TPBVSK Sâm nhung bổ thận TW3 GOLD của Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung Ương 3 được quảng cáo trên website duoctw3.com
Khi niềm tin đặt nhầm sản phẩm
Sở Y tế TP Huế vừa có văn bản về việc rà soát các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) đã bị thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố của Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương thu hồi các sản phẩm vi phạm (nếu có); đảm bảo không để bất kỳ sản phẩm nào thuộc danh sách thu hồi còn tồn tại trong kho hay được bày bán trên thị trường.
Theo đó, Sở Y tế TP Huế yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập, kinh doanh Dược và các cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế trên địa bàn rà soát tất cả các sản phẩm TPBVSK liên quan đến các quyết định thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố của Cục ATTP, bao gồm 135 sản phẩm của 18 công ty, điển hình như các sản phẩm:
TPBVSK Sâm nhung bổ thận TW3 GOLD của Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung Ương 3; TPBVSK GOLISTIN SODA của Công ty Cổ phần dược phẩm CPC1 Hà Nội; TPBVSK HELIOCARE ULTRA-D của Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Sang…
Sở Y tế Yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện thu hồi các sản phẩm vi phạm (nếu có); đảm bảo không để bất kỳ sản phẩm nào thuộc danh sách thu hồi còn tồn tại trong kho hay được bày bán.
Đồng thời, thực hiện thông báo và khuyến cáo đến người tiêu dùng, tránh sử dụng các sản phẩm liên quan; kiểm tra tính hợp pháp, nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của từng sản phẩm đang lưu hành tại cơ sở và báo cáo kết quả về Sở Y tế trước ngày 15/5/2025.
Trước thông tin danh sách các sản phẩm TPBVSK bị thu hồi do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố, nhiều người tiêu dùng bất ngờ nhận ra mình từng mua hoặc đang sử dụng một số sản phẩm trong đó. Đơn cử trường hợp ông Phạm Đức Cường (quận Đống Đa, Hà Nội) không giấu được vẻ lo lắng khi nghe tin TPBVSK Sâm Nhung Bổ Thận TW3 Gold bị thu hồi.
Theo ông Cường, đây là sản phẩm mà ông đang tin tưởng sử dụng trong một thời gian dài với hy vọng cải thiện sức khỏe và hỗ trợ chức năng thận một cách an toàn.
“Việc một sản phẩm được quảng bá rộng rãi và bày bán hợp pháp lại bị thu hồi khiến tôi thấy nghi ngờ về tính minh bạch trong thị trường thực phẩm chức năng hiện nay, đặc biệt là sau vụ việc một đơn vị sản xuất thực phẩm chức năng giả bị cơ quan công an phát hiện và bắt giữ.
Tôi thấy bất an vì không biết liệu những gì mình đã đưa vào cơ thể trước đây có ảnh hưởng tiêu cực gì không. Sự việc này là một hồi chuông cảnh tỉnh cho thân và cho nhiều người khác khi quá tin tưởng vào quảng cáo hay nhãn mác. Hiện tại, tôi chỉ mong cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm và công khai rõ ràng thông tin, giúp người tiêu dùng có được sự an tâm cần thiết trong việc chăm sóc sức khỏe mỗi ngày”, ông Cường nói.
Không chỉ riêng ông Cường, anh Trần Văn H. (huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết, anh đã đặt niềm tin vào những lời quảng cáo trên mạng, dẫn đến việc mua phải sản phẩm bị thu hồi cho bố sử dụng
“Tôi chỉ mong muốn tìm một sản phẩm tốt để giúp hỗ trợ sức khỏe cho bố. Nhưng khi biết sản phẩm bị thu hồi, tôi thật sự hoang mang và lo lắng. Dù chưa thấy ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe của bố nhưng tôi vẫn không ngừng tự trách bản thân vì đã không kiểm tra kỹ trước khi mua.
