'Người rừng' ở Bãi Thảo

'Người rừng' ở Bãi Thảo
2 giờ trướcBài gốc
Ông Ngô Văn Ba kiểm tra giống bạch đàn cao sản trước khi đem đi trồng cho một hộ dân
Phủ xanh nhiều núi đồi
Tôi về với núi rừng Chí Linh vào một ngày giữa tháng 4, trời âm u, mưa phùn. Chiếc xe chở tôi tới nhà ông Ba bởi thế cũng trở nên khó đi vì nhà ông nằm ở lưng chừng núi Hố Danh, biệt lập hẳn với khu dân cư gần đó. Xung quanh nhà ông toàn là núi, là cây rừng xanh mướt.
Ông Ba đang cặm cụi sửa mấy chiếc máy cắt cỏ trước sân nhà. Người đàn ông trung niên niềm nở, đưa đôi bàn tay thô ráp bắt lấy tay tôi, nở nụ cười thân thiện như những người thân xa nhau lâu ngày mới gặp. Có lẽ vì nhiều năm gắn bó với núi rừng nên từng cử chỉ, lời nói của ông Ba đều mộc mạc, gần gũi như thiên nhiên vậy.
Gần như ngày nào ông Ba cũng ở trong rừng
"Nghe tin anh lên đây tôi cứ ngóng mãi và chỉ quanh quẩn ở nhà để chờ. Bình thường giờ này tôi đang trong rừng với anh em rồi. Mấy hôm nay trời mưa, chúng tôi phải tranh thủ đẩy nhanh tiến độ dọn, trồng rừng cho bà con", ông Ba nói.
Ngày nào cũng gắn bó với rừng nên ông Ba được bà con khu vực này gọi là "người rừng".
Ông kể đã theo nghề trồng, chăm sóc rừng được gần 20 năm. Công việc chính hằng ngày là nhận khoán trồng, chăm sóc cây rừng cho các đơn vị và các hộ dân có rừng sản xuất. Ở Hải Dương, hầu hết các cánh rừng sản xuất ở Chí Linh, Kinh Môn đều đã in dấu chân ông. Với ông Ba, đây không chỉ là nghề nuôi sống gia đình mà còn là cách gửi gắm tình yêu với mẹ thiên nhiên.
Ông Ba yêu rừng đến mức thuộc từng đường đi lối lại, cảm nhận được mùi hương đặc trưng của một số loài cây, hoa dại lan tỏa trong rừng. Thế nên, ngày nào không vào rừng là ông Ba thấy nhớ, thấy bứt rứt trong người.
Trong sân nhà ông Ba có gần 10 máy cắt cỏ, máy cưa, 11 chiếc xe máy. Cuốc, xẻng thì đếm không xuể. Tôi thắc mắc, ông quay sang đáp: "Nếu chỉ có một mình thì làm sao cần dùng đến nhiều vật dụng thế này. Tôi đang có trong tay cả một đội trồng rừng chuyên nghiệp lên đến vài chục người, gồm cả vợ và 2 con trai. Anh muốn biết về công việc của họ thì đi theo tôi".
Ông Ba chỉ huy đội thợ phát quang dây leo, cây gẫy để chuẩn bị mặt bằng trồng bạch đàn cho diện tích rừng sản xuất của một hộ dân ở xã Bắc An
Tôi theo ông Ba đến cánh rừng sản xuất thuộc khu Miếu Bà, thôn Cổ Mệnh (cùng xã Bắc An) cách nhà ông vài cây số. Đường vào khu này có độ dốc khá lớn, quanh co, đất đá lởm chởm. Ấy vậy mà ông Ba cứ đi phăng phăng. Tôi theo sau mệt bở hơi tai.
Chưa vào tới nơi, tiếng máy cưa, máy cắt cỏ, xen lẫn là tiếng nói cười rôm rả của mọi người đã ập vào tai tôi. Từ dưới chân núi nhìn lên, hàng chục lao động, trong đó có bà Nguyễn Thị Huệ (vợ ông Ba) đang hăng say dọn cỏ dại, dây leo, tạo mặt bằng để chuẩn bị trồng bạch đàn cao sản. Gần 6 ha rừng sản xuất của một hộ dân bị đổ do bão số 3 xảy ra hồi tháng 9 năm ngoái nay mới thuê đội thợ của ông Ba dọn dẹp, trồng lại.
