Người đi san sẻ yêu thương...

Người đi san sẻ yêu thương...
19 giờ trướcBài gốc
Những câu chuyện bà chia sẻ, dù rất ngắn gọn trong chương trình, đã gieo vào lòng tôi sự đồng cảm và khâm phục. Và đó cũng là cái duyên để tôi có được cuộc hẹn với bà, được chứng kiến hành trình nghĩa tình của bà gần 20 năm nay.
Từ hạnh phúc và nỗi đau...
Người phụ nữ ấn tượng ấy là bà Phạm Thị Hương (sinh năm 1958), Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) nữ cựu chiến binh phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú; Trưởng ban Bảo trợ Hội Chữ thập đỏ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh.
Dòng hồi ức đưa bà về với tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết và sôi nổi, không thể quên. Đó là những năm tháng người thiếu nữ Sài Gòn Phạm Thị Hương chứng kiến lớp lớp thanh niên hừng hực hưởng ứng phong trào cách mạng, xung phong lên đường làm nhiệm vụ, tất cả cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước...
Bà Phạm Thị Hương cùng đồng đội dự khánh thành cầu giao thông nông thôn tại xã An Quy, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Ngoảnh lại, bà đã gần 70 tuổi, vẫn dáng người lanh lẹ, hoạt bát, hào sảng, trong lúc nói chuyện cũng không quên nụ cười như hạnh phúc sinh ra từ giấc mơ. Vào tuổi trăng tròn, cô gái Hương nối tiếp truyền thống cách mạng của gia đình, tham gia rải truyền đơn, may cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (cờ Giải phóng). Bà Hương tâm sự rằng, đó là những đường kim mũi chỉ đan dệt nên lý tưởng của đời mình.
Đầu năm 1975, Thành đoàn Sài Gòn-Gia Định (nay là Thành đoàn TP Hồ Chí Minh) thực hiện theo chỉ thị của Thành ủy, tổ chức nhiều hoạt động để chuẩn bị tham gia nổi dậy ở nội thành. Theo đó, thành đoàn phải tổ chức lực lượng bám sát các khu xóm lao động để khi thời cơ đến, sẽ phát động phong trào ở 5 khu vực trọng yếu, gồm: Bàn Cờ-Vườn Chuối, Đa Kao-Cầu Bông, Cầu Kiệu-Phú Nhuận, Khánh Hội-Xóm Chiếu, và Phú Tân Sơn- Bà Quẹo...
Riêng Phạm Thị Hương được điều động đi học may, dưới sự chỉ huy của đồng chí Trương Mỹ Lệ, Quyền Bí thư Thành đoàn Sài Gòn-Gia Định. Nhóm phân công các thành viên đi mua vải, chuẩn bị máy may, kim chỉ... để may cờ. Nhiều tháng may cờ trong lòng nhà thờ Giáo xứ Nhân Hòa, được giáo xứ giúp đỡ, nhóm vừa may cờ, vừa thực hiện nhiệm vụ của cơ sở cách mạng, quan sát máy bay và hoạt động tuần tra của địch, mật báo cho tổ chức.
Bà nhớ lại, cảm giác lâng lâng khi Sài Gòn được giải phóng. Những ngày đầu đất nước thống nhất, Phạm Thị Hương hòa cùng đoàn thanh niên, học sinh, sinh viên xuống đường điều tiết giao thông, dọn dẹp vệ sinh, làm sạch đẹp đường phố... “Trong niềm vui sướng, hạnh phúc vô bờ, chúng tôi cũng đau nhói con tim khi hai người đồng chí trong nhóm hy sinh khi làm nhiệm vụ. Chúng tôi đã hẹn sau ngày đất nước thống nhất sẽ cùng nhau làm nhiều điều, nhưng hai đồng chí của tôi đã không thể chờ được thời khắc ấy”, bà Hương bùi ngùi xúc động.
... Đến hành trình san sẻ yêu thương
Sau ngày thống nhất đất nước, Phạm Thị Hương xây dựng gia đình. Vợ chồng bà lần lượt sinh được 5 người con. Bà mưu sinh bằng gánh chuối chiên, chẳng có đêm nào được ngủ trọn giấc vì sợ nghỉ bán một hôm thì mất mối. Được trời thương, gia đình bà cũng dần ổn định, có của ăn của để. Bà chạnh lòng nghĩ tới những người vợ mất chồng, những người mẹ mất con do chiến tranh, trong đó có bà mẹ của người đồng chí hy sinh năm xưa...
