Thành tỷ phú nhờ tiên phong trồng rau hữu cơ

Thành tỷ phú nhờ tiên phong trồng rau hữu cơ
7 giờ trướcBài gốc
Phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chị Đặng Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng, Hà Nội), về vấn đề này.
- Được biết chị là người đi tiên phong trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện Đan Phượng, đã 10 năm nay. Vậy chị có thể chia sẻ, xuất phát từ đâu mà chị bắt tay vào hành trình này?
Trước kia tôi cũng làm nông nghiệp truyền thống. Sau đó tôi đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài để kiếm thêm nguồn thu nhập nhưng sang đấy lại làm ngành nông nghiệp trồng rau. Tôi cảm thấy choáng ngợp và bất ngờ với sản lượng khủng của nước ngoài, mà làm rất đơn giản, tiện lợi lại đảm bảo chất lượng. Hai vợ chồng ở bên đó suốt ngày xem Thời sự, nghe Thủ tướng phát động phong trào dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh các mô hình nông nghiệp công nghệ cao của các vùng quê. Thế nên tôi cố gắng học hỏi về trồng một vườn rau ở trên trang trại mình, thiếu vốn thì đi vay, cố gắng sản xuất ra được thực phẩm sạch để gửi đến bà con. Tất cả các loại rau ăn lá, ăn củ, ăn quả đều có. Sau đó tôi mở rộng thêm diện tích trồng nho mẫu đơn và nho hạ đen cũng rất năng suất và chất lượng.
Rau của gia đình tôi được trồng theo phương pháp "5 không" với dây chuyền hiện đại. Khởi nghiệp từ 3 sào đất, đến nay trang trại hữu cơ của hai vợ chồng đã có tổng diện tích hơn 5,4ha gồm 80 nhà màng, mùa nào thức ấy. Sản lượng bình quân đạt từ 70-80 tấn/năm, giá bán buôn 20-30 nghìn đồng/kg. Mỗi tháng, trang trại xuất ra thị trường 7-8 tấn rau các loại, thu về 200 triệu đồng, hiệu quả gấp 3 lần trồng rau bình thường.
Diện tích rau và cây ăn quả của Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý được che phủ bằng màng kín. Ảnh: Phạm Hòa
- Để có được những vạt rau xanh tốt, an toàn, chắc hẳn là quy trình trồng trọt được gia đình chị xử lý rất kỹ lưỡng?
Khi thu xong rau thì mình phải dọn tất cả phụ phẩm hết ra ngoài, sau đó đốt đất. Đốt vào buổi tối để tiêu diệt bọ nhảy, bọ cánh cùng với đó là khử trùng để diệt nấm. Sau đó mới bỏ phân hữu cơ đã được xử lý vào như phân gà, phân bò ủ, đánh đất lên, gieo hạt xuống, xong đóng cửa lại, bao giờ được thu mới mở cửa ra thu. Trong quá trình không cần phải chăm sóc gì. Không phải phun thuốc cũng không phải bỏ đạm bỏ phân.
Về nguồn nước thì vợ chồng tôi mua 3 quả lọc công nghiệp, mỗi ngày nó lọc ra được khoảng 50-60 khối nước để tiêu dùng và tưới rau. Cũng không bao giờ pha trộn cái gì vào để phun cho rau cả. Nước thì cứ 6 tháng tôi mang đi xét nghiệm một lần.
- Khi nghĩ tới kế hoạch làm trang trại rau hữu cơ, chị có hình dung ra được những khó khăn của con đường mình đi, mình sẽ phải đối diện không?
Mới đầu tôi cũng cảm thấy khó khăn lắm, bởi vì mình làm rau thì ra sản lượng rất nhiều, nhưng bán cho ai? Tôi rất lo lắng. Mở đầu thì đem ra chợ bán, xong cứ ai chê thì tôi tặng luôn. Ai mua tôi bán, ai chê tôi tặng. Người ta bảo là "úi giời, hữu cơ gì mà tốt này, đẹp thế này thì làm sao hữu cơ". Tôi bảo em trồng trong nhà kính, họ cũng không tin. Sau đó mình cứ tặng, tặng nhiều lắm. Đến lúc họ ăn thấy ngon thì tìm vào tận đây, mình chẳng cần phải ra chợ cũng bán hết.
