Người nắm được 2 bí mật này, ắt sẽ đứng trên đỉnh cuộc sống

Người nắm được 2 bí mật này, ắt sẽ đứng trên đỉnh cuộc sống
7 giờ trướcBài gốc
Ai trong chúng ta cũng khao khát một cuộc đời suôn sẻ, ít sóng gió. Sự bình an và thuận đạt không dễ có được, nhưng hoàn toàn có thể vun bồi thông qua cách đối nhân xử thế. "Cách Ngôn Liên Bích", một tác phẩm kinh điển về xử thế của Trung Quốc, đã chỉ ra hai nguyên tắc cốt lõi, được ví như "thiên cơ" – những bí mật vận hành của cuộc đời. Nắm vững hai nguyên tắc này, con đường đến với đại phú đại quý và một cuộc sống viên mãn sẽ rộng mở hơn bao giờ hết.
Nguyên tắc thứ nhất: "Xử sự cần để lại dư địa, khuyên người làm điều thiện tuyệt đối đừng nói cạn lời"
Câu nói này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của sự trung đạo và việc chừa lại "khoảng trống" trong mọi hành động và lời nói. "Xử sự cần để lại dư địa" có nghĩa là khi làm bất cứ việc gì, đừng làm đến mức cực đoan, đừng đốt cháy giai đoạn hay đẩy mọi thứ đến điểm tới hạn. Tương tự, "khuyên người làm điều thiện tuyệt đối đừng nói cạn lời" khuyên rằng khi góp ý hay chỉ bảo người khác, hãy nói vừa đủ, đừng gay gắt, đừng làm người nghe cảm thấy bị dồn ép hoặc mất mặt.
Nếu có thể thấu hiểu hai "thiên cơ" này, tương lai ắt sẽ đại phú đại quý, nhân sinh thuận đạt. (Ảnh minh họa: 163)
Triết lý vật cực tất phản (khi sự vật đạt đến cực điểm thì sẽ chuyển hóa ngược lại) và trăng tròn rồi sẽ khuyết trong "Chu Dịch" đều nhấn mạnh điều này. Mọi sự đi đến cực điểm đều không bền vững. Việc chừa lại dư địa không chỉ giúp chúng ta linh hoạt ứng phó với những thay đổi bất ngờ trong cuộc sống mà còn thể hiện sự khôn ngoan, tránh đẩy mình vào thế bí.
Hơn thế nữa, việc "để lại dư địa" còn là cách đối đãi với người khác. Đừng bao giờ dồn người khác vào đường cùng. Con người có bản năng sinh tồn mạnh mẽ, khi bị cắt đứt mọi đường lui, họ sẽ bộc phát sức phản kháng phi thường.
Hãy nhìn vào câu chuyện lịch sử nổi tiếng. Triều đại nhà Tần bạo ngược, trưng thu lao dịch nặng nề khiến dân chúng lầm than. Trần Thắng và Ngô Quảng, những người lính phải đi phu, vì gặp mưa lớn mà chậm trễ so với kỳ hạn. Theo luật nhà Tần lúc bấy giờ, chậm trễ giờ giữ biên đồng nghĩa với án chém. Bị dồn vào bước đường cùng, không còn đường sống, Trần Thắng và Ngô Quảng đã dẫn đầu cuộc khởi nghĩa, châm ngòi cho sự sụp đổ của nhà Tần. Đây chính là minh chứng bi hùng cho hậu quả của việc không để lại dư địa cho người khác.
Việc đẩy người khác vào thế tuyệt vọng không chỉ tàn nhẫn mà còn nguy hiểm cho chính bản thân. Khi bạn chặt đứt đường sống của người khác, bạn cũng đang tự đặt mình vào rủi ro bị phản đòn. Ngược lại, khi bạn biết chừa đường lui cho người khác, bạn cũng đang tạo ra sự an toàn và linh hoạt cho chính mình. Đây là sự khôn ngoan của người biết nhìn xa trông rộng.
