môi và chiều sâu của ngách tiền đình hàm dưới. Đây là kỹ thuật được áp dụng thường quy tại trung tâm nhằm tái tạo lại các tổn khuyết vùng đầu mặt cổ.
Phẫu thuật thành công đã giúp người bệnh lấy lại đường viền môi liên tục, cải thiện chất lượng cuộc sống, về cả chức năng và tính thẩm mỹ.
Trung bình mỗi năm tại Việt Nam có hơn 500.000 vụ tai nạn sinh sinh hoạt do chó cắn. Nhiều năm trở lại đây, tần suất xảy ra các trường hợp người già hoặc trẻ em bị chó cắn xuất hiện ngày càng nhiều, với các vết thương thường gặp vùng đầu mặt cổ, để lại những hậu quả vô cùng nặng nề.
“Do đặc tính cắn, giằng xé của loài chó, chúng có thể gây ra các vết thương mạch máu lớn vùng cổ hoặc các vết thương lóc da, đứt rời bộ phận vùng đầu mặt. Không những thế, người bệnh còn phải đối diện với nguy cơ nhiễm vi rút dại hoặc nhiễm trùng vết thương do lây nhiễm vi khuẩn từ răng miệng loài chó”, Thạc sĩ-bác sĩ Lê Kim Nhã, Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) lưu ý.
Trong sơ cứu vết thương do chó cắn, theo bác sĩ Lê Kim Nhã, cần nhanh chóng tách người bệnh ra khỏi vùng nguy hiềm. Nếu thấy vết thương chảy nhiều máu, nhanh chóng dùng khăn sạch hoặc gạc sạch ép vào vùng tổn thương để ngăn chảy máu. Nếu vết thương đã cầm máu, tiến hành rửa bằng xà phòng và nước sạch, sau đấy băng lại bằng gạc sạch và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Ngoài ra, tại cơ sở y tế, người bệnh cần được sớm thăm khám và tư vấn tiêm phòng ngừa dại và uốn ván bởi bác sĩ chuyên khoa.
“Vết thương do chó cắn thường có nguy cơ nhiễm trùng cao, nên cần được thay băng và vệ sinh hằng ngày, kết hợp sử dụng thuốc kháng sinh và giảm đau toàn thân. Đối với các vết thương đã nhiễm trùng chảy dịch, nên để hở và chăm sóc thay băng hằng ngày cho đến khi sạch thì mới khâu đóng lại. Sau khi tình trạng toàn thân và tại chỗ ổn định, các phương pháp tạo hình sẽ được sử dụng để tái tạo lại cơ quan cấu trúc khuyết thiếu, nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh”, bác sĩ Lê Kim Nhã khuyến cáo.
Thu Trang