Người mắc bệnh Addison cần lưu ý gì khi tập luyện?

Người mắc bệnh Addison cần lưu ý gì khi tập luyện?
11 giờ trướcBài gốc
1. Lợi ích của các bài tập vận động đối với người mắc bệnh Addison
Bệnh Addison hay còn gọi là suy tuyến thượng thận nguyên phát, là một hội chứng hiếm gặp xảy ra khi tuyến thượng thận không sản xuất đủ hai loại hormone thiết yếu là cortisol và aldosterone. Cortisol là hormone giúp cơ thể phản ứng với stress, điều chỉnh đường huyết, huyết áp và chuyển hóa. Aldosterone là hormone giúp kiểm soát sự cân bằng natri và kali, ảnh hưởng đến huyết áp.
Người mắc bệnh Addison có thể có các biểu hiện như mệt mỏi kéo dài, sụt cân, buồn nôn, ói mửa, đau bụng, đau cơ hoặc khớp, tụt huyết áp, sạm da, thèm muối, dễ trầm cảm, cáu gắt... Đến nay bệnh Addison chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát tốt bằng thuốc thay thế hormone.
Đối với người mắc bệnh Addison, các bài tập vận động có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, trong đó đặc biệt quan trọng là cải thiện chức năng hệ tim mạch, giúp duy trì huyết áp ổn định, ngăn ngừa tụt huyết áp tư thế và tăng sức mạnh cơ bắp, giúp giữ vững thể lực, duy trì sinh hoạt hằng ngày.
Người bệnh addison có thể có biểu hiện mệt mỏi kéo dài, đau bụng...
Vận động hợp lý còn có tác dụng giúp cân bằng đường huyết và điện giải, duy trì cân bằng nội môi. Đặc biệt, thông qua việc ra mồ hôi nhẹ trong quá trình tập vận động, người bệnh Addison còn có thể thích nghi tốt hơn với những thay đổi nhỏ trong môi trường.
Các bài tập vận động còn là phương pháp hiệu quả giúp người bệnh cải thiện tâm trạng và tinh thần do thiếu hụt cortisol. Người bệnh Addison dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, lo âu, tập các bài tập vận động nhẹ nhàng có thể giúp cải thiện tình trạng này.
Một số hoạt động thể chất có tính tập thể còn giúp người mắc bệnh Addison tăng kết nối xã hội, dễ dàng hơn trong việc chia sẻ, đồng hành cùng người khác, qua đó giúp giảm trầm cảm và tăng chất lượng cuộc sống.
2. Một số bài tập tốt cho người mắc bệnh Addison
2.1 Bài tập hít thở sâu
Cách thực hiện: Người bệnh ngồi hoặc nằm thư giãn, hít vào từ từ bằng mũi để bụng phồng lên, sau đó thở ra từ từ bằng miệng, bụng xẹp xuống. Thực hiện trong 5-10 phút, mỗi ngày 2-3 lần.
Tác dụng: Hít thở sâu giúp người bệnh Addison ổn định nhịp tim, tăng cường oxy máu, hỗ trợ điều hòa cortisol, giảm lo âu và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
2.2 Đi bộ thiền
Cách thực hiện: Đi từng bước chậm rãi, duy trì nhịp thở đều, đặt tâm trí vào từng bước chân và nhịp thở, không suy nghĩ quá nhiều mà chỉ cảm nhận từng bước đi. Tập luyện 10-20 phút trong không gian yên tĩnh.
Tác dụng: Đi bộ là phương pháp giúp cải thiện tuần hoàn máu, ổn định huyết áp, vừa tăng cường sức bền thể chất vừa hỗ trợ tinh thần. Đi bộ thiền là cách hiệu quả để kết nối tinh thần và thể chất, giúp giảm stress, tạo cho người bệnh cảm giác an tâm, giúp kiểm soát cảm xúc, hạn chế tình trạng nổi nóng và lo âu của bệnh Addison.
Đi bộ thiền, chậm rãi tăng cường sức bền và cải thiện tinh thần cho người bệnh Addison.