Nguyên tắc thứ hai: "Khi người khác phỉ báng ta, thà nhẫn nhịn dung thứ còn hơn tranh biện; khi người khác lăng mạ ta, thà hóa giải còn hơn đề phòng"
Nguyên tắc này chỉ cho chúng ta cách đối mặt với những lời gièm pha, chỉ trích hay sỉ nhục từ người khác. Thay vì phản ứng ngay lập tức bằng cách tranh cãi, biện minh hay tìm cách đề phòng, chúng ta nên học cách dung thứ và hóa giải.
Như Hoằng Nhất Pháp Sư, một cao tăng nổi tiếng, từng dạy: "Vì sao dập tắt phỉ báng? Vì không biện luận. Vì sao chấm dứt oán hận? Vì không tranh giành". Lời dạy này nhấn mạnh rằng, việc tranh cãi hay biện minh thường chỉ làm sự việc leo thang, biến chuyện nhỏ thành chuyện lớn và nuôi dưỡng thêm oán hận. Ngược lại, thái độ im lặng, nhẫn nhịn và lòng khoan dung lại có sức mạnh xoa dịu và hóa giải mâu thuẫn.
Cốt lõi của nguyên tắc này nằm ở chữ "Từ" - lòng từ bi. Khi trong tâm có lòng từ ái, ta sẽ dễ dàng bao dung, tiếp nhận, hóa giải và thậm chí đồng hóa những điều tiêu cực. Hãy nhớ lại hình ảnh người mẹ trong trận động đất Tứ Xuyên, khi sữa cạn đã cắn ngón tay cho con bú máu. Tình mẫu tử thiêng liêng, lòng từ ái vô bờ bến đã giúp bà vượt qua giới hạn của bản năng sinh tồn để hy sinh vì con. Khi một người có thể hy sinh cả sinh mạng vì người khác, thì những lời phỉ báng hay sỉ nhục kia còn đáng gì?
Đối mặt với những lời nói cay nghiệt, thay vì sa vào vòng xoáy tranh cãi, hãy giữ một thái độ tích cực, tìm cách hóa giải hoặc đơn giản là phớt lờ. Quan sát những người thành công và khôn ngoan, bạn sẽ thấy họ thường có khả năng "tự trào" (tự giễu cợt) hoặc khéo léo chuyển hướng câu chuyện khi gặp tình huống khó xử. Khả năng thỏa hiệp, nhường nhịn của họ không phải là yếu đuối hay hèn nhát, mà là biểu hiện của sự tự tin và bản lĩnh thực sự. Họ biết rằng những giá trị đích thực không cần phải liên tục được bảo vệ hay biện minh trước mọi lời chỉ trích. Thời gian sẽ là câu trả lời khách quan nhất.
Sự thân thiện, kiên nhẫn và khả năng bao dung của những người này không phải là sự nịnh hót hay dựa dẫm mà xuất phát từ sự tự tin tuyệt đối vào giá trị của bản thân. Họ tin vào con đường mình đi và không dễ dàng bị lung lay bởi những đánh giá bên ngoài. Nếu chưa thể đạt đến cảnh giới ấy, ít nhất hãy bắt đầu bằng sự nhẫn nhịn.
Hai nguyên tắc này không chỉ là lời khuyên về cách ứng xử trong xã hội mà còn là kim chỉ nam giúp chúng ta xây dựng một tâm hồn vững vàng, an yên. Nắm bắt và thực hành hai nguyên tắc này sẽ giúp bạn tránh được nhiều rắc rối, tích lũy được phúc đức, từ đó mở ra con đường dẫn đến sự thuận đạt và phú quý bền vững trong cuộc đời.
Bích Hậu (Theo 163)
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/nguoi-nam-duoc-2-bi-mat-nay-at-se-dung-tren-dinh-cuoc-song-post1541554.html