Máy rửa bát đĩa đã giúp phụ nữ bớt nhọc nhằn trong việc nhà.
Dù không được đào tạo chính quy về kỹ thuật cơ khí nhưng Josephine Garis Cochran, một phụ nữ Mỹ, đã thiết kế, chế tạo máy rửa bát tự động bằng áp suất nước vào những năm 1880, góp phần giải phóng phần lớn công việc nhọc nhằn cho các bà nội trợ.
Ý tưởng sáng tạo
Josephine Garis sinh tại quận Ashtabula, bang Ohio, Mỹ. Cáo phó sau khi bà mất cho biết bà sinh năm 1839, nhưng trên giấy chứng tử lại ghi năm sinh của bà là 1841. Năm 1858, bà kết hôn với William Apperson Cochran và định cư tại Shelbyville, Illinois.
Cái chết của chồng vào năm 1883 khiến bà lâm vào cảnh nợ nần, túng quẫn. Có lẽ quãng thời gian cực nhọc này, bà đã bắt đầu nghĩ về một chiếc máy rửa bát đĩa.
Là con của một kỹ sư xây dựng, Cochran không được học hành về kỹ thuật cơ khí. Mặc dù vậy, nền tảng gia đình có lẽ cũng ảnh hưởng ít nhiều đến bà trong ý tưởng phát minh.
Để chế tạo chiếc máy hỗ trợ cho phụ nữ, bà phải nhờ đến sự giúp đỡ của một thợ máy tên là George Butters. Năm 1886, bà đã nhận được bằng sáng chế đầu tiên cho “máy rửa bát” từ Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ.
Sau đó, Cochran bắt đầu sản xuất đại trà sản phẩm tại nhà máy của riêng mình, với Butters là quản đốc. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1912 với tờ Chicago Record-Herald, bà đã phàn nàn về những vấn đề gặp phải trong quá trình sản xuất ban đầu.
“Tôi không thể khiến những người đàn ông làm theo những gì tôi muốn, cho đến khi họ đã thử và thất bại với cách của riêng họ”, bà nói, “Họ biết tôi không rành về cơ học, nên cứ khăng khăng muốn làm theo ý mình, dựa trên phát minh của tôi, cho đến khi họ nhận ra cách của tôi tốt hơn. Và điều đó thật tốn kém đối với tôi”.
Cochran đã bán sản phẩm của mình thông qua Công ty Máy rửa bát Garis-Cochran của riêng bà. Mặc dù, bà có thể bán nó cho một số hộ gia đình giàu có, nhưng phần lớn các ngôi nhà không có đủ công suất nước nóng cần thiết để chạy máy rửa bát.
Đối với nhiều gia đình, giá của thiết bị có thể là quá đắt. Vì lý do này, Cochran đã bán hầu hết máy rửa bát của mình cho các doanh nghiệp thương mại như nhà hàng và khách sạn.
Trong các cuộc phỏng vấn công khai, Cochran (hay “Cochrane”, như cách bà bắt đầu viết tên mình vào những năm 1890) đã cân nhắc kỹ lưỡng về cách miêu tả bản thân. Theo Irene M.H. Herold, Trưởng khoa Thư viện tại Đại học Cộng đồng Virginia, Cochran là một nhân viên bán hàng thông minh, biết cách tự “lăng xê”, nhưng có bằng chứng cho thấy không phải tất cả những câu chuyện bà kể với báo chí đều là sự thật.
Josephine Garis Cochran và sơ đồ máy rửa bát được cấp bằng sáng chế.
Tiếp thị khéo léo
Khi viết luận văn thạc sĩ về tiểu sử của Cochran, Herold đã lưu ý đến sự vô lý trong một số tuyên bố của Cochran. Chẳng hạn, trả lời cuộc phỏng vấn năm 1912 với tờ Chicago Record-Herald, Cochran cho biết bà đã phát minh ra máy rửa bát sau khi chán ngán với việc nhiều người hầu làm sứt mẻ đồ sứ tinh xảo trong nhà.
Trong khi đó, Herold không tìm thấy người hầu nào được liệt kê tại nhà của Cochran trong cuộc điều tra dân số năm 1870. Ngoài ra, trong cuộc điều tra dân số năm 1880, chỉ có một người được ghi nhận là người hầu và người trọ, ngoài những người họ hàng sống với Cochran. Bài báo cũng xác định chồng bà là một thẩm phán nhưng thực tế ông chỉ làm thư ký tòa án quận.
Ngoài việc quảng bá những câu chuyện nâng cao sự giàu có và địa vị xã hội của mình, Cochran còn tuyên bố, ông nội của bà là nhà phát minh ra tàu hơi nước John Fitch. Mặc dù, bà có một ông cố tên là John Fitch và ông nội tên là Joseph Fitch, nhưng theo Herold chi tiết này không đúng. Tuy nhiên, bà vẫn để báo chí nghĩ rằng đó là sự thật, vì mối liên hệ này có vẻ như là một cách quảng cáo tốt cho doanh nghiệp và sản phẩm của bà.
Theo Herold, không cần những huyền thoại như vậy, Cochran cũng thực sự nổi tiếng với những đóng góp của bà. “Bà là một người phụ nữ đáng chú ý với câu chuyện có thật của mình”, Herold nói, “Bà không chỉ là nhà phát minh, mà còn là nhà sản xuất, nhân viên bán hàng.
Bà giám sát việc lắp đặt và liên tục cải tiến phát minh của mình thông qua nhiều bằng sáng chế. Ngoài ra, bà còn hỗ trợ nhiều người thân về mặt tài chính và sử dụng công việc kinh doanh của mình để giúp họ sau khi chồng bà qua đời”.
Vào năm 1890, Cochran chuyển đến Chicago sinh sống, và ba năm sau, bà đã trưng bày phát minh của mình tại Triển lãm Columbian thế giới, cùng với những nhà phát minh nữ khác. Bà đã giành được giải thưởng cho máy rửa bát và tiếp tục trưng bày tại các hội chợ ở Massachusetts, New York và Missouri. Bà cũng được cấp sáu bằng sáng chế của Hoa Kỳ và hai bằng sáng chế của Anh.
Sau khi Cochran qua đời vào năm 1913 tại Chicago, công ty của bà được chuyển giao và sau đó hợp nhất vào thương hiệu Kitchen Aid, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới cho máy rửa bát đĩa. Cho đến những năm 1950 và 1960, khi hệ thống nước nóng trở nên phổ biến hơn, máy rửa chén bát mới thực sự trở thành thiết bị gia dụng phổ biến trong các hộ gia đình.
Từ phát minh ban đầu của Josephine Cochrane đến những máy rửa bát hiện đại, thiết bị này đã trải qua nhiều cải tiến, trở nên phổ biến và cần thiết trong các gia đình. Tập đoàn Whirlpool - mua lại Kitchen Aid vào những năm 1980 - hiện vẫn ghi nhận những đóng góp của bà cho đến ngày nay.
Theo History
Lê Du