Gieo khát vọng đổi thay từ nắm bắt khoa học
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất thuộc xã Phúc Sen (nay là xã Quảng Uyên), gia đình ông Chì cũng như nhiều hộ trong xóm, khó khăn, thiếu nước, sống dựa vào trồng cây ngô, củ khoai trên diện tích 1.800 m², trong đó hơn 1.000 m2 là đất dốc dưới chân núi đá, nước tưới khan hiếm..., vì thế suốt những năm qua gia đình luôn sống trong nghèo khó.
Từ năm 2018, cùng với sự phát triển khoa học công nghệ, nông dân trong xóm được tham gia tập huấn kỹ thuật nông nghiệp của địa phương, được nghe đài, đọc báo, xem ti vi tiếp cận thông tin mới về thị trường, các mô hình nông nghiệp hữu cơ, khoa học công nghệ… đã tạo động lực cho ông Chì quyết tâm tự đổi mới mô hình sản xuất của gia đình với ý tưởng táo bạo: làm nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn - mô hình mà ông gọi là “tận dụng triệt để thiên nhiên, nhưng không làm tổn thương đất mẹ”.
Mô hình đất ít - tư duy lớn
Ông Chì bắt tay vào thực hiện mô hình nông nghiệp tổng hợp, tuần hoàn. Không ồ ạt, không vội vàng, ông chia nhỏ từng khâu: trồng cây gì, nuôi con gì, chuồng trại làm ra sao, tận dụng phân thế nào, nước lấy từ đâu... Tất cả đều được ông ghi chép, tính toán kỹ lưỡng. Làm nông giờ không thể theo phương thức cũ, lạc hậu được. Phải học, phải tìm hiểu, phải đổi mới nếu muốn đi “đường dài”, ông cười hiền nói với chúng tôi mà như nói với chính mình. Xây dựng mô hình xong, ông mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển trang trại.
Trên diện tích đất không quá lớn (chỉ 1.800 m²), ông Chì quy hoạch thành một mô hình nông nghiệp tuần hoàn có thể gọi là mẫu mực ở vùng cao. Hơn 1.000 m2 đất dưới chân núi đá không có nước, ông tính trồng 3 loại cây leo giàn: trồng cây bí nếp vỏ xanh, lòng vàng vào mùa xuân hạ; trồng cây bí xanh vào mùa hè thu và mùa đông trồng su su lấy quả. 3 cây giàn leo này sinh trưởng ưa đất ẩm dưới chân núi, không cần tưới nhiều nước. Đầu tư hệ thống cột bê tông và khung sắt kiên cố làm giàn cho cả 3 loại cây và xây bể chứa nước mưa để tưới cho các hốc bí. Phía dưới giàn quả bí nếp, bí xanh, su su mát có độ ẩm cao, ông tận dụng trồng cây khoai lang lấy củ. Hơn 800 m2 đất ruộng sẽ trồng ngô 2 vụ để làm thức ăn chăn nuôi lợn và nuôi nhím. Khu chuồng trại được bố trí xa nguồn nước, vệ sinh sạch sẽ, quy mô nuôi khoảng trên 20 con lợn thịt và hơn 20 con nhím - loài động vật được thị trường ưa chuộng vì giá trị dinh dưỡng và đặc tính đặc sản.
Ông Phùng Văn Chì, xóm Quốc Tuấn, xã Quảng Uyên chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc giàn bí tổng hợp theo phương pháp hữu cơ.
Cả gia đình 4 lao động, gồm hai vợ chồng ông và vợ chồng con trai cả đồng lòng bắt tay vào lao động sản xuất theo quy trình khoa học. Đàn lợn thịt hơn 20 con/2 lứa/năm và 20 con nhím dùng thức ăn từ tận dụng ngô, khoai, chuối, bí, su su làm thức ăn nên không mắc dịch bệnh, chất lượng thịt rất ngon được thương lái đặt hàng thường xuyên. Phân lợn và nhím được ủ men vi sinh, biến thành nguồn phân hữu cơ quý giá cho rau màu. Toàn bộ quy trình chăn nuôi và trồng rau màu của ông được khép kín: không hóa chất, không thuốc trừ sâu, không phụ thuộc vào bên ngoài. Mỗi năm, ông trồng luân phiên 3 vụ bí, su su, ngô, khoai, cho sản lượng hơn 20 tấn sản phẩm rau củ đều đặn theo mùa vụ. Xuất chuồng trên 40 con lợn thịt/năm (gần 3 tấn lợn hơi).
