Trẻ IQ cao thể hiện kỹ năng ngôn ngữ sớm
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khả năng ngôn ngữ và chỉ số IQ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Các nhà khoa học từng thực hiện một cuộc khảo sát với 241 trẻ em có chỉ số IQ cao từ 160 - 237+ dựa trên Thang trí tuệ Stanford-Binet. Kết quả chỉ ra hơn 91% trong số đó biết nói sớm, dùng từ vựng phong phú và thường xuyên đặt câu hỏi thông minh.
Một nghiên cứu khác công bố trên tạp chí Intelligence phát hiện trẻ em có điểm IQ cao hơn thường thể hiện kỹ năng ngôn ngữ sớm. Ảnh minh họa
Một nghiên cứu khác công bố trên tạp chí Intelligence phát hiện trẻ em có điểm IQ cao hơn thường thể hiện kỹ năng ngôn ngữ sớm, tò mò và kiên trì trong việc tìm kiếm câu trả lời.
Nếu trẻ thường xuyên đặt câu hỏi, điều đó có nghĩa là trẻ đang trong giai đoạn phát triển não bộ nhanh chóng. Trẻ khao khát kiến thức nên không ngừng đặt câu hỏi. Điều này thúc đẩy chúng phải suy nghĩ liên tục và cho phép các tế bào thần kinh não liên tục thiết lập các kết nối. Do đó, những đứa trẻ này có thể sẽ thông minh hơn trong tương lai.
Theo nghiên cứu, khả năng đặt câu hỏi của trẻ đạt đỉnh vào khoảng 4 tuổi, chúng có thể đặt 100 câu hỏi hoặc hơn mỗi ngày.
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Susan Engel, một nhà tâm lý học phát triển Mỹ, những câu hỏi của trẻ em là một hình thức học tập tích cực, được thúc đẩy bởi sự tò mò hơn là sự hướng dẫn.
Trong trường hợp trẻ thường xuyên đặt câu hỏi, cha mẹ được khuyến khích xác nhận câu hỏi của trẻ và tránh việc bác bỏ hoặc dập tắt chúng. Cần tạo ra môi trường nơi việc đặt câu hỏi được an toàn và coi trọng.
Nhận diện trẻ IQ cao qua sinh hoạt thường ngày
Cha mẹ hoàn toàn có thể nhận ra dấu hiệu trẻ có IQ cao ngay trong sinh hoạt thường ngày, đặc biệt là qua lời nói.
Trẻ có IQ cao thường giàu cảm xúc và biết quan sát. Ảnh minh họa
Dưới đây là những câu nói điển hình thể hiện trí thông minh vượt trội ở trẻ nhỏ.
1. "Tại sao vậy ạ?"
Khi trẻ liên tục hỏi lý do đằng sau sự vật hiện tượng, đó là biểu hiện rõ rệt của tư duy phản biện. Trẻ không chỉ tò mò mà còn chủ động tìm hiểu thế giới theo cách riêng.
2. "Có cần con giúp không ạ?"
Trẻ có IQ cao thường giàu cảm xúc và biết quan sát. Khi chủ động đề nghị giúp đỡ, con đang thể hiện sự nhạy bén và tinh thần trách nhiệm – hai yếu tố quan trọng của trí tuệ cảm xúc (EQ) và trí thông minh (IQ).
3. "Con làm được mà!"
Câu nói thể hiện rõ tinh thần độc lập và dám thử thách. Trẻ dám khẳng định khả năng của mình thường có tư duy mạnh mẽ, ít sợ thất bại và không ngừng học hỏi.
4. "Con cảm ơn!"
Lòng biết ơn là dấu hiệu của sự nhận thức cảm xúc và khả năng giao tiếp tốt. Trẻ biết nói lời cảm ơn từ nhỏ thường có EQ cao và rất dễ thành công trong tương lai.
5. "Cha/mẹ có nghĩ là…"
Đây là cách trẻ tìm kiếm quan điểm từ người lớn – dấu hiệu cho thấy con đang phát triển tư duy lập luận và học cách phân tích vấn đề đa chiều.
