Người nghèo được tiếp cận cách thức chăn nuôi mới, thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Người nghèo được tiếp cận cách thức chăn nuôi mới, thay đổi nếp nghĩ, cách làm
2 giờ trướcBài gốc
Tại huyện miền núi biên giới Tây Giang, tổng số hộ nghèo, cận nghèo theo kết quả rà soát năm 2023 là 3.014 hộ. Theo điều tra, có 1.365 hộ không có vốn sản xuất, kinh doanh; 815 hộ không có đất sản xuất; 410 hộ không có công cụ/phương tiện sản xuất; 111 hộ không có kiến thức về sản xuất...
Hiện tỷ lệ hộ nghèo (theo rà soát cuối năm 2023) là 50,61%, tương ứng 2.858 hộ; 156 hộ cận nghèo. Đây là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất toàn tỉnh. Theo chỉ tiêu giao của UBND tỉnh Quảng Nam, năm 2024, huyện cần giảm 324 hộ nghèo.
Cuối tháng 8, Huyện đoàn Tây Giang triển khai mô hình kinh tế tập thể do thanh niên làm chủ (giai đoạn 2) cho 20 hộ thanh niên khó khăn trên địa bàn xã Bha Lêê. Theo đó, Huyện đoàn Tây Giang hỗ trợ 1.500 giống vịt xiêm, cùng 3.000kg bột thức ăn dinh dưỡng cho đàn vịt với tổng trị giá 174 triệu đồng.
Ngoài hỗ trợ con giống, thức ăn, Huyện Đoàn cũng phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn hướng dẫn kiến thức, kỹ năng áp dụng chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm của mô hình kinh tế tập thể do thanh niên làm chủ. Điều này giúp thanh niên có điều kiện tiếp cận công nghệ trong chăn nuôi, phát huy hiệu quả kinh tế tập thể, góp sức vào mục tiêu thoát nghèo.
Trước đó, Huyện đoàn Tây Giang hỗ trợ 1.940 con giống vịt xiêm cho 20 thanh niên chăn nuôi tập trung. Sau thời gian chăm sóc, nhiều hộ đã xuất bán đàn vịt, trở thành địa điểm cung ứng giống và thịt vịt xiêm tại địa phương.
Các mô hình hỗ trợ kinh tế này được triển khai nhằm hỗ trợ các hộ thanh niên khó khăn, đáp ứng tiêu chí phát triển mô hình chăn nuôi bền vững. Đây là một trong số các mô hình được triển khai từ dự án phát triển sản xuất thuộc nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững trên huyện Tây Giang năm 2024.
Bên cạnh sự hoạt động năng nổ của Huyện Đoàn, Phòng LĐ-TB&XH huyện cũng được giao làm chủ đầu tư thực hiện Dự án liên kết chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đẳng sâm 2023-2025 tại các xã: Ch’ơm, Gari, Axan, với 51 hộ nghèo tham gia.
Hội Nông dân huyện có Dự án nuôi heo cỏ địa phương theo chuỗi giá trị gắn giữa sản suất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn xã Atiêng, với 11 hộ tham gia. Dự án nuôi bò sinh sản theo chuỗi giá trị giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn các xã: Bhalêê, Atiêng, Lăng, với 72 hộ tham gia (66 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo, 2 hộ thoát nghèo).
Nhờ được hỗ trợ sinh kế, nhiều hộ phụ nữ thuộc diện nghèo được tiếp cận cách thức chăn nuôi mới, thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện thực hiện Dự án nuôi vịt xiêm theo chuỗi giá trị giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn xã Lăng, với 15 hộ tham gia (14 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo); Dự án nuôi heo cỏ địa phương theo chuỗi giá trị gắn giữa sản suất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn xã Gari và A Xan, với 15 hộ tham gia (11 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo, 3 hộ thoát nghèo).
Để có nguồn lực hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, Hội LHPN huyện Tây Giang đã xây dựng Phương án “Mô hình hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo” giai đoạn 2021 - 2026 và được UBND huyện phê duyệt với tổng kinh phí gần 1,7 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Đến nay, Hội LHPN huyện đã xây dựng được 5 mô hình hỗ trợ lợn giống, ngan sinh sản tại các xã biên giới khó khăn của huyện. Mô hình được triển khai nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Nhờ được hỗ trợ sinh kế, nhiều hộ phụ nữ Cơ tu khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, được tiếp cận cách thức chăn nuôi mới, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế gia đình theo hướng tích cực, từng bước thoát nghèo.
Đơn cử, tại thôn Tưr, xã Dang, từ 24 con giống được hỗ trợ cho 6 hộ hội viên phụ nữ nghèo, đến nay, đàn lợn đã phát triển lên 90 con, trong đó bán ra 50 con lớn, nhỏ, tổng số tiền bán được trên 84 triệu đồng.
Chị Hối Thị Sáu là một trong 6 hộ hưởng lợi từ mô hình Nuôi lợn cỏ địa phương sinh sản, cho biết không chỉ được cấp lợn giống, các chị còn được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, định hướng cách làm chuồng. Vì thế, đàn lợn của gia đình chị Sáu đến nay đã phát triển, có 2 con lợn mẹ đẻ được 20 con. Số tiền có được sau khi bán lợn giúp chị mua thêm thức ăn và nuôi thêm gà, vịt, trồng rau, gia tăng kinh tế gia đình, giúp thoát nghèo bền vững.
Năm nay, tổng các nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo cho huyện Tây Giang là 125,8 tỷ đồng (trong đó: Kế hoạch vốn năm 2022 và 2023 kéo dài sang năm 2024 là 35,6 tỷ đồng và kế hoạch vốn năm 2024 là 90,1 tỷ đồng), bao gồm: Ngân sách Trung ương 110,6 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 13,2 tỷ đồng; ngân sách huyện 1,97 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn phân bổ, huyện đã tập trung thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình. Trong đó riêng đối với các dự án phát triển sản xuất (Dự án 2 và Tiểu dự án 1 của Dự án 3), tính đến tháng 8, huyện Tây Giang đã triển khai thực hiện 31 dự án, tổng kinh phí là 12,8 tỷ đồng.
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/nguoi-ngheo-duoc-tiep-can-cach-thuc-chan-nuoi-moi-thay-doi-nep-nghi-cach-lam-2332618.html