Người Mỹ tự tranh cãi khi dùng men biến đổi gien bón cây lương thực

Người Mỹ tự tranh cãi khi dùng men biến đổi gien bón cây lương thực
2 giờ trướcBài gốc
Hạt giống dược trộn men biến đổi gien
Tại một nhà kho ở bang miền trung Missouri, người ta chỉ cần nhấn nút đỏ, một chất lỏng màu sữa sẽ phun lên một đống hạt ngô. Hành động đơn giản đó là dấu hiệu của một cuộc cách mạng đang diễn ra trong ngành nông nghiệp Mỹ, được thúc đẩy bởi mong muốn chống lại biến đổi khí hậu trong khi vẫn nuôi sống và cung cấp nhiên liệu cho thế giới.
Bên trong chất lỏng đó là vi khuẩn có chỉnh sửa DNA để khi bám vào hạt ngô ở trong đất, vi khuẩn sẽ tạo ra thêm chất dinh dưỡng cho cây trồng. Điều đó có thể làm giảm đáng kể nhu cầu sử dụng phân bón hóa học đang thống trị nền nông nghiệp hiện đại và là nguồn gây ô nhiễm đang làm nóng hành tinh.
Tác dụng giúp giảm phân bón hóa học
Khi những nguy cơ của biến đổi khí hậu trở nên rõ ràng hơn, các nhà khoa học và cả giới doanh nhân đang khám phá những cách để cải tạo các hệ thống tự nhiên nhằm giảm khí nhà kính.
Trong một ngành công nghiệp trị giá 200 tỉ USD do một số công ty khổng lồ tầm cỡ toàn cầu như Koch Industries thống trị, phân bón hóa học được tạo ra bằng cách trộn nitơ từ không khí với hydro từ khí tự nhiên ở nhiệt độ và áp suất cao để tạo ra amoniac. Amoniac được chuyển thành amoni nitrat, được bón vào đất hoặc rải lên các cánh đồng ngô, lúa mì và lúa để giúp chúng phát triển.
Phân bón hóa học được cho là đã giúp sản xuất đủ lương thực cho dân số thế giới đã tăng vọt gấp 5 lần sau hơn 1 thế kỷ. Vào năm 1900 – thời điểm phân bón hóa học bắt đầu đi vào lòng đất, dân số trên hành tinh chỉ khoảng 1,6 tỉ người và giờ đã tăng lên khoảng 8 tỷ người. Nhưng bên cạnh việc nâng cao sản lượng lương thực, phân bón hóa học cũng góp phần vào cuộc khủng hoảng khí hậu theo hai cách.
Trước hết, việc sản xuất phân bón tạo ra carbon dioxide, giữ nhiệt từ mặt trời. Tiếp đó, khi rải trên đất, một phần phân bón đó được giải phóng vào không khí dưới dạng nitơ oxit, một loại khí nhà kính mạnh hơn carbon dioxide gấp nhiều lần.
Trên toàn cầu, việc sản xuất, vận chuyển và sử dụng phân bón hóa học chịu trách nhiệm gây ô nhiễm với sức mạnh làm nóng hành tinh tương đương khoảng 1 tỉ tấn carbon dioxide mỗi năm. Con số này còn lớn hơn tổng lượng khí thải từ tất cả các nhà máy điện đốt than ở Mỹ.
Tại thời điểm này, sản phẩm Pivot có thể thay thế khoảng 20% lượng phân bón cần thiết trên một cánh đồng ngô.
Đó là lý do tại sao hạt ngô ở Illinois, Iowa và các tiểu bang thuộc "vành đai ngô" khác đang được phun vi khuẩn biến đổi gien do Pivot Bio, một công ty có trụ sở tại California, sản xuất. Pivot được hậu thuẫn các nhà đầu tư bao gồm các nhóm do Bill Gates và Al Gore đứng đầu, đã được những người nông dân muốn chi ít tiền hơn cho phân bón ủng hộ. Chỉ năm năm sau khi ra mắt, hạt giống đã được sử dụng trên 5% vụ ngô của Mỹ.
Những hậu quả chưa biết trước
Công ty đã phải đối mặt với những rào cản khi bán sản phẩm của mình ở châu Âu. Tuy nhiên, sau khi vận động hành lang mạnh mẽ ở Washington, Pivot đã thành công khi cùng với các công ty khác trong ngành lập luận rằng sản phẩm của họ không cần các cơ quan quản lý của Mỹ đánh giá an toàn (như thực phẩm biến đổi gien).
Pivot ước tính rằng năm ngoái, hạt giống đã qua xử lý của họ đã ngăn chặn được việc giải phóng tương đương khoảng 706.000 tấn khí carbon dioxide— ngang với lượng khí nhà kính từ việc đốt 1,5 triệu thùng dầu.
Cooper Rinzler, đối tác tại Breakthrough Energy Ventures, quỹ đầu tư được ông Gates hậu thuẫn và là một trong những nhà đầu tư ban đầu vào Pivot, cho biết: "Đây là chén thánh đối với ngành nông nghiệp".
Nhưng nó cũng đang tạo ra sự phản kháng dữ dội. Một liên minh chung lợi ích gồm các nhóm ủng hộ nông nghiệp hữu cơ, tổ chức môi trường Friends of the Earth và nhà lý thuyết âm mưu Alex Jones lập luận rằng việc tăng cường năng lượng cho thiên nhiên bằng cách chỉnh sửa DNA có thể gây ra hậu quả không mong muốn. Các nhà sản xuất phân bón hóa học cũng đang dấy lên nghi ngờ về công ty mới trong ngành.
Các cố vấn của Pivot thừa nhận rằng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải. David Kanter, cố vấn của Pivot, người giảng dạy về nghiên cứu môi trường tại Đại học New York và là chủ tịch của Sáng kiến Nitơ Quốc tế cho biết: "Chúng tôi hiếm khi đưa ra được giải pháp cho một vấn đề môi trường mà không gây ra những hậu quả không lường trước khác trong tương lai", đồng thời ông cho rằng: "Một trong những mối quan tâm lớn xung quanh bất kỳ loại kỹ thuật di truyền nào là điều gì sẽ xảy ra khi biến đổi DNA. Những vi khuẩn này hoạt động trong bao lâu?"
Các nhà khoa học tại Pivot cho biết vi khuẩn biến đổi gien sẽ chết khi cây ngô chết, hạn chế nguy cơ lây lan ngoài ý muốn. Nhưng năm này qua năm khác, họ vẫn không đưa ra được bằng chứng cho thấy tất cả vi khuẩn đều chết. Và các nhà khoa học tại Pivot chỉ nhấn mạnh rằng nỗ lực thay đổi tự nhiên của họ là một chiến thắng cho nông dân, cho xu thế dân số toàn cầu đang gia tăng và môi trường.
Karsten Temme, đồng sáng lập của Pivot cho biết: "Bằng cách để nông dân sử dụng sản phẩm của công ty, chúng ta sẽ có được không khí trong lành hơn, nước sạch hơn, đất đai lành mạnh hơn và khả năng nuôi sống cả hành tinh. Đó luôn là ước mơ của tôi".
Anh Tú
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/nguoi-my-tu-tranh-cai-khi-dung-men-bien-doi-gien-bon-cay-luong-thuc-225369.html