Người Hà Nội lan tỏa thông điệp tích cực khi thả cá chép tiễn Táo quân về trời

Người Hà Nội lan tỏa thông điệp tích cực khi thả cá chép tiễn Táo quân về trời
7 giờ trướcBài gốc
Những ngày cận Tết ông Công, ông Táo, những vùng nuôi cá cảnh nổi tiếng tại tỉnh Nam Định trở nên nhộn nhịp bởi lượng xe cộ tấp nập ra, vào vận chuyển cá đi tiêu thụ. Theo ghi nhận, năm nay thị trường cá chép đỏ tiêu thụ khá nhanh. Tính đến chiều ngày 20/1 (ngày 21 tháng Chạp Âm lịch), hầu hết các hộ gia đình đều bán hết cá, thương lái nếu không đặt trước sẽ không còn hàng.
Giá cá chép đỏ năm nay cũng tăng cao hơn so với mọi năm, nếu như các năm trước giá bán chỉ dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg thì năm nay đã lên tới 120.000 đồng/kg, thậm chí càng về những ngày cận Tết ông Công, ông Táo giá lại càng nhích lên. Theo các tiểu thương tại chợ đầu mối Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội), sát ngày người dân cúng ông Công, ông Táo theo truyền thống, cảnh mua bán cá chép đỏ diễn ra nhộn nhịp suốt đêm.
Khi mua cá về, các gia đình phải thả cá vào một bát nước sạch, có thể thả thêm cọng rêu xanh để cá có môi trường sống. Sau đó, bát cá cũng được đặt cạnh mâm lễ trên bàn thờ cúng ông Công ông Táo. Đặc biệt, chọn và thả cá chép đúng cách trong lễ cúng ông Công ông Táo không chỉ thể hiện lòng thành kính mà còn là hành động nhân văn, bảo vệ sự sống và môi trường.
Đối với người dân Việt Nam việc thả cá cúng ông Táo vào ngày ông Công ông Táo về trời là phong tục không thể bỏ qua.
Trong văn hóa Á Đông, cá chép còn được coi là biểu tượng của sự may mắn và thịnh vượng. Việc thả cá chép trong ngày ông Công ông Táo không chỉ nhằm mục đích tiễn các Táo về trời, mà còn để cầu mong cho gia đình một năm mới may mắn, sung túc.
Người dân nên chọn nơi có môi trường nước sạch như sông, hồ tự nhiên; tránh thả cá ở những nơi nguồn nước ô nhiễm, ít ôxy, làm ảnh hưởng đến sự sống của cá.
Do ngày 23 tháng Chạp năm nay rơi vào giữa tuần, nên nhiều gia đình Hà Nội đã lựa chọn thực hiện các nghi lễ cúng ông Công ông Táo từ cuối tuần, rồi mang cá chép thả tại khu vực cầu Long Biên, hồ Tây, hồ Linh Đàm, ven sông Hồng…
Kể từ cuối tuần vừa qua, trên cầu Long Biên, một nhóm tình nguyện viên đã túc trực để hỗ trợ, nhắc nhở mọi người cách thả cá chép an toàn, không gây ảnh hưởng môi trường và an toàn giao thông.
Những người dân đi xe máy mang cá chép đến cầu Long Biên được đội tình nguyện viên đón lấy cá chép, rồi đổ vào trong một xô nhựa có dây dài để thả xuống sông Hồng.
Như vậy, người dân đi thả cá chép không phải dừng xe lâu trên cầu để tự thả cá, gây mất an toàn giao thông. Cá cũng không được trút từ thành cầu xuống nước sông với độ cao khiến cá khó sống sót.
Ngoài ra, các đội tình nguyện viên khi hỗ trợ thả cá cũng thu gom túi nilon cất đi gọn gàng, không để người dân xả cả túi xuống dòng sông. Được biết, trong dịp Tết ông Công ông Táo, gần 100 tình nguyện viên trẻ tuổi đã tham gia hỗ trợ tại các điểm thả cá chép tại Hà Nội để hướng dẫn người dân thả cá đúng nơi quy định, với khẩu hiệu: "Thả cá, đừng thả túi nilon".
Để phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc ý nghĩa hơn, ý thức tự giác và ứng xử văn hóa của người dân rất quan trọng. Việc thả cá là nét đẹp văn hóa của người Việt vì ngoài ý nghĩa tiễn ông Công, ông Táo về trời, còn mang nghĩa phóng sinh. Nhưng việc thả cá, để bảo đảm vệ sinh môi trường, không gây mất mỹ quan, cần ý thức của người thả.
Phương Thảo
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/phong-su-anh-nguoi-ha-noi-lan-toa-thong-diep-tich-cuc-khi-tha-ca-chep-tien-tao-quan-ve-troi.htm