NGƯỜI SÊ-TIÊNG Ở ĐỒNG NAI
(Báo Bình Phước, ngày 12-11-1997)
Ngọc Ba
Tôi đến xứ Đồng Nai thuộc huyện Bù Đăng vào một buổi xế chiều. Đáng lý ra trời nắng, đường khô ráo thì đến sớm hơn, đằng này trời mưa, đường khó đi làm chiếc xe Uwoat của chúng tôi bị sa lầy. Những người đi trên xe phải hì hục đẩy xe mới vượt qua chặng đường gian nan ấy, hai bên đường là những cánh rừng bị cháy loang lổ để lại các thân cây nằm ngổn ngang và tôi tưởng như nơi đây vừa mới bị một trận bom tàn phá. Xa hơn nữa, tôi nhìn thấy những lùm cây ở vạt nương có người đứng lên, khom xuống theo nhịp điệu, động tác của người dân Sê-tiêng đang dọn nương phát rẫy.
Đồng bào Sê-tiêng sống bằng nghề gì? Tôi hỏi anh Phạm Xuân Thành, Chủ tịch UBND xã. Anh nói: Toàn xã có gần 400 hộ, 1.721 khẩu với 4 dân tộc đang sinh sống: Kinh, Mơ-nông, Châu Mạ, Sê-tiêng. Đông nhất là dân tộc bản xứ Sê-tiêng. Các dân tộc khác thì phần lớn mới di cư tự do vào sinh cơ lập nghiệp. Ở đây diện tích lúa nước rất ít. Đồng bào sống chủ yếu nghề trồng ngô, tỉa lúa và một số cây trồng khác trên những diện tích rừng khai phá. Một số phải đi hái măng, lấy củi để đổi gạo. Măng đầu mùa còn được 1.500 đồng đến 2.000 đồng/kg, thời măng lên rộ thì chỉ được 500 đồng đến 700 đồng/kg tươi. Những năm trước đây, nhân dân trong xã Đồng Nai thực hiện trồng cây mì bởi vì giá mì tương đối dễ thở hơn, công việc làm lại nhẹ hơn so với các công việc khác cả về công sức và vốn đầu tư, nên ai cũng cố gắng tranh thủ, người nào có lao động nhiều thì trồng nhiều, lao động ít thì trồng ít. Đùng một cái, giá mì hạ thấp, nếu như bỏ công ra để thu hoạch đem bán thì lỗ, vì vậy không ai muốn thu hoạch. Nhiều hộ khóc đứng, khóc ngồi, người đói nghèo lại càng nghèo thêm. Còn trông chờ vào cây điều để thu hoạch giải quyết cuộc sống thì cả một chu kỳ của sự phát triển. Năm nào mưa thuận gió hòa thì bà con còn tươi vui đôi chút, còn mất mùa như năm nay thì chẳng còn gì để hy vọng.
Tiếp xúc với ông Điểu Giang, là một đảng viên vừa được cấp ủy tín nhiệm bầu vào chi ủy và là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã. Ông nói giọng lơ lớ tôi nghe tiếng được, tiếng mất nhưng hàm ý của câu nói phần nào tôi đã hiểu được khi mình làm cán bộ mà để dân đói khổ thì mình thấy khó chịu. Chứng tỏ mình chưa làm tròn trách nhiệm của một người đảng viên. Sắp về chiều, ông cố ý mời tôi dùng cơm cho vui với gia đình và để thể hiện lòng mến khách của người Sê-tiêng. Ban đầu tôi thầm nghĩ, chắc làm cán bộ như ông sẽ sung sướng hơn dân. Nhưng không, hoàn cảnh kinh tế của ông cũng như mọi người.
Ông nói thêm về lịch sử của xã Đồng Nai, trong chiến tranh chống giặc Pháp, giặc Mỹ, người dân Đồng Nai chịu cực, chịu khổ đóng góp nhiều của cải cho cách mạng không những lúa gạo mà cả về con người. Cán bộ mình có lúc bị thương, bị bệnh, nhân dân chăm sóc, nuôi dưỡng để làm thế nào đánh thắng giặc đem lại tự do cho nhân dân. Với thành quả ấy, Đảng bộ và nhân dân xã Đồng Nai được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý là xã “Anh hùng lực lượng vũ trang”.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển chung của đất nước, thì Đồng Nai anh hùng cũng có hướng chuyển mình đi lên nhưng mới ở giai đoạn đầu so với thời kỳ trước, nhân dân có nhiều nhà xây, nhà gỗ chắc, có xe máy, có ti vi. Nhưng nạn đói cơm, bệnh tật vẫn là nỗi lo lớn của không ít người dân trong xã. Hiện nay, có nhiều gia đình phải chạy ăn từng bữa. Đã vậy, bệnh sốt rét lại luôn rình rập mỗi gia đình và tình trạng trẻ em thất học khá phổ biến. Tình trạng thiếu trường, thiếu thầy vào mỗi năm học cứ lặp đi, lặp lại. Đội ngũ giáo viên ở đây vừa thiếu lại vừa yếu, có nhiều người chưa được qua đào tạo sư phạm dù là ngắn hạn mà vẫn phải cứ đứng trên bục giảng. Đường sá đi lại còn lắm gian nan. Cứ mỗi lần mưa là mỗi lần lầy lội, sạt lở, ảnh hưởng lớn đến việc giao lưu, phát triển kinh tế của xã. Điện thắp sáng vẫn còn là niềm mơ ước của nhân dân, ngọn đèn dầu vẫn đeo bám họ từ bao đời nay chưa được xóa bỏ. Nhân dân xã Đồng Nai còn những trăn trở và nỗi lo là toàn bộ diện tích đất bà con đang sản xuất, làm nhà, trồng cây công nghiệp đều là của lâm trường. Người dân muốn đầu tư phát triển sản xuất để xóa đói giảm nghèo nhưng đất đai lại không có. Hơn nữa, mức độ đầu tư các dự án, vốn vay của các tổ chức đoàn thể hoặc ngân hàng phục vụ người nghèo đối với xã còn quá ít ỏi.
Rời Đồng Nai anh hùng mà lòng tôi se lại. Bao giờ người dân Sê-tiêng ở xã được ăn no, mặc ấm? Và câu hỏi ấy cứ trăn trở mãi trong tôi.