Những tuyên bố gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc ‘dọn sạch’ Dải Gaza bằng cách di dời người dân Palestine sang Jordan và Ai Cập để phục vụ việc tái thiết đã làm sống lại những câu chuyện cũ về trục xuất người Palestine khỏi quê hương của họ.
Tuy nhiên, lần này, thời điểm đưa ra đề xuất đã làm dấy lên lo ngại đặc biệt do đề xuất gắn liền với sự tàn phá gần như hoàn toàn của Dải Gaza sau 15 tháng chiến tranh, theo tờ The New Arab.
Kế hoạch của Israel về di dời người dân Gaza
Người dân Palestine di chuyển từ phía nam về phía bắc Gaza vào ngày 28-1 trong bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Ảnh: EPA-EFE
Trong suốt cuộc chiến kéo dài hơn 470 ngày tại Dải Gaza, Israel đã tìm cách áp đặt việc di dời vĩnh viễn đối với người Palestine, đặc biệt ở phía bắc Gaza.
Ngay từ đầu chiến dịch quân sự, Israel đã cố gắng thúc đẩy kế hoạch di dời người Palestine sang bán đảo Sinai, thậm chí đưa ra các ưu đãi tài chính, nhưng Ai Cập đã bác bỏ đề xuất này.
Trong thời gian chiến tranh, cũng có các kế hoạch di dời tự nguyện người Palestine, trong đó một số quốc gia châu Phi và châu Âu bị gây áp lực để tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn Palestine.
Tất cả những đề xuất này đều bị phá vỡ sau thỏa thuận ngừng bắn, cho phép hàng loạt người Palestine di tản được trở về nhà ở phía bắc Gaza.
Các đảng cánh hữu trong liên minh cầm quyền Israel, tiêu biểu là cựu Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich, đã thúc đẩy việc tái lập các khu định cư của Israel ở Gaza, dù đây chưa bao giờ là mục tiêu chính thức của cuộc chiến.
Không có gì ngạc nhiên khi các tuyên bố của ông Trump nhận được sự hoan nghênh từ phe cánh hữu ở Israel bởi họ xem đó là cơ hội thực hiện điều mà cuộc tấn công kéo dài 15 tháng chưa đạt được.
Dù lời kêu gọi của ông Trump đã bị Ai Cập và Jordan thẳng thừng bác bỏ ở cả cấp độ chính phủ lẫn dư luận, cũng như vấp phải sự phản đối tuyệt đối từ phía Palestine, nó vẫn mở đường để các kế hoạch di dời được đưa trở lại bàn đàm phán.
Phản ứng của Palestine trước kế hoạch của ông Trump
Người phát ngôn đảng cầm quyền Palestine Fatah - ông Monzer Al-Hayek cho rằng việc khoảng 500.000 người Palestine sơ tán trở về TP Gaza và miền bắc có thể được xem là một lời bác bỏ tuyên bố của ông Trump về việc di dời người dân Gaza.
Trao đổi với The New Arab, ông Al-Hayek nhấn mạnh rằng người Palestine cần đoàn kết để đưa ra quyết định độc lập, không chịu áp lực từ bên ngoài.
“Dù trong hoàn cảnh nào cũng không thể để thảm họa Nakba năm 1948 hay 1967 lặp lại – và vì lý do này, cần có một lập trường chính trị nghiêm túc. Con đường phía trước là trao quyền cho chính phủ Palestine do ông Mohammad Mustafa đứng đầu, vì đây là cơ quan có thẩm quyền hợp pháp để thống nhất Bờ Tây và Gaza” - người phát ngôn nhấn mạnh.
Ông al-Hayek nhấn mạnh sự cần thiết phải “tránh đi theo kế hoạch” của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, bao gồm những đề xuất như Ủy ban Hỗ trợ Cộng đồng và các điều khoản khác mà Chính quyền Palestine đã bác bỏ nhưng Hamas lại chấp nhận trong các cuộc đàm phán tại Ai Cập bởi điều này sẽ chỉ “làm trầm trọng thêm chia rẽ nội bộ”.
Theo ông al-Hayek, chính quyền Palestine “cần được trao quyền, nhận được sự ủng hộ quốc tế để tái thiết Gaza, sau đó tổ chức bầu cử để người dân Palestine tự chọn ra lãnh đạo chính trị”.
Thành viên Ban Chính trị của Hamas - ông Husam Badran, nói rằng người Palestine, đặc biệt là những người ở Gaza, sẽ không bao giờ chấp nhận bị trục xuất. “Cuộc chiến này đã chứng minh rằng mọi phương thức tàn bạo mà lực lượng chiếm đóng sử dụng để áp đặt điều kiện di dời đều không thành công” - ông Badran nói.
