Giấc ngủ của trẻ không chỉ là khoảng thời gian nghỉ ngơi mà còn là lúc hệ thần kinh và cảm xúc non nớt của con dễ chịu ảnh hưởng nhất từ môi trường xung quanh. Theo các chuyên gia tâm lý, người ở bên trẻ vào thời điểm này với các hoạt động như ru ngủ, ôm ấp, dỗ dành,... chính là người tạo nên những lớp nền đầu tiên cho cảm giác an toàn, niềm tin và cách trẻ hình thành mối quan hệ với thế giới.
Việc ai ngủ cùng con tưởng như chỉ là lựa chọn tạm thời trong vài năm đầu đời, nhưng thực tế có thể để lại ảnh hưởng lâu dài tới tâm lý và tính cách. Sự hiện diện hoặc thiếu vắng của cha, mẹ hay người chăm sóc trong những khoảnh khắc thân mật trước khi ngủ sẽ âm thầm ghi dấu lên cách trẻ phản ứng cảm xúc, phát triển nhân cách và cả hành vi xã hội sau này.
Ảnh minh họa/Nguồn: Canva
Sự khác biệt khi trẻ ngủ với ông bà, bố và mẹ như thế nào?
Ngủ với mẹ
Với nhiều trẻ, cảm nhận đầu tiên về thế giới từ mùi hương, giọng nói đến hơi ấm bàn tay đều đến từ mẹ. Là người gần gũi nhất, mẹ thường chăm sóc con suốt cả ngày từ cho ăn, thay tã, chơi cùng và khi đêm xuống, lại là người dỗ con vào giấc ngủ.
Ban đêm là thời điểm trẻ dễ nhạy cảm nhất về mặt cảm xúc. Có bé thao thức không yên, có bé bật khóc vì một điều rất nhỏ và cũng có những bé chỉ ngủ ngon khi được kể chuyện, nắm tay hay ôm ấp.
Lúc này, sự hiện diện dịu dàng và kiên nhẫn của mẹ chính là điểm tựa tinh thần quan trọng. Một cái ôm, một lời vỗ về có thể xoa dịu mọi lo lắng trong trẻ và dần hình thành cảm giác an toàn, tin cậy. Trẻ có thể thổ lộ những điều đã trải qua trong ngày hoặc chỉ cần nằm trong vòng tay mẹ để cảm xúc tiêu cực tự nhiên tan biến.
Dù không chỉ mẹ mới có thể làm điều đó nhưng trong phần lớn gia đình, mẹ vẫn là người nhạy cảm nhất với những thay đổi tinh tế trong tâm trạng của con.
Ngủ cùng ông bà
Trong nhiều gia đình hiện đại, ông bà thường là người hỗ trợ chính trong việc chăm sóc cháu, đặc biệt khi bố mẹ bận rộn. Việc trẻ ngủ cùng ai thường xuyên có thể ảnh hưởng đến mức độ gắn bó tình cảm và thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Tuy nhiên, do chênh lệch thế hệ, ông bà có thể áp dụng một số thói quen chưa phù hợp với nhu cầu phát triển của trẻ. Chẳng hạn, bật đèn khi ngủ vì lo cháu sợ tối hoặc đắp quá nhiều chăn vì sợ lạnh có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Ngoài ra, xu hướng nuông chiều như dỗ trẻ bằng đồ ngọt hoặc cho phép xem hoạt hình quá lâu cũng có thể khiến trẻ khó hình thành kỷ luật ngủ nghỉ và kiểm soát cảm xúc.
Dù vậy, nhiều ông bà hiện nay có khả năng thích nghi tốt, sẵn sàng tiếp cận các phương pháp nuôi dạy hiện đại. Để việc chăm sóc đạt hiệu quả, phụ huynh cần trao đổi rõ ràng với ông bà nhằm thống nhất cách tiếp cận, đảm bảo phù hợp với nhu cầu và sự phát triển của trẻ.
Ngủ với bố
Sự tham gia của người bố vào quá trình chăm sóc con trước giờ đi ngủ ngày càng phổ biến, phản ánh sự thay đổi tích cực trong vai trò nuôi dạy trẻ.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ có bố đồng hành trong quá trình trưởng thành thường tự tin, độc lập hơn. Điều này một phần đến từ cách tiếp cận tương đối lý trí và thoải mái của người bố, không quá nhạy cảm với cảm xúc nhất thời, ít nuông chiều giúp trẻ rèn luyện khả năng kiểm soát bản thân.
Tuy nhiên, mức độ gắn kết này phụ thuộc lớn vào cách bố tương tác cùng con. Có người kể chuyện, trò chuyện, tạo cảm giác được lắng nghe và kết nối; trong khi đó, một số bố lại dành thời gian bên con nhưng bị phân tán bởi thiết bị điện tử, khiến trẻ cảm thấy bị bỏ rơi dù vẫn “có mặt” về mặt thể chất.
Nếu việc cho con đi ngủ chỉ được xem là một nhiệm vụ, sự hiện diện của bố có thể trở nên hời hợt, thậm chí tạo ra khoảng cách cảm xúc. Ngược lại, những ông bố sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và tạo không gian gần gũi trước giờ ngủ sẽ góp phần xây dựng nền tảng tâm lý ổn định và mối quan hệ cha con tích cực hơn.
Ảnh minh họa/Nguồn: Pexels
Trẻ nên ngủ với ai là tốt nhất?
Thực tế, không có một mô hình cố định nào phù hợp cho mọi gia đình. Việc trẻ ngủ với ai không quan trọng bằng sự hiện diện thực sự và phản ứng cảm xúc của người chăm sóc. Đây là hai yếu tố then chốt giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương, từ đó hình thành cảm giác an toàn và định hình các mối quan hệ xã hội sau này.
Trẻ không nhất thiết phải ngủ với mẹ hay bà mà cần có người đồng hành, trò chuyện, chia sẻ và tạo kết nối trước khi ngủ. Ngược lại, những hành động như quát mắng, thúc ép đi ngủ có thể khiến trẻ hình thành tâm lý căng thẳng, lo lắng.
Ngay cả khi thời gian ban ngày bị hạn chế, chỉ một lời chúc ngủ ngon hay cái ôm nhẹ vào buổi tối cũng đủ tạo nên sự gắn bó. Người ngủ cùng trẻ không chỉ là người hiện diện về thể chất, mà còn là người gieo nền tảng tâm lý vững vàng qua từng khoảnh khắc nhỏ bé trước khi ngủ.
Vì vậy, xây dựng thời gian đi ngủ như một không gian kết nối nhẹ nhàng, ấm áp và nhất quán là cách thiết thực để nuôi dưỡng cảm xúc và nhân cách cho trẻ về lâu dài.
Phương Anh