Những năm tháng "mưa bom, bão đạn"
Câu hát "Cúc ơi, em ở đâu?" trong chuyến hành hương về nguồn cội khiến những cựu chiến binh Trung đoàn 121, Sư đoàn 345 khóc nghẹn giữa ngày gặp lại. Họ gặp nhau tại Phú Thọ, nơi Trung đoàn được thành lập và đóng quân đầu tiên. Sau 46 năm, khi mái đầu đã bạc, những gương mặt khắc khổ bởi thời gian vẫn rực cháy niềm tự hào về những năm tháng chiến đấu oanh liệt.
Những cựu chiến binh Trung đoàn 121 tay bắt mặt mừng sau ngày gặp lại.
Hồi ức về những năm tháng chiến đấu đã qua, thượng tá Phạm Tiến, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 121, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự Thành phố Yên Bái vẫn nhớ như in văng vẳng tiếng súng trên bầu trời Hoàng Liên Sơn năm 1979.
Ông kể, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra ngắn ngủi, nhưng để lại hậu quả nặng nề. Trung đoàn 121 được giao nhiệm vụ chặn đánh quân thù trên hướng chính diện thị xã Lào Cai. Những người lính trẻ, tuổi đôi mươi, đối mặt với chiến thuật "biển người" của quân địch, với pháo kích dữ dội từ H12, cối 130 và nhiều loại vũ khí khác.
"Khi đó, chúng tôi được giao nhiệm vụ phòng ngự tại Cốc San, Nhạc Sơn, cầu số 4 Kim Tân. Kẻ địch đông gấp 8, thậm chí 10 lần. Nhưng nhờ tinh thần quả cảm, Trung đoàn đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt hàng nghìn quân địch, phá hủy nhiều xe tăng, pháo binh của đối phương", thượng tá Phạm Tiến kể.
Thượng tá Phạm Tiến, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 121, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự Thành phố Yên Bái.
Nói về tinh thần quả cảm, ông Tiến chia sẻ về trận chiến 6 ngày đêm chiếm giữ cầu số 4, thuộc địa bàn Cam Đường.
"Dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Đỗ Văn Dư, Đại đội 9, Tiểu đoàn 6 đã đánh lui nhiều đợt tấn công của địch, giữ vững trận địa cho đến trưa ngày 23/2. Dù lực lượng địch đông hơn gấp bội, các chiến sĩ vẫn kiên cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, góp phần chặn bước tiến quân thù", ông Tiến kể.
Từng chiến đấu tại cao điểm 368 Bát Xát, Lào Cai (cũ), thương binh Nguyễn Xuân Nguyệt không quên buổi sáng định mệnh.
"Sáng sớm ngày 17/2/1979, chúng tôi đang làm nhiệm vụ thì nhận tin biên giới xảy ra chiến tranh. Không chút chần chừ, đơn vị hành quân ngay lên cao điểm, sát cánh cùng anh em giữ chốt. Địch đông, dùng chiến thuật biển người, nhưng chúng tôi vẫn bám trụ kiên cường", ông Nguyệt bồi hồi kể.
Những cựu chiến binh Trung đoàn 121 kể về những năm tháng chiến đấu kiên cường tại biên giới phía Tây Bắc.
Trong trận đánh ác liệt ấy, ông Nguyệt bị thương nặng, pháo ép vào lồng ngực, 2 chân gãy do mảnh đạn. Dù mang thương tật suốt đời, ông vẫn tự hào: "Sau chiến tranh, từ gia đình đến xã hội, chúng tôi luôn cống hiến và tự hào là bộ đội Cụ Hồ".
Hàn huyên những chuyện cũ, cựu chiến binh Vũ Hữu Thành chưa quên những năm tháng gian nan, khốn khó.
"Thời điểm ấy, mọi thứ thiếu thốn, chúng tôi chia sẻ từng miếng lương khô, củ sắn, rau rừng, hoa chuối. Thời tiết khắc nghiệt, mưa gió, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, nhưng anh em chúng tôi vẫn nỗ lực, động viên nhau vượt qua", ông Thành nghẹn ngào.
Máu xương đã thấm vào đất mẹ
Nhớ về đồng đội, thương binh Trần Đức Minh, nguyên chiến sỹ Đội Tuyên văn Trung đoàn 121 nghẹn ngào. Ông nói, trong khói lửa chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, những người lính Trung đoàn 121, Sư đoàn 345 đã viết nên bản hùng ca bất tử bằng máu và nước mắt. Mỗi tấc đất Hoàng Liên Sơn thấm đẫm sự hy sinh đồng đội chúng tôi.
"Tôi còn nhớ như in đêm ấy, đồng đội Nguyễn Thế Tăng, quê xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn (tỉnh Vĩnh Phú cũ) bị thương nặng. Trong cơn mê sảng, Tăng hỏi tôi: "Trời sáng chưa?", tôi bảo: "Chưa, còn tối lắm!". Tăng lại hỏi: "Sao sáng thế?", tôi an ủi đáp: "Là ánh trăng sáng đấy!".
Thế rồi, sáng sớm ngày 4/3/1979, Tăng đã trút hơi thở cuối cùng, hy sinh chỉ trước 1 ngày Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước vào ngày 5/3/1979", ông Minh nghẹn ngào.