Chăm chỉ, kiên trì triển khai mô hình hữu cơ, chăm bón cây tốt, làm giàn chắc chắn nên cây khỏe, quả sai, vỏ bóng đẹp, độ ngọt tự nhiên cao, sản phẩm rau quả của ông Chì không chỉ được thương lái trong tỉnh tìm đến mà cả các hệ thống siêu thị, đầu mối thu mua từ thành phố: Hải Phòng, Hà Nội... đặt mua theo mùa vụ. Trung bình, tổng thu nhập từ mô hình chăn nuôi và rau màu hữu cơ của gia đình ông đạt 400 - 500 triệu đồng/năm, đây là con số ấn tượng đối với một nông dân vùng cao.
Lan tỏa sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong cộng đồng
Không giữ bí quyết riêng, ông Chì chia sẻ kinh nghiệm cho bà con lối xóm. Ban đầu chỉ vài hộ học theo cách làm chuồng trại, giàn trồng bí, đến nay cả xóm Quốc Tuấn có hơn 20 hộ áp dụng mô hình của ông theo các cấp độ khác nhau. Chị Lăng Thị Mai, một hộ từng thuộc diện nghèo chia sẻ: Tôi học ông cách trồng bí nếp, bí xanh, su su leo giàn và cách ủ phân, rồi từng bước làm theo. Từ năm 2022 đến nay, gia đình tôi mỗi vụ bán hơn 10 tấn sản phẩm, thương lái đến tận nơi thu mua.
Không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo, mô hình của ông Chì đã tạo ra một cộng đồng sản xuất an toàn - nơi mọi người cùng hỗ trợ kỹ thuật, cùng chia sẻ đầu ra, cùng tuân thủ quy trình sản xuất sạch. Tinh thần hợp tác và đổi mới ấy đang lan tỏa nhiều xóm, người dân trước kia chỉ trồng lúa, trồng ngô đơn lẻ, giờ đang học cách làm giàn, làm chuồng, ủ phân hữu cơ, tăng giá trị gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa, ngô.
Truyền cảm hứng sản phẩm OCOP chất lượng cao
Hiện nay, mô hình trồng rau màu hữu cơ của ông Chì và bà con trong xóm được UBND xã Quảng Uyên quan tâm, động viên bà con duy trì, nâng cao chất lượng để hỗ trợ đạt tiêu chuẩn và đăng ký sản phẩm OCOP. Đây sẽ là bàn đạp để phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp an toàn, tạo niềm tin lớn với người tiêu dùng. Chủ tịch UBND xã Quảng Uyên Hoàng Thị Hiếu nhận xét: Ông Chì là một trong những nông dân điển hình tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ, có mô hình kinh tế tổng hợp hiệu quả nhất xã. Không chỉ làm giàu cho mình, ông còn giúp cả cộng đồng thay đổi cách nghĩ, cách làm.
Mô hình sản xuất hữu cơ của ông Chì có sức lan tỏa ngoài tỉnh, nhiều sinh viên ngành nông nghiệp từ Hà Nội, Thái Nguyên đến tìm hiểu thực tế. Ông sẵn sàng đưa từng người đi dạo quanh khu vườn, giải thích từng công đoạn từ chăn nuôi, trồng trọt đến xử lý phân hữu cơ, quản lý nước, giống... “Tôi mong nhiều người làm nông không sợ đổi mới. Làm nông giờ không chỉ là cày cấy mà là một nghề thực thụ, có thể giàu nếu làm đúng cách, góp phần bảo vệ môi trường nếu biết tiết chế và tuần hoàn” - ông Chì cho biết.
Với những thành quả trong lao động, sản xuất, năm 2024, ông Phùng Văn Chì được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm cho nông dân nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững. Đó là sự ghi nhận xứng đáng cho một người nông dân luôn nỗ lực vượt khó, mở hướng đi mới làm giàu cho quê hương.
Đồng chí Linh Quang Hải, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Quảng Uyên: Từ mảnh đất khô cằn dưới chân núi đá, ông Phùng Văn Chì đã chứng minh một chân lý giản dị: Đất không phụ trí tuệ, sức lao động con người. Mỗi giàn bí, ruộng ngô, khoai, đàn lợn, đàn nhím nuôi hữu cơ là kết quả của những đêm trăn trở, những mùa vụ cần mẫn và một trái tim luôn tin vào giá trị khoa học, tâm huyết lao động, đổi mới. Ông không phải là người “nói chuyện phát triển” bằng khẩu hiệu, mà bằng chính những gì ông gieo trồng mỗi ngày. Từ một nông dân nghèo, ông đã vươn lên thành người truyền cảm hứng cho cả một cộng đồng, thắp lên tinh thần đổi mới cho nông dân vùng miền núi khó khăn cùng vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Trường Hà