Đây là nội dung được ông Phan Huy Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh Hà Giang nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến 3 cấp đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 trên địa bàn tỉnh, được tổ chức ngày 21/2.
Theo Cổng thông tin tỉnh Hà Giang, tại hội nghị, ngoài ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đạt được trong năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Phan Huy Ngọc nhấn mạnh: Năm 2025 là năm “Khai phá tiềm năng dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia”, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ, lộ trình, triển khai công tác chuyển đổi số nói chung và Đề án 06 nói riêng, tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đặc biệt để góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chủ động quyết tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao.
Khẩn trương ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện, trong đó phân công giao nhiệm vụ, chỉ tiêu, lộ trình, thời gian cụ thể cho các đơn vị cấp dưới. Theo dõi, duy trì thực tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06 đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh.
Tăng cường công tác theo dõi, giám sát, đánh giá và trách nhiệm giải trình của các đơn vị, địa phương, người đứng đầu để xảy ra chậm, muộn.
Kiện toàn Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 các cấp theo kế hoạch sắp xếp, tinh gọn, tổ chức bộ máy để đảm bảo các công tác chỉ đạo triển khai, phối hợp thực hiện được đồng bộ, xuyên suốt, đúng vai, đúng nhiệm vụ.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Phan Huy Ngọc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: hagiang.gov.vn
Theo ông Phan Huy Ngọc, cần phát huy nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ Đề án 06, chuyển đổi số. Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi giữa các ngành, các cấp trong thực hiện các nhiệm vụ.
Thường xuyên rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, các mô hình Đề án 06, nhất là các nhiệm vụ chưa hoàn thành và những chỉ tiêu, nhiệm vụ còn hạn chế, yếu kém, chậm tiến độ được nêu trong báo cáo tổng kết năm 2024 và các nhiệm vụ phát sinh để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục.
Cũng tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, UBND các huyện đã thẳng thắn thảo luận, tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục năm 2025, như: Số hóa, làm sạch dữ liệu đất đai; việc chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp ở một số sở, ngành, địa phương chưa đạt chỉ tiêu; việc tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ thủ tục hành chính còn khiêm tốn; chất lượng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế; vai trò trách nhiệm của người đứng đầu ở một số địa phương vẫn chưa được thể hiện rõ rệt...
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: hagiang.gov.vn
Ngay tại hội nghị, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh Hà Giang đã giao nhiệm vụ cụ thể cho nhóm các sở, ban, ngành thực hiện nhiệm vụ dịch vụ công; nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; nhiệm vụ phát triển công dân số; nhiệm vụ xây dựng hệ sinh thái, dữ liệu dùng chung và nhiệm vụ bảo đảm nguồn lực, an ninh, an toàn.
Trong đó nhấn mạnh cơ quan, đơn vị, địa phương chủ trì chỉ tiêu, nhiệm vụ nào thì chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện của chỉ tiêu, nhiệm vụ đó.
Cuộc cách mạng về thủ tục hành chính
Ngay từ đầu năm 2024, Tổ Công tác Đề án 06 tỉnh Hà Giang đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai Đề án, trong đó phân công nhiệm vụ và đề ra lộ trình thực hiện chi tiết đối với các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố.
Tổng số chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2024 là 83 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành hoặc đã thực hiện và đang duy trì là 71 nhiệm vụ, đạt 86%; đã triển khai và đang duy trì thực hiện 37/44 mô hình của Đề án 06, đạt 84%.
Một số tiêu chí của Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt tỷ lệ cao, vượt chỉ tiêu được giao như: Nhóm chỉ số tiến độ giải quyết hồ sơ đúng hạn và trước hạn đạt 97,7%; nhóm chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt 81,9%; nhóm chỉ số số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 83,3%...
Kết quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu toàn tỉnh đạt tỷ lệ 96,2%, tăng 19,2% so với năm 2023, vượt chỉ tiêu được giao; 100% các ngành, địa phương đều đạt và vượt chỉ tiêu – chỉ tiêu giao trên 70%.
Nhiều ứng dụng, mô hình của Đề án 06 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được triển khai thực hiện đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân như: Sử dụng thẻ CCCD thay thế BHYT trong khám chữa bệnh; thông báo lưu trú qua VNeID, ASM; thanh toán không dùng tiền mặt trên các lĩnh vực chi trả chính sách an sinh xã hội, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, thu nộp học phí, thanh toán viện phí, cấp phiếu lý lịch tư phát trên ứng dụng VNeID, tích hợp hồ sơ sức khỏe điện tử trên VNeID...
Tuy vậy, việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Hà Giang vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp, các ngành, sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.
Hải Phong