Ngày 25/4, tại hội thảo về thành tựu 50 năm sân khấu Thủ đô, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội - NSND Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết, trong suốt nửa thế kỷ qua, Hội Sân khấu Hà Nội tập hợp được đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ tâm huyết, sáng tạo ra nhiều tác phẩm và công trình nghệ thuật, phục vụ độc giả và công chúng. Tuy nhiên, hiện nay, sân khấu đang phải đối mặt với sức ép của chính quá trình phát triển, các loại hình nghệ thuật truyền thống đang gặp nhiều trở ngại.
Hội thảo thành tựu 50 năm sân khấu Thủ đô, tổ chức tại Hà Nội ngày 25/4
Một trong số những trở ngại đó, theo ông Tuấn, đó là việc bảo tồn, kế thừa và phát triển nghệ thuật truyền thống hiện đang là vấn đề “rất lớn và khó”. Ai cũng biết vừa phải bảo tồn, kế thừa truyền thống, vừa phải phát triển vì đó là hai mặt của vấn đề, nhưng bảo tồn thế nào, bảo tồn đến đâu?
Lấy ví dụ Hà Nội cùng với 13 tỉnh đang xây dựng hồ sơ trình UNESCO tôn vinh và bảo tồn hát chèo là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, ông Tuấn cho rằng, đây là điều đáng mừng nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là, làm thế nào để bảo tồn đúng, đủ, hiệu quả và phát huy những gì của loại hình nghệ thuật này? Bảo tồn các vở chèo cổ hay bảo tồn các làn điệu, cách diễn xuất, trang phục?
“Bảo tồn và kế thừa những gì, phát triển những gì, bước đi cụ thể của quá trình này thế nào… thì chúng ta chưa chỉ ra được. Làm chuyên môn mà chúng ta còn lúng túng thì cơ quan quản lý sẽ giải quyết yêu cầu của chúng ta thế nào?”, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội đặt câu hỏi.
Phân tích thêm, ông Tuấn cho biết, cả chục năm qua, chúng ta vẫn tranh luận rằng diễn theo cách mới là phá chèo, kịch bản chuyển thể là kịch cắm chèo, chèo không phù hợp với đề tài hiện đại… Cho đến nay, những tranh cãi này vẫn chưa có hồi kết. Nếu bảo tồn chỉ được hiểu là bảo tồn chèo cổ thì không khó, bởi chỉ có 7 vở chèo cổ và gần 200 làn điệu, điều này theo ông Tuấn, “cứ diễn lại, quay phim, chụp ảnh rồi cho vào bảo tàng là xong, ai muốn xem chèo cổ thế nào thì đến bảo tàng”.
Cảnh trong vở “Tấm Cám” của Nhà hát Chèo Hà Nội. Ảnh: NHCHN
Tuy nhiên, cách bảo tồn như vậy là “bảo tồn theo cách giữ hiện vật” trong khi chèo vẫn sống và phát triển cùng thời đại. Vì vậy, vấn đề của những nghệ sĩ, của hội nghề nghiệp là phải tìm ra câu trả lời cho vấn đề này trước khi nói đến kinh phí, cơ chế, người thực hiện…
“Một thế kỷ trước cụ Nguyễn Đình Nghị đã đưa chèo bước từ chiếu chèo sân đình vào đô thị, phát triển “chèo cải lương”, lúc đầu cũng bị phản ứng dữ dội nhưng sau đó thì lại phải thừa nhận cách làm của cụ là sáng tạo. Bài học ấy vẫn cần cho chúng ta khi thực hiện việc bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống”, ông Tuấn dẫn chứng và cho rằng, bảo tồn một loại hình nào đó là cần thiết nhưng loại hình nghệ thuật đó chỉ sống trong đời sống khi nào nhân dân thấy thực sự cần nó và họ trở thành chủ thể tham gia vào quá trình này thì mới hy vọng thành công.
Khánh Ngọc