Từ sự việc này, tôi đã rút ra bài học về tầm quan trọng của việc kiểm chứng rõ ràng khi lựa chọn các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, đặc biệt là cho người cao tuổi”, anh H. chia sẻ.
Chị Cao Việt Trinh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không khỏi sửng sốt khi biết sản phẩm Viên uống Heliocare Ultra-D chống nắng mà chị sử dụng 2 năm qua có tên giống với TPBVSK Heliocare Ultra-D vừa bị yêu cầu thu hồi theo thông báo của cơ chức năng.
Chị Trinh cho biết, sản phẩm nêu trên hầu hết được quảng cáo rất nhiều trên mạng với xuất xứ từ Tây Ban Nha. Tuy nhiên, khi chị thử tìm kiếm từ khóa TPBVSK Heliocare Ultra-D (sản phẩm bị yêu cầu thu hồi) trên internet thì đều ra kết quả sản phẩm chị đang sử dụng.
“Khi thấy nghi ngờ sản phẩm, tôi đã dừng ngay việc sử dụng và chờ có thông tin rõ ràng. Bên cạnh đó, trước thông tin nhiều thực phẩm bảo vệ sức khỏe bị thu hồi, tôi chỉ thắc mắc, vì sao những sản phẩm này trước khi đưa ra thị trường đã trải qua khâu kiểm định rất chặt chẽ. Vậy mà sau một thời gian lưu hành rộng rãi mới có thông báo thu hồi thì rất vô lý. Đối với sản phẩm TPBVSK Heliocare Ultra-D tôi rất muốn cơ quan chức năng công bố hình ảnh cụ thể để người tiêu dùng được yên tâm”, chị Trinh cho biết.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe GOLISTIN SODA của Công ty Cổ phần dược phẩm CPC1 Hà Nội
Có thể truy cứu hình sự
Các vụ việc hàng giả liên quan tới sức khỏe con người được phát hiện trong thời gian qua rất nghiêm trọng, đáng nói các sản phẩm bị làm giả liên quan trực tiếp đến trẻ nhỏ, người bệnh, người cao tuổi... là những đối tượng cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt.
Hành động này đang vi phạm đạo đức kinh doanh của các tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận mà bất chấp quy định của pháp luật và coi thường sức khỏe của nhân dân, bắt tay nhau thiết lập thành một đường dây để trục lợi.
Theo luật sư Trần Hậu – Đoàn luật sư TP Đà Nẵng, đây là hành vi rất đáng lên án và cần xử lý nghiêm để làm bài học cho các cá nhân, tổ chức tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm nói chung, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói riêng.
Việc thực phẩm bảo vệ sức khỏe kém chất lượng được lưu hành trên thị trường và đến tay người tiêu dùng không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng mà còn đặt ra nhiều vấn đề pháp lý.
Trong trường hợp sản phẩm không đạt tiêu chuẩn hoặc gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính, bị buộc thu hồi, tiêu hủy sản phẩm và thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hậu quả nghiêm trọng.
“Việc truy cứu trách nhiệm hình sự không chỉ nhằm răn đe mà còn thể hiện thái độ kiên quyết của pháp luật trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và quyền lợi người tiêu dùng. Đây cũng lời cảnh tỉnh nghiêm khắc cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm chức năng về việc không được đánh đổi đạo đức và pháp luật lấy lợi nhuận thương mại”, luật sư Trần Hậu nhấn mạnh.
Vụ việc sản xuất TPBVSK, sử dụng phiếu kết quả thử nghiệm giả mạo để đưa sản phẩm ra thị trường, do Công ty TNHH công nghệ Herbitech sản xuất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở đối với 4 bị can, gồm: Phạm Vũ Khiêm - Giám đốc Công ty TNHH công nghệ Herbitech, Vương Thị Hoa, Lê Thị Hồng Vân và Bùi Thị Thu Hà (là Kế toán trưởng hoặc Phụ trách bộ phận Kế toán Công ty Herbitech các giai đoạn từ 2021 đến nay) cùng về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bảo Hân