Người lắp điện mặt trời mái nhà sắp được bán điện dư thừa lên lưới

Người lắp điện mặt trời mái nhà sắp được bán điện dư thừa lên lưới
6 giờ trướcBài gốc
Sắp ban hành nghị định khuyến khích điện mặt trời mái nhà
Ngày 23/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định về khuyến khích điện mặt trời mái nhà, trình Chính phủ ban hành trong tuần tới. Thủ tướng yêu cầu nghị định cần khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về điện mặt trời. Tổ chức, cá nhân đầu tư hệ thống này không dùng hết sẽ được bán lên lưới không quá 20% công suất lắp đặt với mức giá bằng giá trung bình năm trước.
Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà để tạo thị trường năng lượng sạch bền vững.
Theo dự thảo mới nhất của Bộ Công Thương, tổ chức, cá nhân lắp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không nối với hệ thống điện quốc gia sẽ không bị giới hạn công suất. Các dự án này cũng được miễn giấy phép hoạt động điện lực. Tương tự, hệ thống dưới 1 MW nối lưới được miễn giấy phép, nhưng chỉ được phát triển tối đa tổng công suất 2.600 MW tại Quy hoạch điện VIII.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết miền Bắc hiện có khoảng 700 MW điện mặt trời mái nhà, nhưng năng lực hệ thống thực tế có thể tiếp nhận khoảng 7.000 MW. Mức này gấp gần 3 lần so với giới hạn phát triển 2.600 MW cho cả nước.
Về phương án mua bán điện dư, Bộ Công Thương đề xuất hộ gia đình có thể bán 20% công suất lắp đặt. Giá mua của EVN sẽ thấp hơn hoặc bằng giá điện thị trường bình quân của năm trước liền kề, do các bên mua bán thỏa thuận. Năm ngoái, giá điện trên thị trường bình quân là 1.091,9 đồng một kWh. Với quy định này sau khoảng 5-6 năm hộ gia đình có thể thu hồi vốn đầu tư. Như vậy, thời gian hoàn vốn bằng một nửa so với thời hạn sử dụng của một tấm pin mặt trời hiện nay (12-15 năm).
Dự thảo cũng bổ sung quy định về nghiệm thu hệ thống đo đếm và thu thập dữ liệu đo đếm từ xa, hệ thống giám sát, điều khiển tại chỗ và kết nối thông tin với hệ thống thu thập, giám sát, điều khiển của cấp điều độ phân phối của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Theo đó, mức công suất lắp đặt nhỏ hơn 100 kWh sẽ kết nối vào hệ thống của đơn vị điện. Mức công suất lắp đặt trên 100 kWh (bán hoặc không bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia) đều phải kết nối vào cấp điều độ phân phối điện.
Khuyến khích người dân lắp điện mặt trời
Cho rằng quy định này đã tháo gỡ nút thắt bấy lâu nay về phát triển điện mặt trời, chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình ủng hộ quy định này song còn băn khoăn về việc hạn chế công suất bằng thiết bị như thế nào, hạn chế công suất vào khung thời gian nào... cần phải được làm rõ.
TS Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật và Môi trường (Bộ Công Thương), nhận định việc xem xét nới "room" quy hoạch điện mặt trời tự sản, tự tiêu sẽ tháo gỡ "nút thắt" lâu nay về phát triển loại hình điện năng này. Bộ Công Thương đã từng đề nghị không khuyến khích mua - bán điện nguồn điện này, hoặc chỉ được mua với giá 0 đồng là do lo ngại nếu khuyến khích, công suất nguồn điện sẽ vượt con số 2.600 MW tại Quy hoạch điện VIII.
Về lâu dài, TS Lâm khuyến nghị EVN tính toán phụ tải, nếu bảo đảm an toàn hệ thống có thể nâng công suất mua điện dư của nguồn điện này lên con số cao hơn 20%. Ông Lâm cũng khuyến nghị cần có chính sách ưu đãi với trường hợp đầu tư điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có lắp đặt hệ thống lưu trữ điện năng có tính chất như nguồn điện nền.
"Nếu nhà đầu tư có lắp đặt hệ thống lưu trữ thì EVN cần mua điện với giá cao hơn mức bình quân, ví dụ dao động từ 1.000 - 1.200 đồng/KWh. Bởi lẽ, nếu không có nguồn điện này, EVN vẫn phải nhập khẩu hoặc mua điện từ những nguồn đắt đỏ với giá rất cao" - ông Lâm phân tích.
Toàn bộ miền Bắc hiện có khoảng 700 MW điện mặt trời mái nhà, trong khi năng lực hệ thống có thể tiếp nhận khoảng 7.000 MW. Mức này cao gần gấp 3 lần so với giới hạn phát triển 2.600 MW cho cả nước.
GS.TSKH Trần Đình Long, Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng không có lý do gì để không khuyến khích nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Với nguồn điện này, Nhà nước sẽ không tốn thêm chi phí xây hệ thống lưới điện. Nếu nhà nào cũng lắp điện mái nhà sẽ góp phần giảm áp lực lên ngành điện trong việc cung ứng vào những thời điểm khó khăn, căng thẳng.
PGS,TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ thêm, hiện nay, Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, các FTA thế hệ mới đặt ra những cam kết sâu rộng và toàn diện về bảo vệ môi trường và phát thải nhà kính thấp. Vì vậy, điện mặt trời mái nhà đang là nguồn năng lượng xanh hữu ích nhất giúp DN giải quyết được bài toán tiết kiệm năng lượng và đạt được "chứng chỉ xanh" - như một "giấy thông hành" để có thể xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước trên thế giới.
Các chuyên gia kỳ vọng, với những thay đổi trong nghị định về điện mặt trời sắp được ban hành, thị trường điện năng lượng tái tạo ở Việt Nam sẽ có những chuyển biến tích cực.
Tính đến ngày 31/12/2023, các công ty điện lực đang thực hiện hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà với các tổ chức, cá nhân tại 103.509 hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất lắp đặt khoảng 9.595.853 kWp được lắp đặt. Tổng sản lượng điện phát lên hệ thống điện quốc gia trong năm 2023 chiếm 3,97% tổng sản lượng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống.
Tô Hội
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/nguoi-lap-dien-mat-troi-mai-nha-sap-duoc-ban-dien-du-thua-len-luoi-169240925160409234.htm