Người lao động bị sa thải trái quy định thì làm sao để hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Người lao động bị sa thải trái quy định thì làm sao để hưởng trợ cấp thất nghiệp?
2 giờ trướcBài gốc
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được kết cấu gồm 9 chương và 130 điều. Phạm vi điều chỉnh, gồm: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; đăng ký và quản lý lao động; hệ thống thông tin thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề; dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp; quản lý Nhà nước về việc làm.
Quang cảnh Hội nghị
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, so với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần này có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn như: Sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; bổ sung quy định về đăng ký và quản lý lao động; Sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động; bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề; sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; bổ sung quy định về tư vấn viên dịch vụ việc làm; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp…
Tại Hội nghị, các đại biểu tham gia đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), trong đó tập trung vào các nội dung, như….cần thiết phải điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75%. Các ý kiến đóng góp cũng đã hướng đến bảo vệ quyền lời người lao động. Đó là lao động thất nghiệp sẽ được hưởng 5 chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có 3 chế độ hiện hành, bổ sung 2 chế độ mới. Theo đó, các chế độ bảo hiểm thất nghiệp gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Người lao động được hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề và được đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Chủ sử dụng lao động khi tuyển dụng người lao động là người khuyết tật cũng được hỗ trợ
Ông Tô Minh Lắm, Trưởng ban chính sách pháp luật và quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang
Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo khoản a, Điều 83. Theo đó, người lao động phải đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng quy định này lại mâu thuẫn với khoản 6, điều 3, câu chữ lại không bắt buộc mức đóng.
Ông Tô Minh Lắm, Trưởng ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang đề nghị :“Liên quan đến việc đóng tối đa 1% này thì nó mâu thuẫn với điều 3 trong dự thảo này. Tại khoản 6 điều 3, bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Nhưng mức lại không bắt buộc”
Ông Nguyễn Văn Nho, Ban chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh
Có ý kiến đề nghị phải bảo vệ quyền lợi của người lao động khi bị sa thải trái quy định. Ông Nguyễn Văn Nho, Ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh kiến nghị:“Người lao động bị sa thải và người lao động cho rằng việc sa thải đó trái quy định pháp luật người ta có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa án theo quy định của pháp luật. Trong thời gian xét xử hoặc giải quyết mất nhiều thời gian, có khi là 2, 3 hoặc 4 năm. Giai đoạn này yêu cầu trong Luật sửa đổi lần này Luật Bảo hiểm thất nghiệp nên đưa vào trừ trường hợp khi có bản án tòa án cho rằng việc sa thải trái pháp luật thì người lao động căn cứ vào bản án đó có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước xem xét chấp nhận hồ sơ để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp”.
Thành Long/VOV- Miền Trung
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-lao-dong-bi-sa-thai-trai-quy-dinh-thi-lam-sao-de-huong-tro-cap-that-nghiep-post1122870.vov