Ông Tạ Minh Tâm, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử tại xã Thanh Liệt.
Là người con xã Thanh Liệt, cũng là nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử lâu năm tại xã, năm 2014, sau 20 năm, ông Tạ Minh Tâm tâm huyết ra mắt cuốn sách “Văn hóa làng Thanh Liệt trong văn hóa Thăng Long Hà Nội”, ông nhớ những ngày đi các ngôi chùa, soi đèn pin viết chữ Hán, dịch tiếng Việt, ghi lại từng chi tiết nhỏ nhất về hình dáng, hoành phi, câu đối, màu sắc… để tìm hiểu lịch sử văn hóa của các ngôi chùa, trong đó có chùa Linh Quang.
Chùa Linh Quang, chùa Ổi (thôn Văn, xã Thanh Liệt) được xây dựng từ thời Lê khoảng năm 1740, tên chữ là Linh Quang Tự (Ánh sáng tâm linh, thiêng liêng) trên mảnh đất nổi cao gọi là Gò Chùa. Gò đất này rộng khoảng 300 m2, có dáng hình người chân cọ, chân duỗi, đầu hướng bắc, một tay chỉ vào trong thôn. Phía sau chùa là ban thờ thủy tổ dòng họ Tạ thôn Văn, ngay sau ban thờ có cây Xà Đá…
Với ông, việc tu bổ, tôn tạo ngôi chùa cổ là nguyện vọng, là mong mỏi bấy lâu nay của người dân nơi đây. Bởi ngôi chùa này có nhiều nét cổ kính, giá trị lịch sử văn hóa… trong quá trình nghiên cứu, viết sách khiến ông luôn đau đáu. Ông cho biết, đầu những năm 60 của thế kỷ 20, nhiều đoàn khảo cổ đã xác định những viên gạch bìa sách xây chùa có niên đại vào thời Lê. Ngôi chùa này được xây dựng có hậu cung, đại bái với quy mô nhỏ, diện tích bên trong hơn 10 m2, có ban thờ áp vào tường hậu, bục thờ ở chính giữa cung và hai bục nhỏ ở đại bái. Cung xây theo kiểu vòm cuốn, hai cửa nhỏ kiểu tò vò ra vào cuốn cong trước cung và đại bái. Trong chùa có 3 tượng Phật tam thế nhỏ, tượng trưng cho quá khứ, hiện tại, tương lai; có bát hương, chuông nhỏ treo trên giá, hai cây đèn bằng gỗ, hai ống cắm hương.
Người dân mong mỏi di tích chùa Linh Quang được tu bổ.
Cùng tiếng lòng với ông Tạ Minh Tâm, bà Nguyễn Thị Thủy (người dân thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) có mặt từ sớm tại UBND xã, chăm chú lắng nghe những chia sẻ, ý kiến của các nhà nghiên cứu tại tọa đàm. Bà tâm huyết chia sẻ: "Thay mặt cho 312 hội viên người cao tuổi, cùng hơn 500 hộ gia đình thôn Văn… kính mong các cấp ban ngành sớm xem xét, tu bổ, tôn tạo ngôi chùa, giúp địa phương có nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng…”.
Các đại biểu tại tọa đàm
Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, ông Nguyễn Duy Nhật, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Liệt cho biết, sau nhiều buổi họp, hội nghị được diễn ra từ tháng 4/2024 đến tháng 11/2024, cộng đồng nhân dân thôn Văn có nguyện vọng phục dựng, tôn tạo lại ngôi chùa để nhân dân và các phật tử có không gian sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng…
“Tháng 7/2024, Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội, các phòng ban chức năng huyện Thanh Trì, cùng đại diện UBND xã, thôn đã tiến hành tham gia kiểm tra hiện trạng tại chùa Linh Quang và lập biên bản kiểm tra hiện trạng di tích. Đến ngày 19/7/2024 Phòng văn hóa và thông tin có báo cáo xin khôi phục chùa Linh Quang...”, ông Nguyễn Duy Nhật cho hay.
Hiện nay, ô đất của chùa là một vườn cây, trong đó hiện còn sót lại phần hậu cung đại bái. Nhân dân đều đặn chăm sóc, lễ bái vào các ngày tuần rằm, mùng một và các ngày lễ lớn trong năm. Khu vực Gò Chùa hiện là nơi sinh hoạt tâm linh không thường xuyên, do di tích bị xuống cấp và chưa được bảo tồn đúng cách. Hiện chỉ còn am thờ có diện tích khoảng 20 m2, bên trong còn tượng Phật. Nhiều yếu tố cảnh quan tự nhiên (cây nhãn cổ, giếng mắt ngọc) cần được bảo tồn do khu đất đã bị ảnh hưởng bởi rác thải và đô thị hóa.
Từ năm 2014 và gần đây nhất vào ngày 22/04/2024, đại diện chính quyền các tổ chức đoàn thể tại thôn Văn đã gửi Đơn xin phục dựng, tu bổ, tôn tạo lại chùa cổ Linh Quang để toàn thể nhân dân và phật tử thập phương có nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng, góp phần hòa chung sự phát triển của đất nước.
Thượng tọa Thích Minh Trí, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
PGS.TS Trần Lâm Biền nêu ý kiến tại tòa đàm.
Tại tọa đàm, PGS.TS Trần Lâm Biền, TS Bùi Thế Quân, TS Nguyễn Đạt Thức, Thượng tọa Thích Minh Trí, (Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam)... cùng đại diện các sở, ban, ngành của Hà Nội bày tỏ ủng hộ nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhấn mạnh người dân nơi đây và chính quyền địa phương cần làm rõ hơn về giá trị của di tích chùa Linh Quang, các căn cứ khoa học và tìm mối tương quan với các ngôi chùa cùng địa bàn xã Thanh Liệt…
Đặc biệt, PGS.TS Trần Lâm Biền cho rằng chùa được tu bổ, tôn tạo phải mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân địa phương. Bên cạnh đó cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ ngành di sản văn hóa, khảo cổ học và cần sự đồng lòng, chung tay của lãnh đạo chính quyền các cấp, các sở, ngành của TP Hà Nội và cộng đồng dân cư tại xã Thanh Liệt…
Ban chủ trì tọa đàm.
Ghi nhận những đóng góp, ý kiến của người dân cũng như các đại biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì khẳng định, chính quyền địa phương hoàn toàn ủng hộ nguyện vọng của nhân dân thôn Văn. Tuy nhiên, trong hồ sơ tu bổ, tôn tạo di tích cần phải chứng minh ngôi chùa từng tồn tại, có giá trị lịch sử, văn hóa...
Hiện nay, chùa Linh Quang còn một số dấu tích về vật chất và còn nhiều câu chuyện tương truyền trong dân gian, nhưng để tu bổ, tôn tạo di tích, nhân dân và chính quyền địa phương cần tiếp tục củng cố hồ sơ, có thêm nhiều luận cứ khoa học khẳng định giá trị lịch sử văn hóa của di tích.
Lê Phú- Hồng Phượng/Báo Tin tức