“Về mặt quốc gia, cần có một lập trường đoàn kết, rõ ràng và dứt khoát của người Palestine, gửi thông điệp đến tất cả các bên trong khu vực và quốc tế rằng việc thực thi kế hoạch trục xuất là điều không thể” - vị quan chức nhấn mạnh.
Cũng theo ông Badran, cần có một “diễn ngôn dân tộc và một lập trường chung của Palestine” để bảo vệ người dân Palestine khỏi những áp đặt từ bên ngoài, bao gồm cả các âm mưu trục xuất họ khỏi quê hương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói về kế hoạch ‘dọn sạch’ Dải Gaza trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 4-2. Ảnh: THE WASHINGTON POST
Những kế hoạch trục xuất tái diễn
Các đảng cực hữu tại Israel hy vọng ông Trump có thể thuyết phục một số quốc gia Ả Rập, thậm chí cả châu Á, chấp nhận người Palestine sơ tán từ Gaza và Bờ Tây.
Ông Ahmed Al-Tanani, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Ả Rập, cho rằng tuyên bố của ông Trump không phải lần đầu tiên xuất hiện. “Những phát ngôn tương tự từng được đưa ra trước khi ông Trump nhậm chức tổng thống, khi chính quyền của ông được cho là đã thảo luận về việc tái định cư người dân Gaza ra bên ngoài dải đất này như một phần trong kế hoạch tái thiết. Khi đó, Indonesia từng được đề xuất là một quốc gia tạm thời tiếp nhận người Palestine” - ông Al-Tanani nói với The New Arab.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng tuyên bố Gaza có thể trở thành “một nơi tốt hơn” nếu được “tái thiết đúng cách”. Điều này gợi nhớ đến đề xuất của con rể kiêm cựu cố vấn của ông Trump - ông Jared Kushner vào năm ngoái rằng di dời dân thường để tạo không gian cho các dự án đầu tư bất động sản dọc bờ biển Gaza.
Vị chuyên gia nhấn mạnh điều cấp thiết là phải có một kế hoạch khẩn cấp và hiệu quả để tái thiết Gaza, đồng thời phối hợp với các quốc gia Ả Rập, đặc biệt là Ai Cập và Jordan, nhằm xây dựng một lập trường khu vực thống nhất chống lại kế hoạch của ông Trump.
Về mặt chính trị, ông Tanani cho rằng cần “thống nhất các thể chế dân tộc Palestine trên cơ sở bảo vệ sự tồn tại của người Palestine và chống lại những kế hoạch nhằm loại bỏ họ”.
Huy động thế giới Ả Rập
Ông Hussam al-Dajani, GS khoa học chính trị tại ĐH Ummah (Dải Gaza), cho rằng thay vì đẩy khu vực vào một cuộc khủng hoảng leo thang, ông Trump lẽ ra nên chấp nhận lời mời đối thoại từ Hamas và theo đuổi các giải pháp chính trị.
“Việc tái thiết Gaza hoàn toàn có thể diễn ra mà người Palestine vẫn được ở lại trên mảnh đất của họ. Người Palestine sẽ không chấp nhận bị di dời hoặc sơ tán tạm thời với cái cớ tái thiết, nhất là khi thảm kịch Nakba năm 1948 và 1967 vẫn còn hằn sâu trong ký ức của họ” - ông Dajani nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Dajani cho rằng ông Trump sẽ không thể áp đặt kế hoạch này lên người Palestine hay các quốc gia Ả Rập, đặc biệt là Ai Cập và Jordan – hai nước vốn kiên quyết phản đối kế hoạch này và coi đó là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của họ.
Đầu tháng này, Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Qatar, Chính quyền Palestine và Liên đoàn Ả Rập đã ra tuyên bố chung bác bỏ mọi đề xuất trục xuất người Palestine khỏi Gaza và Bờ Tây.
Tuyên bố cảnh báo rằng những kế hoạch như vậy “đe dọa sự ổn định của khu vực, làm gia tăng xung đột và phá hoại triển vọng hòa bình cũng như sự chung sống giữa các dân tộc”.
Ngay sau phát biểu của ông Trump, Saudi Arabia đã nhanh chóng đưa ra phản hồi, tuyên bố sẽ không thiết lập quan hệ với Israel nếu không có một nhà nước Palestine được thành lập.
Những diễn biến này cho thấy người dân Palestine có thể trông chờ vào các nước Ả Rập để ngăn chặn kế hoạch của ông Trump.
THẢO VY