Người phụ nữ 43 tuổi, (trú tại Hưng Yên) tiền sử ung thư vú, nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ. Kết quả xét nghiệm cho thấy chị nhiễm viêm gan virus B, với tải lượng virus trong máu cao. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng virus và hỗ trợ chức năng gan, nhưng bệnh không thuyên giảm.
Sau vài ngày, tình trạng bệnh chuyển biến nặng. Bệnh nhân vàng da nhanh, men gan tăng cao, rối loạn đông máu và bắt đầu có dấu hiệu suy giảm ý thức. Kết quả hội chẩn liên khoa xác định chị rơi vào tình trạng hôn mê gan - biến chứng cực kỳ nguy hiểm của suy gan cấp.
Bệnh nhân hồi phục sau lọc máu, thay huyết tương.
“Các chỉ số men gan, Bilirubin tăng gấp hàng chục lần bình thường, bệnh nhân nguy cơ xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não và tử vong rất cao”, bác sĩ Tô Hoàng Dương, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, cho biết.
Ngay sau đó, các bác sĩ thay huyết tương cấp cứu cho bệnh nhân. Tổng cộng bốn lần thay huyết tương được thực hiện, với 12 lít huyết tương khỏe mạnh từ người hiến máu được truyền vào để thay thế huyết tương nhiễm độc.
Thay huyết tương là phương pháp lọc máu hiện đại giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh trong huyết tương và hỗ trợ chức năng gan đang suy yếu, tạo điều kiện cho gan hồi phục.
Sau mỗi lần lọc máu, bệnh nhân cải thiện dần. Ý thức tỉnh táo trở lại, da đỡ vàng, chỉ số men gan và đông máu dần ổn định. Đến nay, chị có thể ăn uống, vận động tại giường và được chuyển về khoa Điều trị theo yêu cầu để tiếp tục theo dõi, điều trị duy trì bằng thuốc kháng virus.
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm do Hepatitis B virus (HBV) gây ra, thường lây qua đường máu, từ mẹ sang con và đường tình dục.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (2021), toàn cầu có khoảng 296 triệu người nhiễm virus viêm gan B mạn tính và khoảng 1,1 triệu người tử vong liên quan đến các bệnh về gan. Việt Nam là một trong những quốc gia có gánh nặng viêm gan virus cao trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Cả nước ghi nhận khoảng 6,6 triệu người mắc viêm gan B.
Viêm gan B được chia thành hai thể, gồm thể ngủ và thể hoạt động. Ở thể ngủ, virus tồn tại trong cơ thể nhưng chưa phá hủy tế bào gan, chỉ số men gan ở mức bình thường. Tuy nhiên, virus có thể tái hoạt động khi sức đề kháng kém, lây lan qua đường máu, đường tình dục hoặc từ mẹ sang con.
Ở thể hoạt động, virus không ngừng sinh sôi, có thể gây viêm gan tối cấp, viêm gan cấp và viêm gan mạn, tiến triển thành xơ gan, ung thư biểu mô tế bào gan... khi không được điều trị đúng.
Như Loan