Người mẹ mù chữ và bản hợp đồng kì lạ giúp con trai từ học sinh cá biệt trở thành giám đốc tập đoàn lớn

Người mẹ mù chữ và bản hợp đồng kì lạ giúp con trai từ học sinh cá biệt trở thành giám đốc tập đoàn lớn
5 giờ trướcBài gốc
Sinh ra trong một gia đình nghèo tại vùng nông thôn Trung Quốc, bà Vương Tú Vân từ nhỏ đã phải bỏ học để làm việc nuôi các em.
Không biết chữ, nhưng bà thấu hiểu sự nghèo khó của cuộc đời lao động chân tay và luôn tin rằng chỉ có con đường học vấn mới có thể thay đổi số phận.
Năm 1982, bà kết hôn với một giáo viên trong làng và sinh được cậu con trai đầu lòng - Lưu Hoa Nam.
Vương Tú Vân và con trai Lưu Hoa Nam (2 người ngồi 2 bên)
Từ nhỏ, Hoa Nam đã thông minh, nhanh nhẹn nhưng cũng vô cùng hiếu động. Dù không thích sự kiểm soát chặt chẽ của mẹ, cậu vẫn học tốt trong những năm tiểu học.
Thế nhưng đến cấp 2, Hoa Nam bắt đầu thay đổi. Cậu trở nên nổi loạn, thường xuyên trốn học, đánh nhau, và từng có ý định bỏ học hoàn toàn.
Đỉnh điểm là một lần bị nhà trường mời phụ huynh vì đánh bạn, bà Vương không kiềm chế được đã đánh con.
Trong cơn tức giận, Hoa Nam phản ứng gay gắt: "Tại sao con phải học? Mẹ không biết chữ thì sao bắt con học? ĐH Thanh Hoa là gì, con không quan tâm!"
Không chịu khuất phục, bà Vương đáp trả: "Mẹ không biết chữ nên không có quyền nói, nhưng nếu con thi đỗ được Đại học Thanh Hoa, mẹ sẽ trở thành nhà văn."
Cuộc tranh luận kết thúc bằng một bản "hợp đồng cá cược" viết tay: nếu Hoa Nam vào được Thanh Hoa, mẹ sẽ trở thành nhà văn.
Từ khoảnh khắc đó, một hành trình đổi đời bắt đầu không chỉ với cậu con trai nổi loạn, mà cả người mẹ mù chữ.
Ở tuổi 40, bà Vương bắt đầu học chữ. Chồng bà, một giáo viên, và con trai thay phiên nhau dạy bà từng mặt chữ, từng đoạn văn.
Bà luyện đọc mỗi ngày, đọc báo cho chồng nghe, đọc tiểu thuyết, đọc văn học cổ điển, tất cả chỉ để rút ngắn khoảng cách với lời hứa năm xưa.
Bà Vương Tú Vân ngày đêm miệt mài lấp đầy kiến thức
Về phần Lưu Hoa Nam, sau cú "cá cược" ấy, cậu bé cũng dần thay đổi. Dù bị hổng kiến thức, đặc biệt là tiếng Anh, nhưng Hoa Nam đã nỗ lực gấp nhiều lần để bù đắp.
Cậu học ngày học đêm, thậm chí nói tiếng Anh cả trong mơ. Trong 3 năm cấp 3, từ học sinh gần đội sổ, Hoa Nam vươn lên dẫn đầu lớp.
Cuối cùng, năm 2001, Hoa Nam thi đỗ Đại học Lâm nghiệp Bắc Kinh - ngành Kiến trúc cảnh quan.
Dù chưa đạt đúng mục tiêu Thanh Hoa, nhưng sự tiến bộ vượt bậc của anh khiến cha mẹ vô cùng tự hào.
Lưu Hoa Nam viết tiếng Anh vào những tờ giấy nhớ và dán khắp nơi để học.
Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục học lên cao và năm 2007, nhận bằng thạc sĩ của Đại học Thanh Hoa, chính thức hoàn thành điều kiện của bản hợp đồng năm nào.
Còn bà Vương Tú Vân, sau nhiều năm kiên trì đọc viết, đã xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay với sự giúp đỡ từ chồng và con trai.
Những trang viết mang hơi thở chân thật của cuộc sống người lao động, đầy cảm xúc, được độc giả đón nhận nồng nhiệt.
Bà tiếp tục viết thêm nhiều tác phẩm và trở thành nhà văn thực thụ đúng như lời hứa năm xưa.
Lưu Hoa Nam sau khi tốt nghiệp gia nhập tập đoàn công nghệ Lenovo, từng bước thăng tiến và giữ vị trí giám đốc điều hành.
Mỗi khi gặp khó khăn, anh lại nhớ đến "bản hợp đồng định mệnh" và nghị lực của mẹ, điều đã truyền cảm hứng cho anh suốt hành trình trưởng thành.