6. "Theo con thì…"
Khi trẻ dám bày tỏ ý kiến riêng, điều đó chứng tỏ con đang có sự tự tin, chủ động và khả năng phản biện – những phẩm chất không thể thiếu ở người thông minh.
7. "Con thích…"
Khả năng nhận biết sở thích và nói ra mong muốn là biểu hiện của tư duy định hướng mục tiêu. Trẻ biết mình thích gì thường có cá tính rõ ràng và định hướng phát triển sớm.
8. "Cha/mẹ có ổn không?"
Trẻ quan tâm đến cảm xúc người khác chứng tỏ con có sự nhạy bén và lòng thấu cảm. Đây là yếu tố quan trọng giúp trẻ cân bằng giữa IQ và EQ để thành công toàn diện.
Khả năng ngôn ngữ là "tấm gương" phản chiếu trí thông minh. Nếu con bạn thường xuyên nói những câu trên, rất có thể con đang sở hữu IQ cao vượt mức trung bình. Cha mẹ đừng vội gạt đi hay xem nhẹ, mà hãy tạo điều kiện để trẻ được phát triển tư duy toàn diện, vừa thông minh, vừa giàu cảm xúc.
Một số giải pháp kích thích giúp trẻ có IQ cao
Trẻ càng thường xuyên nói chuyện với cha mẹ, vỏ não càng hoạt động tích cực. Ảnh minh họa
Thể dục thường xuyên
Theo phó giáo sư John Reddy (ĐH Y Harvard) có sự liên kết rõ rệt giữa việc tập thể dục và trí não.
Nghiên cứu thực tế của ông với 19.000 học sinh ở ngoại ô thành phố Chicago, Mỹ cho thấy khi áp dụng chương trình giáo dục thể chất kiểu mới, thành tích học tập của học sinh trong trường được cải thiện đáng kể.
Chơi game trong khoảng thời gian thích hợp
Giáo sư Hồng Lan, nhà khoa học não bộ của Đại học trung ương Đài Loan chỉ ra, game không phải là kẻ thù của học tập, thậm chí chơi trong khoảng thời gian thích hợp lại mang nhiều lợi ích. "Nếu sử dụng đúng cách, game là đối tác của học tập và có lợi cho sự phát triển não bộ ở trẻ".
TS Cheryl Olson, nhà tâm lý học công tác tại trường Y của Đại học Harvard đã viết một báo cáo liên quan đến động lực chơi game của trẻ, được đăng trên tạp chí Review of General Psychology.
Theo Cheryl Olson, trò chơi điện tử có thể giúp trẻ phát triển trí não, dạy trẻ kỹ năng sáng tạo và giải quyết vấn đề. Chơi game còn tạo sân chơi chung cho những đứa trẻ kết bạn, cho phép chúng đi chơi và tạo ra khoảng thời gian mang tính xây dựng, đồng thời cho phép trẻ chia sẻ niềm vui và sự cạnh tranh.
Duy trì thói quen đọc sách
Nhà giáo dục Vasily Sukhomlinsky của Ukraina từng nói: "Cách để trẻ thông minh hơn không phải là học bù đầu hay tăng lượng bài tập về nhà mà là thêm thời gian đọc sách''.
Tạp chí Khoa học và Tâm lý của Mỹ từng công bố kết quả nghiên cứu tháng 1/2012, rằng đọc sách cho trẻ nghe kết hợp với tương tác có thể làm tăng chỉ số IQ của trẻ hơn 6 điểm.
Một khảo sát khác về thói quen của 177 tỷ phú trên thế giới cũng chỉ ra, điểm chung của họ là dành nhiều thời gian đọc sách.
Dành thời gian nói chuyện với con
Các nhà khoa học từ Viện công nghệ Massachusetts, Đại học Harvard và Đại học Pennsylvania, Mỹ đã kết luận: "Trẻ càng thường xuyên nói chuyện với cha mẹ, vỏ não càng hoạt động tích cực".
Theo các nhà khoa học, việc giao tiếp này sẽ giúp trẻ đạt điểm cao trong những bài kiểm tra ngôn ngữ và khả năng hiểu biết.
Tường Vy (t/h)