Thôn Vực Tròn có 93 hộ dân, thì có 85 hộ là người Dao quần chẹt. Đến đây, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cụ già ngồi đan lồng gà, những phụ nữ áo chàm thoăn thoắt bên khung cửi và lũ trẻ ríu rít tới lớp học chữ Nôm Dao.
Nhắc đến việc bảo tồn văn hóa nơi đây, không thể không nhắc đến nghệ nhân Triệu Quý Tín - “cây đại thụ” trong việc gìn giữ tiếng nói, chữ viết và phong tục, tập quán của dân tộc Dao quần chẹt.
Trong ngôi nhà sàn đơn sơ nhưng ngăn nắp, nghệ nhân Triệu Quý Tín cẩn thận giở từng trang sách cổ. Những nét chữ Nôm Dao uốn lượn, mềm mại hiện ra như những con suối chảy ngầm trong lòng núi, lặng lẽ nhưng đầy sức sống.
Với ánh mắt sáng ngời sau cặp kính trắng, ông kể về hành trình gìn giữ vốn quý dân tộc mình: “Năm 2000, tôi có cơ duyên gặp cụ Lý Tiến Thọ ở thôn Khe Lụa. Cụ là kho tàng sống của tiếng nói, chữ viết Dao quần chẹt. Được cụ truyền dạy, tôi say mê lắm. Sau này, tôi còn theo học lớp bồi dưỡng tiếng Dao tại Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) để có kiến thức chuẩn hơn”.
Ngừng lời, ông Tín vuốt nhẹ bàn tay gầy guộc trên trang sách, đôi mắt ông xa xăm mà ấm áp. Nhờ đam mê ấy, ông đã trở thành “ngọn đuốc” thắp sáng tri thức và tình yêu văn hóa dân tộc cho lớp trẻ.
Ông mở lớp dạy chữ Nôm Dao ngay tại nhà, cặm cụi truyền dạy từng con chữ, cách phát âm, đọc sách, thậm chí là cách thực hiện các nghi lễ truyền thống.
Anh Triệu Đức Hà - học trò của ông Tín chia sẻ: “Để học được chữ Nôm Dao và các nghi lễ cổ truyền không hề dễ. Dù tôi nói tiếng Dao thành thạo nhưng học chữ và hiểu các bài cúng cần sự kiên trì, đam mê thực sự. Nhưng nhờ thầy Tín, tôi đã cảm nhận được cái đẹp, cái sâu sắc trong văn hóa dân tộc mình”.
Không chỉ dạy chữ, nghệ nhân Triệu Quý Tín còn sao lưu, phiên soạn các sách cổ, trong đó có bộ tài liệu dạy chữ Nôm Dao Việt Nam gồm 9 quyển, được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, lưu hành rộng rãi. Những trang sách ấy không chỉ ghi lại tri thức mà còn ẩn chứa bao tâm huyết, nỗi niềm của ông về sự trường tồn của văn hóa Dao.
Không chỉ có nghệ nhân Triệu Quý Tín, ở thôn Khe Lụa, xã Lương Thịnh còn có một “ngọn lửa” khác đang cháy rực, đó là nghệ nhân Triệu Tài Thắng - học trò xuất sắc của ông Triệu Quý Tín. Trong gian nhà gỗ thơm mùi nhang trầm, ông Thắng lật giở từng bản ghi chép cũ, những bài thơ cổ, bài cúng được viết bằng chữ Nôm Dao.
Giọng ông chậm rãi: “Văn hóa dân tộc không chỉ ở lời ăn, tiếng nói hay nếp ăn, nếp mặc mà còn là hồn cốt trong các nghi lễ, phong tục. Tôi coi việc học và truyền dạy các nghi lễ ấy là trách nhiệm lớn lao”.
Với kiến thức tích lũy từ các bậc cao niên và sự say mê nghiên cứu, ông Thắng đã trở thành một “bậc thầy” trong các nghi lễ quan trọng như: lễ cấp sắc, lễ tạ mộ, lễ cúng gia tiên, tết nhảy… Ông được bà con tin tưởng nhờ cậy trong mọi việc trọng đại. Năm 2024, ông vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái (cũ) phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh.
Không chỉ giữ cho riêng mình, ông Thắng còn tích cực mở các lớp dạy chữ Nôm Dao, truyền dạy nghi lễ cho thanh niên trong xã. Những đêm trăng sáng, bên bếp lửa nhà sàn, người già, người trẻ cùng nhau học chữ, nghe ông kể chuyện xưa. Tiếng Dao vang vọng trong đêm như khúc nhạc của núi rừng, vừa bình dị, vừa thiêng liêng.
Từ những nỗ lực bền bỉ ấy, ở thôn Vực Tròn và thôn Khe Lụa, tiếng Dao không chỉ được dùng trong giao tiếp thường ngày mà còn vang lên trong các buổi họp thôn, lễ hội. Các lớp học chữ Nôm Dao vẫn đều đặn mở hằng năm, mỗi lớp có hàng chục học viên từ già đến trẻ. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây ngày càng khởi sắc.
Đến nay, 100% hộ gia đình ở Vực Tròn đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm; thôn được công nhận “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu” vào năm 2023. Điều đặc biệt, trong các lễ hội, việc cưới, việc tang, người Dao Lương Thịnh đã loại bỏ dần các hủ tục. Thay vào đó là sự giản dị, trang trọng mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Những lễ nghi cổ truyền được phục dựng đúng với tinh thần tốt đẹp, nhân văn.
Có đến Lương Thịnh, mới thấm hết được câu nói: “Dân tộc còn, văn hóa còn; văn hóa còn, dân tộc mới trường tồn”. Giữa những đổi thay của thời cuộc, ngọn lửa giữ gìn bản sắc dân tộc nơi đây vẫn rực cháy.
Nghệ nhân Triệu Quý Tín, Triệu Tài Thắng và đồng bào Dao nơi đây vẫn đang ngày ngày góp nhặt, thắp sáng tinh hoa dân tộc mình, truyền lại cho thế hệ trẻ. Họ không chỉ gìn giữ tiếng nói, chữ viết, nghi lễ mà còn gìn giữ cả niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc.
Trần Ngọc Sơn