Ông Phạm Đức Hạnh lần giở những trang sử hào hùng về Tiểu đoàn 810.
Một buổi sáng cuối tuần những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp ngồi trò chuyện cùng người lính già tại căn nhà ấm cúng của ông ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng. Bên chén trà nóng, ông chậm rãi hồi tưởng về những năm tháng tuổi trẻ đầy gian khổ nhưng vô cùng hào hùng và đáng tự hào của bản thân và đồng đội. Dù đã ở tuổi 83, những ký ức về một thời khói lửa vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông.
Ông kể, năm 1963, chàng trai trẻ Phạm Đức Hạnh quê Hải Dương tình nguyện nhập ngũ. Sau những ngày hành quân gian khổ đến cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), rồi Đô Lương (Nghệ An), ông được huấn luyện bộ binh và sau đó được phân về Đại đội Công binh cầu phà, cầu đường thuộc Quân khu 4. Bước ngoặt đến vào năm 1964, khi ông được cử đi học tại Trường Lục quân khóa 16 ở Sơn Tây. “Theo kế hoạch, học hai năm mới tốt nghiệp, nhưng do chiến tranh ác liệt, khóa học được rút ngắn lại để học viên ra trường sớm hơn” - ông nhớ lại. Ra trường, ông viết đơn tình nguyện về Quân khu 3, gần quê hương. Tuy nhiên, sau chín tháng huấn luyện ở Hòa Bình, tháng 12/1966, đơn vị ông nhận lệnh hành quân vào Nam, vượt qua Lào, Campuchia rồi trở về Ninh Thuận. Tại đây, ông được bổ sung vào một đại đội và tham gia chiến đấu cho đến cuối năm 1967 thì nhận lệnh hành quân về Lâm Đồng, tiến vào tiếp quản Đà Lạt trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968.
Sau nhiều trận đánh ác liệt, ông cùng đồng đội được sáp nhập vào Đại đội 840 của quân khu, đến tháng 9/1969, ông được điều về công tác tại C2 của Tiểu đoàn 810.
Đồng chí Trần Hồng Thái - Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo huyện Đức Trọng thăm, tặng quà ông Phạm Đức Hạnh.
Nhắc đến Tiểu đoàn 810, ánh mắt ông Hạnh ánh lên niềm tự hào sâu sắc. Ông giải thích: “Đây là Tiểu đoàn bộ đội địa phương, đơn vị chủ công nòng cốt trong cuộc chiến tranh Nhân dân của tỉnh Lâm Đồng. Tiểu đoàn được hình thành trong phong trào đấu tranh cách mạng, được Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hết lòng đùm bọc, nuôi dưỡng”. Từ hai trung đội ban đầu, Tiểu đoàn 810 đã không ngừng lớn mạnh, vừa tích cực công tác dân vận, tăng gia sản xuất, vừa cùng các lực lượng và Nhân dân vùng căn cứ chống càn, diệt ác phá kềm, đẩy mạnh chiến tranh du kích. Từ trận chống càn “An Lạc” đến chiến thắng Đầm Ròn, Tiểu đoàn 810 đã mở đầu cho một thời kỳ chiến đấu kiên cường và giành nhiều chiến công vang dội.
Ông Hạnh dẫn chứng những con số ấn tượng: “Theo lịch sử ghi lại, trong giai đoạn 1962 - 1975, từ một đại đội phát triển thành tiểu đoàn, Tiểu đoàn 810 đã đánh hơn 600 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu gần 8.000 tên địch, phá hủy hàng chục máy bay, xe quân sự, pháo và thu giữ nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh quan trọng của địch. Đơn vị cũng đã đột nhập hàng trăm ấp chiến lược, vũ trang tuyên truyền, làm tan rã hàng trăm tên tề ngụy, góp phần quan trọng vào phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân”. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Tiểu đoàn 810 vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân vào năm 2010, tiếp nối những danh hiệu cao quý mà các tập thể và cá nhân của đơn vị đã được trao tặng trước đó. Ông Hạnh tự hào chia sẻ: “Góp phần vào những trang sử vẻ vang đó cùng đồng đội, tôi cũng vinh dự được giữ chức vụ Quyền Tiểu đoàn trưởng, rồi Tiểu đoàn trưởng 810 trong giai đoạn 1971-1976”.
Năm 1976, sau khi được điều ra Đà Nẵng học Trường Quân chính khoảng 5 tháng, ông Phạm Đức Hạnh tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại các đơn vị quân đội ở Lâm Đồng, trong đó, có giai đoạn là Phó Giám hiệu Trường Quân sự địa phương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Đến năm 1982, ông chính thức nghỉ hưu.
Tiểu đoàn 810 vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân vào năm 2010 (ông Phạm Đức Hạnh đầu tiên từ trái qua cùng đồng đội đón nhận danh hiệu cao quý). Ảnh tư liệu
Trong suốt cuộc đời binh nghiệp đầy gian khổ và vinh quang, ông Phạm Đức Hạnh đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, ghi nhận những đóng góp to lớn của ông cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Lâm Đồng” là một sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến không ngừng nghỉ của ông đối với quê hương thứ hai.
Câu chuyện của người lính già Phạm Đức Hạnh không chỉ là những ký ức hào hùng về một thời đã qua, mà còn là nguồn cảm hứng to lớn cho thế hệ trẻ hôm nay, nhắc nhở về truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu kiên cường và sự hy sinh cao cả của những người con ưu tú của dân tộc. Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, những đóng góp của ông và đồng đội càng trở nên ý nghĩa và trân trọng hơn bao giờ hết.
THY VŨ