Cây rừng gẫy đổ ngổn ngang, chưa kể dây leo chằng chịt cũng nhiều. Công việc nặng nhọc, làm việc liên tục khiến mồ hôi ai nấy đầm đìa trên mặt, thấm đẫm vai áo. Ông Ba liên tục động viên họ cố gắng. "Anh em làm việc chuyên nghiệp, nhanh lắm. Họ sẵn sàng ăn trưa, nghỉ ngơi luôn trong rừng để bảo đảm tiến độ. Vẫn còn nhiều khu rừng của bà con vẫn đang đợi chúng tôi. Trông thì ngổn ngang vậy thôi chứ vài ba hôm nữa là nơi này sẽ có mặt bằng sạch, đợi mưa to chút nữa cho đất ẩm là đưa cây vào trồng", ông Ba thông tin.
Tôi hỏi ông về chuyện đời và cái duyên với nghề này. Ông Ba im lặng, với cái điếu cày châm lửa rít một hơi thật sâu rồi nhả ra làn khói trắng đặc quánh.
Ông kể, từ khi còn là thanh niên, ông đã phiêu bạt sang Đông Triều (Quảng Ninh) kiếm sống. Ban đầu, ông làm nghề nuôi bò, chăm sóc vườn vải thuê, sau đó chuyển sang làm công nhân cho Lâm trường Đông Triều. Là người năng động, chịu khó làm việc nên ông Ba được lãnh đạo lâm trường quý mến, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trồng, quản lý, chăm sóc rừng. Tình yêu nghề, yêu rừng, trân trọng thiên nhiên cứ thế lớn dần trong ông.
Năm 2009, nhu cầu nguồn nhân lực trồng rừng ở Quảng Ninh khan hiếm. Ông Ba nắm bắt cơ hội, thành lập một đội chuyên đi trồng rừng. Gần 40 lao động từ các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang được ông tuyển dụng và truyền nghề. Trong 5 năm đầu, đội trồng rừng do ông Ba chỉ huy nhận khoán trồng, chăm sóc được bình quân 100 ha rừng/năm. Ông còn ký hợp đồng với Lâm trường Đông Triều nhận khoán duy trì tạo đường băng cản lửa trên 70 km.
Ông Ba trực tiếp hướng dẫn thợ trồng rừng
Nhìn về Bắc Giang và quê nhà Hải Dương, ông nhận thấy phong trào trồng rừng sản xuất cũng bắt đầu phát triển. Năm 2013, ông chuyển một phần đội thợ của mình về TP Chí Linh, huyện Lục Nam (Bắc Giang) nhận làm thuê cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu. Đội trồng rừng của ông làm việc chuyên nghiệp nên dần được nhiều đơn vị, chủ hộ có rừng sản xuất ở nhiều nơi tin tưởng.
Giống như mọi năm, năm nay, đội của ông Ba nhận khoán trồng khoảng 50 – 60 ha rừng sản xuất cho các hộ dân. Đội còn đang nhận chăm sóc cho 130 ha rừng của 3 doanh nghiệp tại các huyện Sóc Sơn (Hà Nội), Tiên Yên, Ba Chẽ (Quảng Ninh), Kinh Môn, TP Chí Linh. Công việc nhiều, ông Ba tuyển thêm lao động từ các tỉnh vùng cao.
Tận tâm, trách nhiệm
Công việc vất vả nhưng đội thợ của ông Ba lúc nào cũng cảm thấy thoải mái vì làm việc có ích với thiên nhiên. Trong ảnh: Anh Thào A Lù ở Lào Cai tham gia đội trồng rừng của ông Ba
Câu chuyện giữa chúng tôi bị gián đoạn bởi một cơn mưa nhỏ cuối ngày. Ngước mắt lên trời, ông Ba trải lòng: "Nghề này cứ thấy mưa là quý như vàng. Mưa thì cây trồng xuống mới sống và lên xanh tốt được. Những ngày không mưa chỉ đi dọn mặt bằng, rồi chăm sóc cây đã trồng".
