Trong gian phòng khách đơn sơ tại phường Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, người lính già cẩn thận mở hộp đựng những chiếc huy hiệu, kỷ niệm chương và vài mảnh giấy đã sờn cũ. Mắt ông dần nhòe đi khi chỉ tay về từng tấm huy hiệu và kỷ niệm chương với những câu chuyện rất xúc động.
Năm 1972, chàng trai trẻ Dương Công Đáo - khi đó mới 20 tuổi - từ làng quê Thanh Hóa lên đường nhập ngũ. Cũng như nhiều thanh niên khác, ông mang trong mình khát vọng giải phóng đất nước, thống nhất non sông. Sau khi nhập ngũ, ông được điều động về Đoàn 559 - đơn vị đảm nhiệm vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam qua đường Trường Sơn.
Ảnh lưu niệm của ông Dương Công Đáo và chiếc xe Zil-157
Chiếc xe ông được biên chế là Zil-157, dòng xe Liên Xô cỡ lớn mà bộ đội ta quen gọi là “ngựa thồ ba cầu”. Vỏ ngoài thô ráp, động cơ gầm rú như sấm, Zil-157 không chỉ là phương tiện chiến đấu mà còn là người bạn đồng hành, là nơi ăn nghỉ, sống - chết của những người lính lái xe vượt Trường Sơn năm ấy. Mỗi chuyến hàng, mỗi hành trình, đều là một cuộc chiến với bom đạn, sốt rét, gian khổ và cả cái chết luôn rình rập.
Ông nhớ mãi câu hát mà ông và đồng đội thường lạc quan cất lên mỗi khi xe lăn bánh vào chiến trường:
“Đồng đội của tôi, những chiến sĩ lái xe,
Vũ khí tròn, vô lăng đi đánh Mỹ,
Đèn ống bơ vượt trăm ngàn cây số
Hun hút rừng già, chẳng có trăng sao.
Thư kể người tình chỉ vực thẳm, đèo cao
Rocket, từ trường, thủy lôi, pháo sáng
Quan trên đầu mình chất chống bom đạn
Mấy chữ vội vàng: Hết giặc về bên em”.
Khi được hỏi về sự nguy hiểm của nhiệm vụ lái xe chi viện chiến trường, ông kể: “Lái xe ban đêm qua rừng già thời đó rất nguy hiểm, bật đèn sáng có thể bị máy bay địch phát hiện và tiêu diệt bất cứ lúc nào, chúng tôi phải tìm cách chế tạo “đèn ống bơ” sao cho vừa đủ sáng để thấy đường đi nhưng không bị địch phát hiện. Cũng có những chuyến chúng tôi đi giữa trận oanh tạc của địch, tiếng máy bay gầm rú chói tai lắm! Dù vậy nhưng không được lấy tay bịt tai, vẫn phải chắc tay mà lái, vì chỉ cần chệch tay lái ở một khúc cua là cả người và xe có thể lao xuống vực”.
Giấy khen ông Dương Công Đáo đạt được năm 1975
Năm 1974, chiến trường miền Nam bước vào giai đoạn ác liệt. Ông cùng đơn vị nhận lệnh tăng chuyến để “thọc sâu, vươn dài” vào Lộc Ninh (Bình Phước). Nhiệm vụ này có ý nghĩa sống còn và quyết định đến cục diện cuộc chiến trước khi mở rộng chiến trường ra các tỉnh phía Đông. Ngày lên đường, cả ông và đồng đội được đơn vị tổ chức “lễ truy điệu sống” - một nghi thức bi tráng và linh thiêng với lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của lính lái xe vượt Trường Sơn ngày đó.
Trong ánh sáng tờ mờ lúc chập tối, những người lính trẻ đứng nghiêm trang, trầm lắng, cảm nhận từng giây phút của buổi lễ thấm sâu vào tim mình. Ông Đáo kể: “Lúc đó không ai khóc, không ai sợ hãi, cũng chẳng ai nói với nhau câu gì. Tất cả chỉ có một điều duy nhất trong đầu - phải đến được chiến trường, phải chi viện cho miền Nam dù có đánh đổi bằng mạng sống của mình”.
