Một trong những sắc lệnh đầu tiên mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ký khi ông vừa nhậm chức là hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok tại Mỹ trong 75 ngày.
Sắc lệnh chỉ đạo Bộ Tư pháp Mỹ không thực thi “Đạo luật Ứng dụng do Đối thủ Nước ngoài Kiểm soát” - đạo luật do quốc hội Mỹ thông qua và được Tổng thống Joe Biden ký vào năm ngoái. Đạo luật này yêu cầu rằng bắt đầu từ ngày 19-1, TikTok phải bị cấm tại Mỹ trừ khi được bán cho người mua từ Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ.
Từ sau khi ký sắc lệnh gia hạn thời gian sống sót của TikTok tại Mỹ, Tổng thống Trump đã đưa ra nhiều đề xuất khác nhau về tương lai TikTok, đặt ra nhiều kịch bản về cách ứng dụng đến từ Trung Quốc có thể tồn tại ở Mỹ trong thời gian tới.
Tương lai TikTok tại Mỹ sẽ được dàn xếp thế nào?. Ảnh: GETTY IMAGES
Nhiều kịch bản cho tương lai TikTok tại Mỹ
Thời gian qua, ông Trump đã đưa ra một loạt các gợi ý, đôi khi trái ngược nhau về tương lai của Tiktok tại Mỹ, theo đài CNBC.
Ngày 19-1, một ngày trước khi nhậm chức, ông Trump đưa ra cam kết sẽ cứu TikTok nhưng nói rằng ông muốn nền tảng này phải có ít nhất một nửa thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Mỹ. “Tôi muốn Mỹ nắm giữ 50% cổ phần trong một liên doanh. Bằng cách này, chúng ta có thể cứu TikTok, đảm bảo nó được quản lý tốt và tiếp tục hoạt động” - ông viết trên Truth Social.
Ông Trump tin rằng sẽ có rất nhiều người muốn sở hữu TikTok và sẽ mở ra “một cuộc chiến đấu giá”. “Chúng ta sẽ thấy rất nhiều người đấu thầu. Mỹ sẽ thực hiện cái mà chúng tôi gọi là liên doanh” - ông Trump nói thêm.
Sang ngày 21-1, ông Trump nói rằng ông có thể để tỉ phú công nghệ Elon Musk - chủ sở hữu nền tảng truyền thông xã hội X và là một cố vấn thân cận của ông - mua lại TikTok tại Mỹ. “Tôi sẽ đồng ý nếu ông ấy muốn mua nó” - ông Trump nói với các phóng viên.
Tổng thống Mỹ cũng nêu tên tập đoàn công nghệ Microsoft như một người mua tiềm năng cho TikTok tại Mỹ. Ông Trump nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo giấy phép của chính phủ Mỹ cho TikTok, nói rằng nếu không có giấy phép này, TikTok về cơ bản là “vô giá trị” tại Mỹ.
Ngày 26-1, Tổng thống Trump nói rằng ông đang đàm phán với nhiều người về việc mua TikTok và có thể sẽ đưa ra quyết định về tương lai của ứng dụng này trong 30 ngày tới. “Tôi đã nói chuyện với nhiều người về TikTok và họ rất quan tâm đến TikTok” - ông Trump nói.
Truyền thông Mỹ khi đó dẫn một số nguồn tin rằng chính quyền ông Trump đang thực hiện một kế hoạch để cứu TikTok, bao gồm việc chỉ định công ty phần mềm Oracle và một nhóm các nhà đầu tư bên ngoài để kiểm soát hiệu quả các hoạt động của TikTok tại Mỹ.
Theo nguồn tin, ByteDance - công ty mẹ của TikTok tại Trung Quốc - sẽ giữ lại cổ phần trong công ty, nhưng việc thu thập dữ liệu và cập nhật phần mềm sẽ được Oracle - công ty đã cung cấp nền tảng cho cơ sở hạ tầng web của TikTok tại Mỹ - đảm nhận.
Trong động thái mới nhất, ngày 3-2, Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh yêu cầu thành lập một quỹ đầu tư quốc gia trong vòng một năm tới và gợi ý rằng quỹ này có thể mua lại một phần TikTok tại Mỹ.
“Có thể chúng tôi sẽ đưa TikTok vào quỹ đầu tư quốc gia, hoặc bất cứ hình thức nào liên quan quỹ này. Hoặc chúng tôi có thể hợp tác với những người rất giàu có. Có nhiều lựa chọn, nhưng TikTok có thể là một ví dụ cho quỹ này” - Tổng thống Trump nói thêm.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho rằng quỹ đầu tư quốc gia là kế hoạch “thú vị” và quỹ này sẽ được thành lập trong vòng 12 tháng tới. Ông Bessent nói thêm rằng lưu ý rằng quỹ này sẽ hướng đến mục tiêu kiếm tiền từ tài sản trong bảng cân đối kế toán của Mỹ và “sử dụng tài sản đó vào mục đích kinh doanh”.
The New York Times dẫn nhận định từ các chuyên gia rằng TikTok hiện nay không còn hấp dẫn với người mua như hồi năm 2020. Nguyên nhân là do các công ty công nghệ đang tập trung cho cuộc đua trí tuệ nhân tạo.
Liệu các kịch bản có khả thi?
Bất chấp việc nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng ở Mỹ, các chuyên gia cho rằng kịch bản Mỹ sử dụng quỹ đầu tư quốc gia để mua lại TikTok vẫn còn nhiều rào cản. Theo các chuyên gia, tính kinh tế của quỹ đầu tư quốc gia khiến nó có thể khó được chấp nhận vì nợ công của Mỹ đang rất lớn, ở mức 36.000 tỉ USD.