Tôi cùng ông Ba đi qua một số cánh rừng hiện vẫn tiêu điều, xác xơ sau bão số 3. Mắt ông đau đáu rồi thốt lên: "Xót xa lắm. Có lẽ phải mất nhiều năm nữa, những lá phổi của thiên nhiên kia mới lại hồi phục được".
Từ cuối năm ngoái đến nay, khu vực xã Bắc An, phường Văn Đức xảy ra một số điểm cháy rừng. Mỗi lần nghe tin có đám cháy rừng xảy ra, kể cả ban đêm, ông đều huy động hết đội thợ, người nhà tới tham gia hỗ trợ dập lửa. Với ông Ba, đây không chỉ là trách nhiệm của công dân mà còn vì tình yêu với thiên nhiên và "không muốn rừng bị tổn thương thêm nữa".
Trên đường đi, ông Ba ghé thăm một số hộ đã và đang chuẩn bị trồng rừng sản xuất. Anh Nguyễn Đình Phong ở thôn Cổ Mệnh đang chuẩn bị trồng mấy ha bạch đàn cao sản thông tin: "Đội của anh Ba trồng rừng nhanh lắm, lại tận tâm. Gần 10 năm nay, năm nào gia đình tôi cũng tin tưởng thuê đội của anh ấy".
Ngoại trừ những thiệt hại do bão số 3 gây ra, còn lại ông Ba khá hài lòng vì công việc của mình những năm qua đã mang lại nhiều niềm vui cho các gia đình có rừng sản xuất. Ông nhẩm tính, mỗi ha rừng sau 3,5 năm đến 5 năm trồng thường sẽ mang lại cho bà con khoảng 150 triệu đồng, trừ chi phí lãi 100 triệu đồng. Các lao động theo ông đều có việc làm, thu nhập ổn định lo cho cuộc sống.
Ông Ba đã dày công nghiên cứu, phối hợp đưa những giống cây phù hợp về để bà con có diện tích rừng sản xuất trồng hiệu quả. Trong ảnh: "Người rừng" Ngô Văn Ba cùng con trai thăm dọn, chăm sóc khu rừng sản xuất của gia đình
Nhưng để có được thành quả trên, ông Ba cũng mất nhiều thời gian nghiên cứu, đưa về cho bà con những giống cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai núi rừng quê hương như: bạch đàn cao sản C39, C3329, keo lai hạt, keo ghép cành... Những kỹ thuật trồng, chăm bón tốt nhất nhằm giúp cây phát triển khỏe, chống đổ khi gặp mưa to, gió lớn cũng được ông dày công tìm hiểu rồi hướng dẫn đội thợ và bà con.
Ông Ba nhấn mạnh: "Tôi luôn đề cao sự an toàn lên trên hết. Từ lúc dọn rừng đến khi trồng, chăm sóc, thu hoạch, tôi đều giám sát, yêu cầu đội thợ và tuyên truyền, hướng dẫn bà con phải tạo đường băng cản lửa. Có như vậy mới giảm được thấp nhất thiệt hại nếu xảy ra cháy".
Anh Ngô Văn Hùng (con trai thứ của ông Ba) gây dựng cơ sở cung cấp cây rừng, cây phân tán cho thị trường Hải Dương và một số tỉnh, thành phố lân cận
Về tới nhà, ông Ba cùng người con trai thứ Ngô Văn Hùng dẫn tôi ra thăm khu rừng của gia đình. Ông cũng đang nhận khoán 5 ha rừng phòng hộ, 3 ha rừng sản xuất. Tất cả đều cơ bản trụ vững sau bão số 3, giờ đang lên xanh tốt.
Anh Ngô Văn Hùng, con trai ông Ba, nói: "Chúng tôi luôn ghi nhớ câu bố vẫn thường hay nhắn nhủ: rừng là nhà, rừng là quê hương".
TIẾN MẠNH - VĂN TUẤN
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/nguoi-rung-o-bai-thao-409448.html