Chiếc bàn học cũ, ngọn đèn khuya năm nào giờ đã trở thành biểu tượng của ước mơ, của tình yêu thương và của niềm tin bền bỉ mà hai mẹ con dành cho nhau.
Nếu cha mẹ không thể làm gương cho con cái, giáo dục nhiều bao nhiêu cũng vô dụng
Hành vi của cha mẹ là biểu hiện trực tiếp nhất về sự tín nhiệm của họ. Bởi những gì khiến người khác thực sự tin tưởng đều được thể hiện thông qua hành vi.
Ví như ngoài miệng thì nói với con rằng đọc sách rất quan trọng, vậy mà cha mẹ lại suốt ngày mải lướt điện thoại hoặc xem phim, như thế là không thể nào khiến con trẻ tin phục.
Cũng có nhiều bậc cha mẹ tận tình khuyên bảo con đọc sách, nhưng thực tế là họ chưa bao giờ cầm cuốn sách để đọc ở nhà.
Khi một đứa trẻ chơi điện thoại di động, cha mẹ mất bình tĩnh và mắng con, nhưng chính mình lại suốt ngày không ngừng lướt điện thoại.
Nói trẻ con phải giúp mọi người làm điều tốt, không được nói những điều không hay sau lưng người khác, nhưng chính cha mẹ lại luôn thích đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về những vấn đề của người khác.
Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, cha mẹ là người như thế nào, có hành vi ra sao, đối với con trẻ là vô cùng trọng yếu.
Một chuyên gia giáo dục đã từng nói rằng: "Đôi mắt của trẻ em là máy ảnh, bộ não là một máy ghi âm, những lời nói và hành động của cha mẹ được khắc sâu vào trái tim chúng". Ảnh minh họa
Vào cuối những năm 1990, Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đã tiến hành một nghiên cứu dài hạn về giáo dục mầm non.
Nghiên cứu đã tiến hành điều tra tiến trình học tập của hơn 20.000 trẻ em tại 1.000 trường học để tìm ra những yếu tố nào có liên quan đáng kể đến kết quả học tập của trẻ.
Cuối cùng, kết quả nghiên cứu khiến mọi người bất ngờ.
Kết quả cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến thành tích của trẻ em là đặc điểm của chính cha mẹ chúng. Ví dụ, cha mẹ có trình độ học vấn cao, cha mẹ có địa vị kinh tế xã hội cao, và trong nhà có nhiều sách…
Một chuyên gia giáo dục đã từng nói rằng: "Đôi mắt của trẻ em là máy ảnh, bộ não là một máy ghi âm, những lời nói và hành động của cha mẹ được khắc sâu vào trái tim chúng".
Khi con trẻ vẫn còn nhỏ, đối với thế giới này chưa có khái niệm đúng sai, vậy thì những lời nói và hành động của cha mẹ chính là chuẩn mực cho trẻ noi theo.
Trẻ em sẽ không ngừng bắt chước hành động của cha mẹ, tựa như 'mưa dầm thấm đất' vậy, từ tính cách cho đến cách làm việc.
Thuận theo thời gian, những điều này nghiễm nhiên sẽ trở thành tính cách và thói quen của chúng, đi theo chúng suốt đời.
Câu nói "con nhà tông không giống lông cũng giống cánh" thật ra đã phản ánh rất chính xác quan điểm này.
Dù sau này khi trưởng thành, các con đều phải dựa vào sự nỗ lực của chính bản thân mình để thay đổi tư duy nhận thức, hòa nhập với cuộc sống.
Thế nhưng những nhận thức có được ngay từ thuở nhỏ, chính là nền tảng vững vàng nhất cho sự phát triển sau này.
Cha mẹ nếu trong mọi lời nói và hành động đều làm gương tốt cho con, sẽ khiến đứa trẻ ngày càng gần gũi thân thiết với cha mẹ hơn.
Đây là một động lực của sức mạnh nội tâm, khiến trẻ cảm thấy đồng cảm hơn bất cứ mệnh lệnh và sự giám sát nào khác.
Trong quá trình làm gương, cha mẹ cũng không ngừng nhìn lại bản thân mình để có thể liên tục kịp thời điều chỉnh, có như vậy sẽ tạo được mối quan hệ cha mẹ – con cái tốt nhất.
Có nhiều cách để giáo dục con cái, nhưng nói cho cùng, bạn muốn con trở thành người như thế nào, cách tốt nhất là trước tiên bạn phải trở thành người như vậy.
Tường Vy (t/h)
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-me-mu-chu-va-ban-hop-dong-ki-la-giup-con-trai-tu-hoc-sinh-ca-biet-tro-thanh-giam-doc-tap-doan-lon-17225052211304085.htm