2.3 Tập các bài tập yoga, thái cực quyền cơ bản tốt cho người bệnh Addison
Người bệnh Addison có thể chọn các tư thế yoga nhẹ nhàng như tư thế em bé, tư thế cây cầu, tư thế con mèo - con bò hoặc thái cực quyền dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên.
Tác dụng: Yoga được chứng minh là rất hiệu quả trong việc ổn định tâm trí, giảm căng thẳng, giúp cải thiện hơi thở, hỗ trợ tiêu hóa và nội tiết. Trong khi đó thái cực quyền là phương pháp hiệu quả giúp dưỡng tâm - an thần, ổn định cảm xúc, cải thiện khả năng thăng bằng và tăng khả năng thích nghi với môi trường thay đổi.
Tập thái cực quyền cải thiện hơi thở, hỗ trợ tiêu hóa và nội tiết cho người bệnh Addison.
2.4 Các bài tập kháng lực nhẹ với dây đàn hồi
Cách thực hiện: Dùng dây đàn hồi để kéo tay, kéo chân theo hướng kháng lực, mỗi động tác thực hiện 8-10 lần, mỗi buổi tập chỉ thực hiện tập cho 2-3 nhóm cơ như tập tay - vai, tập chân - lưng, thực hiện cách ngày để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi.
Tác dụng: Các bài tập này có tác dụng giúp giữ cơ bắp khỏe mạnh, chống teo cơ và đề phòng loãng xương, nhưng cần lưu ý tập với lực vừa phải, không nên thực hiện khi quá mệt và luôn khởi động kỹ trước khi thực hiện.
2.5 Ngâm chân kết hợp vận động chân
Cách thực hiện: Ngâm chân trong nước ấm 40 - 42°C trong 15 - 20 phút, có thể cho thêm một chút gừng hoặc muối. Trong lúc ngâm vận động nhẹ nhàng các ngón chân và cổ chân kết hợp xoa bóp toàn bộ bàn chân, day ấn huyệt dũng tuyền.
Vị trí huyệt dũng tuyền: Ở lòng bàn chân, tại điểm nối 2/5 trước và 3/5 sau của đoạn nối đầu ngón chân 2 và điểm giữa bờ sau gót chân, trong chỗ lõm ở giữa gan bàn chân.
Tác dụng: Ngâm chân nước ấm có tác dụng kích thích tuần hoàn ngoại vi, điều hòa giấc ngủ, cải thiện cảm giác lạnh chân. Huyệt dũng tuyền là huyệt đầu tiên của kinh Thận, khi day ấn có thể điều chỉnh các vấn đề về thận theo Đông y. Ngâm chân kết hợp vận động chân nhẹ nhàng là cách hiệu quả giúp cải thiện sức khỏe cho người mắc bệnh Addison.
Ngâm chân trong nước ấm điều hòa giấc ngủ cho người mắc bệnh Addison.
3. Lưu ý khi tập vận động đối với người mắc bệnh Addison
- Người mắc bệnh Addison nên thực hiện các bài tập vận động vào sáng sớm hoặc chiều mát, khi cơ thể tỉnh táo nhất. Không tập lúc đói hoặc ngay sau khi ăn, ngay sau khi thức dậy.
- Trong quá trình vận động, cần lưu ý bổ sung đầy đủ nước và điện giải.
- Không tập dưới thời tiết quá nóng gây ra nhiều mồ hôi; kông tập vận động trong đợt bệnh cấp hoặc có nguy cơ suy thượng thận cấp.
- Không nên tập gắng sức, ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng, có kiểm soát, tránh các bài tập có cường độ cao. Vận động trong thời gian vừa phải, ban đầu chỉ nên tập 10-15 phút, sau đó có thể tăng dần tùy theo thể trạng.
- Nếu thấy chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi nhiều hoặc đau ngực phải dừng lại và nghỉ ngơi ngay. Nếu có các dấu hiệu bất thường như tụt huyết áp, mệt bất thường kéo dài, đau cơ khớp nhiều cần báo ngay cho bác sĩ điều trị để có phương án xử trí kịp thời.
BS. Nguyễn Huy Hoàng
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/nguoi-mac-benh-addison-can-luu-y-gi-khi-tap-luyen-169250423151331693.htm