Người lao động tìm kiếm việc làm tại Phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội. Ảnh: L.H.
Những đối tượng nào phải tham gia?
Khoản 1 Điều 31 Luật Việc làm 2025 quy định người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên. Người lao động quy định tại điểm này làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Điều 34 Luật Việc làm 2025 quy định về căn cứ tiền lương dùng đóng bảo hiểm thất nghiệp như sau: Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu lương.
Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Trường hợp người lao động ngừng việc vẫn hưởng tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất thì đóng theo tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc.
Đảm bảo quyền lợi cho lao động tự do
Theo các chuyên gia, quy định trên được đánh giá là phù hợp với xu thế phát triển của thị trường lao động hiện đại, nơi các hình thức việc làm linh hoạt ngày càng phổ biến, đặc biệt trong các ngành dịch vụ, bán lẻ, giáo dục, công nghệ… Theo đó, người lao động làm việc không toàn thời gian nhưng vẫn có đóng góp đều đặn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh sẽ được bảo đảm quyền lợi về an sinh xã hội, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp.
Ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) cho biết, việc mở rộng đối tượng tham gia nhằm tạo sự công bằng trong tiếp cận chính sách bảo hiểm, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, hỗ trợ người lao động khi rơi vào tình trạng mất việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp.
Đồng quan điểm, bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng cho rằng, việc mở rộng đối tượng không chỉ góp phần đảm bảo tính chính sách an sinh cho hầu hết đối tượng mà còn góp phần thể hiện tính ưu việt của chính sách.
Ngoài ra, Luật Việc làm sửa đổi cũng bổ sung nhiều quy định mới như tăng cường dịch vụ tư vấn - giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề theo nhu cầu, kết nối cung - cầu lao động hiệu quả hơn. Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong hệ thống an sinh xã hội bền vững, bao trùm và nhân văn.
Còn theo đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc mở rộng đối tượng tham gia nhằm tạo sự công bằng trong tiếp cận chính sách bảo hiểm, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, hỗ trợ người lao động khi rơi vào tình trạng mất việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp.
Luật Việc làm sửa đổi cũng bổ sung nhiều quy định mới như tăng cường dịch vụ tư vấn - giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề theo nhu cầu, kết nối cung - cầu lao động hiệu quả hơn. Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong hệ thống an sinh xã hội bền vững, bao trùm và nhân văn.
Khanh Lê