Người lao động thu nhập thấp chỉ mong 'một mái nhà nhỏ để an cư' nhưng... ngoài tầm với

Người lao động thu nhập thấp chỉ mong 'một mái nhà nhỏ để an cư' nhưng... ngoài tầm với
6 giờ trướcBài gốc
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) đã thay mặt những người lao động truyền tải những lời gửi gắm của họ tới Hội trường Diên Hồng. Theo bà, hàng triệu người lao động thu nhập thấp là những người đang ngày đêm làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và đô thị lớn của cả nước. Họ với suy nghĩ rất đơn giản là sống, làm việc, có gia đình và có một mái nhà nhỏ để an cư, yên tâm làm việc, nuôi dạy con cái và phụng dưỡng cha mẹ.
ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân.
"Dù chỉ đơn giản như thế, nhưng đó lại là cả một giấc mơ, bởi một thực tế rất phũ phàng là tiền lương không tăng nhưng giá nhà, giá tiêu dùng cứ tăng liên tục", bà Trân nêu. Theo đại biểu, với mức thu nhập trên, dưới 10 triệu đồng mỗi tháng trong khi phải lo toan, vật lộn với đủ mọi khó khăn từ tiền ăn, tiền học, tiền thuê nhà và các chi phí sinh hoạt... thì việc người lao động được tiếp cận một căn nhà hay nhà ở xã hội là điều... ngoài tầm với.
Giá nhà dù đã gọi là nhà ở xã hội thì vẫn vượt quá xa khả năng của người lao động, cùng với tiêu chí, thủ tục, quy trình, quy định được xét duyệt được đưa ra không phải dành cho người có mức thu nhập thấp. Nhiều người muốn đăng ký nhưng rồi đã từ bỏ vì không đủ điều kiện hoặc không dám tin đợi khi cuộc sống vốn đã quá chật vật.
"Nghị quyết lần này nếu được thực hiện một cách thực chất, khả thi chính là điều mà những người lao động thu nhập thấp đang mong chờ. Bởi lẽ họ không cần một căn hộ cao cấp với đầy đủ tiện nghi mà chỉ mong có một nơi ở tươm tất, nghỉ ngơi, vui đùa cùng con cái sau một ngày làm việc cực nhọc, để họ có thể thuê, thuê mua, sở hữu trong khả năng của mình", nữ ĐBQH tỉnh Bình Dương đồng cảm.
ĐBQH Trịnh Xuân An.
Theo ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), dù đã có nhiều chính sách phát triển nhà ở xã hội song nhu cầu ngày càng tăng, trong khi nguồn cung còn hạn chế nên chưa thể đáp ứng. Mặt khác, dù có nhiều nỗ lực nhưng giá nhà ở xã hội hiện nay còn cao so với thu nhập của người lao động. "25 triệu/m2 với người thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng, để mua được nhà ở xã hội là rất khó. Hay giá thuê nhà nếu ở mức 6 triệu đồng/tháng vẫn là cao so với đối tượng cần nhà ở xã hội, bởi họ chủ yếu là người trẻ, lương thấp, công việc bấp bênh, chưa ổn định", ông phân tích.
Để đẩy nhanh tiến độ phát triển các dự án nhà ở xã hội, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị nên có hồ sơ mẫu trong cấp phép, đăng ký nhà ở xã hội, đề xuất cập nhật cơ sở dữ liệu về những người đủ điều kiện đăng ký mua nhà ở xã hội để thực hiện hiệu quả.
Góp ý về thủ tục, ông cho rằng nên bổ sung cơ chế "một cửa, một đầu mối" để tránh việc nhà đầu tư phải "đi hết sở này đến sở khác" làm thủ tục. Sẽ áp dụng tại Sở Xây dựng các nội dung liên quan đến đầu tư nhà ở xã hội, kể cả liên quan thẩm định phòng cháy chữa cháy, điều chỉnh quy hoạch... để nhà đầu tư yên tâm. Thời gian thẩm định hồ sơ có thể quy định rõ trong nghị quyết là 90 ngày.
ĐBQH Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) đánh giá cao việc cắt giảm nhiều thủ tục hành chính trong dự thảo nghị quyết và cho rằng, việc này không ảnh hưởng đến quản lý nhà nước mà sẽ góp phần giảm chi phí cho chủ đầu tư. Nhà ở xã hội có 2 loại là cho thuê và ở lâu dài, song theo đại biểu, xu thế của xã hội phát triển là cho thuê phổ biến hơn. "Ví dụ, họ có nhà chỗ khác nhưng muốn thuê nhà ở xã hội gần nơi làm việc để giảm thời gian đi làm và chi phí lao động", ông dẫn chứng.
Quỳnh Vinh
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nguoi-lao-dong-thu-nhap-thap-chi-mong-mot-mai-nha-nho-de-an-cu-nhung-ngoai-tam-voi-i769378/