Hoạt động trao quà, tri ân các gia đình liệt sĩ và các thương bệnh binh là hoạt động thường niên của Ban Liên lạc Hội cựu chiến binh Trung đoàn 121.
Và còn rất nhiều đồng đội khác, trong đó có Nguyễn Trung Lực, quê ở xã Tam Sơn, huyện Cẩm Khê, tỉnh Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ), là đồng đội cùng Đội Tuyên Văn và là xạ thủ 12 ly 7, ông đã bị thương nặng và được tải thương từ Kim Tân về Đá Đinh nhưng cũng không qua khỏi.
"Đêm hôm đó, tôi đã quỳ gối bên anh tại suối Đá Đinh động viên, an ủi, nhưng vết thương nặng quá, anh đã trút hơi thở cuối cùng…", ông Minh rưng rưng kể.
Tưởng nhớ và tri ân các đồng đội đã ngã xuống, trong cuộc hội ngộ 78 năm nhân Ngày Thương binh - Liệt sỹ tại xã Minh Đài, tỉnh Phú Thọ, cựu chiến binh Trần Đức Minh đã kiến nghị và mong muốn cùng Ban Liên lạc và các cựu chiến binh xây dựng Đài tưởng niệm tại Lào Cai (cũ) để tri ân những đồng đội đã ngã xuống.
Nói về sự hy sinh của đồng đội, thượng tá Phạm Tiến chia sẻ: "Cầu số 4 là điểm chốt then chốt. Nếu địch muốn tiến xuống Cam Đường, chúng phải vượt qua nơi này. Sau những ngày kiên cường trấn giữ, 15 đồng chí của chúng tôi đã hy sinh và mãi mãi nằm lại nơi này".
Bà Cù Thị Thu Hằng (ngoài cùng bên phải), Phó Chủ tịch UBND xã Minh Đài và ông Trần Đức Minh, Chủ tịch Kinh Đô TCI Group trao quà cho các cựu chiến binh và thân nhân gia đình liệt sĩ.
"Máu xương của các chiến sỹ Trung đoàn 121, Sư đoàn 345 như hòa vào đất mẹ Hoàng Liên Sơn, đó không chỉ là bản hùng ca bất tử mà còn là lời thúc giục để các thế hệ trẻ hôm nay sống tốt hơn và có ý nghĩa hơn", ông Tiến nhấn mạnh.
Thương binh nỗ lực xây đời
Chiến tranh lùi xa, những cựu chiến binh Trung đoàn 121, dù mang trên mình nhiều vết thương nhưng vẫn nỗ lực sống và tận hiến. Trong số đó có cựu chiến binh Trần Đức Minh, nguyên chiến sĩ Đội Tuyên Văn, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 121, dù mất nửa bàn tay, nhưng ông đã cùng đồng đội và các cựu chiến binh nỗ lực xây dựng và thành lập Kinh Đô TCI Group; xây dựng nhiều công trình lớn tại Thủ đô Hà Nội.
Ông Hoàng Anh Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Minh Đài ghi nhận những đóng góp của các cựu chiến binh Trung đoàn 121.
Ông chia sẻ: "Chiến tranh đã qua đi, nhưng có biết bao chiến sĩ đã mãi mãi nằm lại nơi biên viễn xa xôi. Chúng tôi, những người còn sống vì đó mà phải sống cho tốt, sống có trách nhiệm để xây dựng quê hương và biết ơn những người đã khuất".
Để tưởng nhớ và tri ân, trong những năm qua, ông đã cùng Ban Liên lạc và các cựu chiến binh thường xuyên tổ chức các chương trình hỗ trợ các gia đình liệt sỹ. Trong dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), ông đã cùng Ban Liên lạc đến viếng thăm các đồng đội và tổ chức nhiều hoạt động tặng quà đối với các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh tại xã Minh Đài tỉnh Phú Thọ.
Xúc động trước việc làm ý nghĩa của các cựu chiến binh Trung đoàn 121, bà Hà Thị Kim Thêm, vợ liệt sĩ Đà Ngọc Chiến (Phú Thọ) chia sẻ: "Khi chồng hy sinh, tôi còn rất trẻ, hai con thơ dại. Sau khi anh hy sinh, tôi ở vậy, nuôi các con trưởng thành. Sự quan tâm của Ban Liên lạc Trung đoàn 121 thời gian qua luôn là nguồn động viên lớn lao, giúp tôi - những người ở lại thêm ấm lòng và vững tâm sống tốt".
Ghi nhận nhiều hoạt động ý nghĩa của Ban liên lạc, ông Hoàng Anh Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Minh Đài chia sẻ: "Chúng tôi ghi nhận sự đồng hành, quan tâm của Hội cựu chiến binh Trung đoàn 121. Sự quan tâm ấy không chỉ là món quà về vật chất mà còn là nguồn động viên to lớn về tinh thần, thể hiện tình cảm sâu nặng của thế hệ hôm nay đối với những người đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc".
Ban Liên lạc Hội cựu chiến binh Trung đoàn 121 đến thắp hương tri ân các đồng đội đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Minh Đài luôn đặc biệt quan tâm đến công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.
"Chúng tôi thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ sửa chữa nhà ở, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho các gia đình chính sách; đồng thời tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, để lớp người hôm nay và mai sau luôn ghi nhớ và biết ơn công lao của các thế hệ đi trước", ông Nghĩa chia sẻ.
Kim Thoa