Đó là khởi nguồn cho ý tưởng, tâm nguyện phải làm được việc gì đó góp phần bù đắp nỗi đau tinh thần cho gia đình của những đồng đội đã ngã xuống. Năm 2008, bà Hương tổ chức nấu cơm chay. Ban đầu làm một mình, về sau, bà huy động cả gia đình, người thân tham gia sơ chế và đem ra cổng chùa gần đó bán. Điều khiến bà bất ngờ nhất là khi mở bán thì người dân xúm tới rất đông để mua. Bà Hương nhận ra, họ rất quan tâm tới những bữa cơm chay ngày rằm như thế này và việc làm này có thể gây quỹ được. “Quỹ cơm chay” mỗi tháng hai ngày thực sự bắt đầu. Bà Hương được mọi người xung quanh gửi gắm, làm cầu nối yêu thương tới những người có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình này được các hội viên của CLB nữ cựu chiến binh phường hưởng ứng. Hằng năm, số tiền thu được từ hoạt động này được bà cùng CLB dành dụm xây nhà, xây cầu giao thông, hỗ trợ gia đình cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn ở TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác...
Từ nhu cầu tự thân mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ đồng đội, bà được mọi người tin tưởng bầu làm cán bộ chủ chốt của CLB và Hội. Ở vai trò nào bà cũng quan tâm lắng nghe, tiếp thu những thông tin bổ ích, huy động sự quan tâm, đồng hành của mọi người.
Bà Phạm Thị Hương (ngoài cùng, bên phải) cùng Câu lạc bộ Nữ cựu chiến binh phường Tân Sơn Nhì bàn giao nhà cho hội viên.
Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), bà cùng CLB thường tổ chức tri ân các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn quận. Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3) thì hướng đến các nữ cựu chiến binh. Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7) thì quan tâm chăm lo các gia đình liệt sĩ trên địa bàn phường. Riêng bà Hương nhận nuôi một bé bị mất cha mẹ do đại dịch Covid-19. Vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, bà tự tay chuẩn bị hàng trăm phần quà tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn... Hành trình làm công tác thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa của bà Hương trong gần 20 năm qua đã mang đến cho các vùng quê nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn hàng chục cây cầu, căn nhà; hàng nghìn suất quà, suất cơm miễn phí... Bà đã quy tụ hàng vạn tấm lòng thơm thảo đến với đồng đội, bà con.
“Có một kỷ niệm rất cảm động là khi chúng tôi xây một căn nhà ở huyện Củ Chi, lúc khởi công thì chị chủ nhà đang nằm viện nên không biết. Chừng hơn một tháng, căn nhà hoàn thành cũng là lúc chị xuất viện, vừa bước qua cánh cổng, nhìn thấy ngôi nhà mới khang trang, chị xúc động, bất ngờ òa khóc. Chị mừng và nói trong nước mắt, có nằm mơ cũng không nghĩ mình lại được tặng ngôi nhà như vậy”, bà Hương kể.
Trong hành trình làm công tác từ thiện, bà Hương cùng CLB đã có những chuyến giám sát đến từng con hẻm, từng khu dân cư, vào tận nhà dân để lắng nghe nguyện vọng của bà con. Câu chuyện về một cụ già ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre năm 2013 là một dẫn chứng. Cụ muốn sang bên kia cầu thăm cháu mà bị ngã một lần nhớ đời vì hồi ấy miền Tây đa số là cầu tre, cầu khỉ lắt lẻo. Cụ ao ước có một cây cầu bê tông. Khi đoàn về khảo sát, cụ nói, nếu có xây cầu, dù nghèo cụ vẫn sẽ đóng góp trong khả năng của mình. Ngày khánh thành cầu mới, cụ ôm chầm lấy bà Hương, nước mắt rưng rưng vì hạnh phúc.
Bà Hương cho biết, khi xây cầu, bà và CLB hỗ trợ khoảng 80% kinh phí, còn lại do địa phương và người dân đóng góp. Việc bỏ ra 100% chi phí công trình không khó, mà cái chính là bà nghĩ tới trách nhiệm của cộng đồng, để người nghèo không ai cảm thấy mặc cảm.
Bà Hương tâm sự rằng, việc tham gia các hoạt động thiện nguyện giúp bà thư thái đầu óc, thanh thản tâm hồn, quên đi tuổi tác, quên cả những cơn đau do bệnh tật, những hỉ nộ ái ố của cuộc đời cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi gián đoạn, do bà Hương có cuộc điện thoại trao đổi chuẩn bị cho "Phiên chợ xuân yêu thương" vào tháng 1-2025 sắp tới. Bà nói, “mỗi ngày chọn một niềm vui”, và những thông tin như thế là niềm vui mỗi ngày của bà...
Bài và ảnh: KIỀU OANH
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/nguoi-di-san-se-yeu-thuong-809158