Cái khó nhất là người t la hay trà trộn lẫn lộn trên thị trường giữa rau hữu cơ và rau sản xuất theo các loại hình canh tác khác. Ví dụ ở nước ngoài, người dân rất xem trọng vấn đề này, đi siêu thị một bên rau sạch giá 100 nghìn 1 cân, 1 bên rau bình thường 50 nghìn 1 cân nhưng bên rau giá cao hơn hết sạch rồi người ta cũng không bao giờ quay lại bên mua 50 nghìn.
Hai nữa là quy cách của người ta làm được phân biệt rất rõ ràng. Ví dụ một hợp tác xã này có 10 hộ gia đình làm. 10 hộ là phải 10 cái mác khác nhau, mỗi nhà một sản phẩm khác nhau. Sau khi ra chợ quản lý thực phẩm xét nghiệm nhà ai mà có dư lượng hóa chất thì nhà ý phải chịu 6 tháng không được đưa rau ra thị trường. Chính sách, quy định rất rành mạch, rõ ràng. Thế nhưng ở Việt Nam thì chưa làm được như vậy. Rau thì cũng không có nhãn mác gì cả, cho nên rất là khó, mà người làm thì cũng không được chuẩn lắm. Cứ chạy theo lợi nhuận thì không bao giờ chuẩn được.
Chị Cuối (phải) sẵn sàng chia sẻ lại về kiến thức trồng rau sạch đến với những người có mong muốn sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ.
- Để làm được rau sạch theo hình thức canh tác hữu cơ thì cái cần nhất chính là sự kiên trì, đúng không chị?
Để làm được rau sạch, sự kiên trì cũng rất là cần thiết, nhưng phải cái tâm của con người làm rau sạch. Ví dụ mình không chạy theo lợi nhuận. Như nhà mình đây có con sâu, con bướm nào vào đẻ sâu thì mình sẽ đem khò ga ra mình khò chết tất cả sâu cả rau. Có người người ta tiếc của sẽ không làm được, nhưng mà mình thì nhổ tất. 20 ngày sau lại có một cơ hội, rất là nhanh. Một năm có 12 cơ hội để mình thu rau. Hỏng lứa này có lứa khác, không nhất thiết phải cố để cứu vớt cái luống này. Bởi vì tiền cũng là quan trọng nhưng mà làm chuẩn nó quan trọng hơn, sức khỏe của người tiêu dùng là quan trọng nhất. Có như vậy mình mới tồn tại lâu dài được.
- Sau thời gian dài tham gia quá trình trồng rau sạch thì còn điều gì khiến chị cảm thấy trăn trở?
Trăn trở là tôi đang muốn nếu tôi được cấp quỹ đất khoảng 20-30 năm thì tôi làm những chỗ như là sản xuất nông nghiệp truyền thống để cho các cháu nó đến nó học hỏi. Nghĩa là tôi muốn mở rộng các mô hình du lịch trải nghiệm. Còn ở đây mình cũng giúp đỡ tất cả các trường mẫu giáo, các trường học đến đây trải nghiệm. Điều tôi mong muốn nhất chính là truyền lại, nhân lên tình yêu với nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, giúp cho những người trẻ nhận thức được một cách sớm nhất về vấn đề này. Muốn làm nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, nghĩa là không có kiến thức thì không thể trồng được rau hữu cơ. Khi được tiếp cận sớm họ sẽ thay đổi tư duy về an toàn thực phẩm trong tương lai, như vậy chúng ta mới có thể hy vọng nông nghiệp hữu cơ trên cả nước ngày phát triển mở rộng.
- Xin cảm ơn chị!
PV
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/nu-ty-phu-di-tien-phong-trong-san-xuat-nong-nghiep-huu-co-20241219062029692.htm