Sau “lễ truy điệu” ông cùng đồng đội lên xe, tay cầm chắc vô lăng, bắt đầu xuất phát từ Thạch Bàn, xuyên rừng, vượt suối theo đường 16, qua Bản Đông, hướng tới đèo An Bun - những địa danh mà chỉ có trong “bản đồ” và ký ức của những người lính lái xe Trường Sơn năm xưa - tuyến đường mà họ nắm rõ nơi nào là điểm đen vận tải, khúc cua nào có thể là điểm ngắm của máy bay địch. Nhưng họ không được dừng lại, họ phải quyết tâm đi qua...
Kỷ niệm chương Chiến sĩ Trường Sơn của ông Dương Công Đáo
Và khi vừa tới gần ngã ba Đông Dương, đoàn xe của ông và đồng đội bị máy bay Mỹ phát hiện, tập kích, thả bom liên tục... Một tiếng nổ long trời. Cả xe ông chao đảo. Ông ù tai, mắt tối dần... rồi lặng thinh...
Khi tỉnh lại, ông thấy mình đang nằm trong Bệnh viện dã chiến của Đoàn 559 cùng mấy người đồng đội, ông đã ngất đi ngay khi bị trúng bom, ông không còn nhớ gì về trận tập kích đó: “Tôi không biết ai đưa mình về bệnh viện, đưa khi nào, bằng cách nào. Chỉ biết là sống rồi, còn sống là mình còn cơ hội đi tiếp!”.
Chỉ vài ngày sau khi được sơ cứu, dù vết thương chưa lành hẳn, ông lại xin lên đường sớm. “Lúc đó, mỗi ngày là một ngày vàng cho cách mạng. Không thể chậm trễ, chậm trễ là tự mình bỏ lỡ thời cơ chiến thắng”. Lần này, ông lái xe theo những con đường mòn mới mở do các cô giao liên dẫn đường. Trên đường đi ông cũng được các “cô gái đếm bom” giúp đỡ. Vừa nói ông vừa tìm một tờ giấy sờn cũ được cất cẩn thận trong hộp kỷ niệm chương và đọc cho chúng tôi nghe:
“Thế giới đó đây chuyện lạ đời
Có cô con gái đếm bom rơi,
Miệng cười xinh xắn, tâm trong trắng
Mắt sáng long lanh, dạ sáng ngời.
Bom nhỏ, bom to rành mọi điểm,
Quả câm, quả nổ, nhớ từng nơi
Cờ tiêu đến cắm nhanh như chớp,
Hạn chế thương vong thật tuyệt vời”.
Ông Dương Công Đáo cùng vợ là bà Lê Thị Huệ
Cứ như thế, nhờ được các cô giao liên và các “cô gái đếm bom” dẫn đường, ban ngày đoàn xe ẩn nấp, ban đêm băng qua rừng già, có lúc cả đoàn xe phải dừng lại để ngụy trang để không bị địch phát hiện. Những đêm ông và đồng đội ngủ trên cabin xe giữa rừng, nơi tiếng côn trùng và thỉnh thoảng là tiếng rocket réo xa xa đã trở nên quen thuộc “như cơm bữa”.
Sau nhiều ngày hành quân, ông và đồng đội cũng tới được bờ sông Sa Thầy. Ông kể: “Khi đến đó chúng tôi không biết mình đã vào đến đâu. Khi nhận được điện báo từ đơn vị thì chúng tôi mới biết đến sông Sa Thầy, bên kia sông là biên giới Campuchia”.
Ngay sau khi bàn giao hàng hóa tại địa điểm tập kết, ông lại nhận nhiệm vụ mới là chở bộ đội ta từ khu vực biên giới về điểm đánh vào căn cứ Bến Cát, Chơn Thành, La Khê.