Tương lai TikTok tại Mỹ sẽ được dàn xếp thế nào?. Ảnh: GETTY IMAGES
Bà Ruth V. Aguilera - GS kinh doanh tại ĐH Northeastern (Mỹ) - cho rằng các quỹ đầu tư sẽ thích hợp ở cấp tiểu bang, nơi có nguồn ngân sách từ các tài nguyên như dầu mỏ, còn ở cấp liên bang, sẽ rất khó tìm nguồn vốn. “Câu hỏi lớn liên quan đến chính quyền liên bang là, thanh khoản sẽ đến từ đâu?” - bà Aguilera nhận định với đài CNN.
Chính quyền của ông Trump chưa cung cấp thông tin cụ thể về cách quỹ sẽ hoạt động hay nguồn tài trợ cho quỹ này. Tuy nhiên, ông Trump trước đó từng nói quỹ có thể được cấp vốn từ “thuế quan và những biện pháp thông minh khác”.
Trường hợp Mỹ có thể lập quỹ đầu tư quốc gia rồi dùng tiền đó để mua lại TikTok thì quá trình này cũng khó có thể xảy ra trong tương lai gần, trong khi TikTok chỉ còn thời hạn đến tháng 4 để tìm ra giải pháp.
Hơn nữa, việc chính phủ Mỹ mua lại TikTok có thể đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa, bao gồm cách thức quản lý nền tảng này ra sao.
Theo GS Alan Rozenshtein thuộc Trường Luật ĐH Minnesota (Mỹ) - chuyên gia về luật công nghệ, để đáp ứng yêu cầu của “Đạo luật Ứng dụng do Đối thủ Nước ngoài Kiểm soát”, ByteDance không được nắm giữ quá 20% cổ phần TikTok tại Mỹ và “không thể có bất kỳ mối quan hệ vận hành nào giữa TikTok và ByteDance trong tương lai”.
Ông Rozenshtein lưu ý rằng ByteDance sẽ phải chuyển giao toàn bộ quyền kiểm soát thuật toán của TikTok - điều mà cả công ty lẫn chính phủ Trung Quốc trước đây đều tuyên bố phản đối.
Nếu chính phủ Mỹ nắm giữ một lượng lớn cổ phần TikTok, ứng dụng này có thể trở nên “không thể quản lý được” do các quy định của Tu chính án thứ nhất, vốn có thể hạn chế chính phủ trong việc kiểm soát nội dung - hoặc thậm chí trong việc thúc đẩy hay hạn chế một số loại phát ngôn thông qua thuật toán.
“Vấn đề này rất nhanh sẽ trở nên cực kỳ phức tạp” - GS Rozenshtein nhận định.
Bên cạnh đó, ngay cả khi chính phủ Mỹ có thể mua lại toàn bộ hoặc một phần TikTok, cũng không có gì đảm bảo rằng người dùng Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng nền tảng này. Điều này là vì những người dùng TikTok tại Mỹ vốn đã nghi ngờ động cơ của chính phủ trong việc thúc đẩy thương vụ này và cảm thấy bất mãn vì tình trạng bấp bênh kéo dài liên quan đến lệnh cấm. Nếu người dùng rời bỏ TikTok, các nhà quảng cáo cũng có thể làm theo, khiến khoản đầu tư này bị đe dọa.
“Tôi không biết mọi người nghĩ sao, nhưng tôi không nghĩ sẽ có nhiều người muốn sử dụng một nền tảng thuộc sở hữu của chính phủ, rõ ràng bị chính phủ giám sát. Chẳng ai muốn điều đó cả” - một người dùng TikTok nói với CNN.
Về kịch bản doanh nghiệp Mỹ mua lại TikTok, đến nay vẫn chưa rõ người mua nào có thể huy động được hàng chục tỉ USD cần thiết để mua lại nền tảng này. Thế nên, trường hợp liên doanh mua lại TikTok được cho là kịch bản khả dĩ nhất đến lúc này.
TikTok chưa bình luận về các đề xuất của ông Trump.
Ai muốn mua TikTok?
Gần đây, ông Trump đã công khai nhắc đến một số cái tên có thể mua lại TikTok như tỉ phú Elon Musk, tập đoàn Microsoft và Oracle. Trước đó, vào năm 2020, các công ty Microsoft, Oracle và Walmart từng cố gắng mua TikTok nhưng các cuộc đàm phán đã đổ vỡ, theo tờ The New York Times.
Một số bên tiềm năng khác bao gồm ông Jesse Tinsley - nhà sáng lập công ty quản lý tiền lương Employer.com. Ông đã tập hợp một nhóm nhà đầu tư để hiện thực hóa kế hoạch này.
Ngôi sao chương trình “Shark Tank” Kevin O’Leary cũng tham gia vào một đề xuất mua lại TikTok do tỉ phú Frank McCourt dẫn đầu. Nhóm này muốn mua TikTok mà không bao gồm thuật toán gợi ý nội dung của ứng dụng.
Ngôi sao YouTube MrBeast cũng đã thảo luận với “một số nhà đầu tư tiềm năng” để trở thành đối tác chiến lược trong thương vụ này.
Tỉ phú Elon Musk, Microsoft và Oracle chưa bình luận về khả năng mua lại TikTok.
THẢO VY