Trải qua mấy tháng mùa khô, khi miền Nam bước vào mùa mưa cũng là lúc ông và đồng đội hành quân trở ra Quảng Bình để sửa chữa, bảo dưỡng xe, chuẩn bị bắt đầu mùa vận tải chi viện mới vào mùa khô năm sau. Năm tháng ấy trôi qua, không một giấc ngủ trọn vẹn, không một ngày yên bình nhưng ông và đồng đội chưa từng nghĩ đến việc dừng lại.
Huy hiệu và kỷ niệm chương thời chiến được ông Dương Công Đáo giữ gìn cẩn thận
“Hồi đó họ ví những người lính lái xe Trường Sơn chúng tôi như những cánh chim không biết mệt mỏi, cứ chạy để kết nối hậu phương với tiền tuyến. Dù khó khăn và đầy rẫy nguy hiểm nhưng ai cũng hiểu chỉ cần ta chậm một nhịp thì bộ đội ta có thể mất lợi thế, thậm chí thất bại trên chiến trường, đó là điều không ai mong muốn. Lái xe năm ấy không chỉ là giữ tay lái, mà là giữ mạch máu sống cho cả chiến trường”, ông Đáo chia sẻ.
Năm nay, Sư đoàn Ô tô - Vận tải 571 của ông tổ chức họp mặt kỷ niệm 53 năm ngày thành lập, ký ức năm xưa lại ùa về với tên đơn vị mà ông và đồng đội còn nhớ như in là C8-D70-E11-F571. Đồng đội của ông người còn, người mất, nhưng từ sâu thẳm trong tim, tất cả hình ảnh và ý chí của họ đều nguyên vẹn và sống mãi nơi chiến trường ác liệt. Để tưởng nhớ đến những đồng đội đã nằm xuống, ông viết:
“Lâu rồi mới dịp tớ vào thăm
Vi vút đồi thông các bạn nằm,
Trắng toát hàng bia màu nhắc nhớ,
Tay cầm hương nến nỗi đau thầm.
Người còn nặng trĩu đôi vai mỏi,
Kẻ mất khôn nguôi tiếng bão gầm.
Chiến trận một thời chung máu lửa
Bút từng giọt lệ đã bạc màu”.
Đất nước hòa bình, người lính lái xe Trường Sơn năm xưa trở về với cuộc sống thường nhật
Sau gần 15 năm phục vụ trong Quân đội, trải qua nhiều bom đạn chiến trường, được tổ chức không biết bao nhiêu lần “lễ truy điệu sống”, ông Dương Công Đáo trở về quê hương, mang theo nhiều thương tích. Theo kết quả giám định, ông bị thương tật 25%, mất sức 62%, hậu quả của chất độc màu da cam vẫn còn trong da thịt. Nỗi đau lớn hơn là hai người con của ông cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, một người đã qua đời khi còn nhỏ...
Mang cả nỗi đau về thể xác và tinh thần do chiến tranh để lại nhưng ông chưa một lần than thở. Giờ đây, ở tuổi 73, ông vẫn giữ tinh thần lạc quan bên người vợ đã cùng ông đi qua những năm tháng vất vả, hai ông bà sum vầy bên con cháu và chăm chút những luống rau trong mảnh vườn nhỏ. Mỗi lần có dịp trò chuyện với thế hệ trẻ, ông lại nhìn xa xăm và kể về những cung đường máu lửa, về những đồng đội đã hóa thành bất tử giữa rừng Trường Sơn. Kể để tuổi trẻ hôm nay biết rằng thế hệ của ông đã không tiếc nuối thanh xuân mà đương đầu với mưa bom, bão đạn. Kể để hậu thế luôn nhớ lớp lớp cha anh đã chiến đấu và nằm xuống cho đất nước có ngày độc lập, tự do như hôm nay.
Hải Yến