Priscilla Chan, vợ Mark Zuckerberg và là đồng sáng lập tổ chức từ thiện Chan Zuckerberg Initiative (CZI) của hai vợ chồng, đã chia sẻ về sức hút của các cụm GPU (bộ xử lý đồ họa) khổng lồ với các nhà nghiên cứu sinh học trong một tập podcast Core Memory do Ashlee Vance thực hiện. Ashlee Vance là nhà báo công nghệ nổi tiếng từng viết tiểu sử Elon Musk và nhiều lãnh đạo khác.
GPU là chip mà các nhà nghiên cứu sử dụng để xây dựng, huấn luyện và vận hành các mô hình AI nền tảng và các sản phẩm liên quan.
“Một điều mà các nhà nghiên cứu rất quan tâm là khả năng tiếp cận GPU. Bạn sẽ không thể khai thác hết tiềm năng của ai đó nếu không thực sự có GPU để họ làm việc”, Priscilla Chan (40 tuổi) nhấn mạnh.
Priscilla Chan cho biết: “Chúng tôi có điều đó tại Chan Zuckerberg Initiative”, đồng thời nói thêm rằng tổ chức từ thiện tư nhân này hiện sở hữu khoảng 1.000 GPU trong cụm điện toán của mình và có kế hoạch tiếp tục mở rộng.
Tóm lại, lời mời gọi từ vợ Mark Zuckerberg là: “Hãy đến làm việc với Chan Zuckerberg Initiative vì chúng tôi có sức mạnh điện toán để hỗ trợ nghiên cứu mà bạn muốn thực hiện”.
“Chế độ đãi ngộ rất quan trọng”
Một yếu tố quan trọng khác là chế độ đãi ngộ - điều mà cô thừa nhận là “rõ ràng rất quan trọng”, nhưng cũng nói thêm rằng: “Chúng tôi không thể cạnh tranh với các hãng công nghệ về khoản này”.
Những năm gần đây, Chan Zuckerberg Initiative đã thu hẹp sứ mệnh của mình để tập trung vào giai đoạn tiếp theo với một “bản sắc rõ ràng và táo bạo hơn, đặt khoa học lên hàng đầu”. Đây là một bước chuyển hướng chiến lược, vì trước đây tổ chức này còn hỗ trợ giáo dục và các lĩnh vực khác.
“Dù Chan Zuckerberg Initiative vẫn cam kết với công việc trong lĩnh vực giáo dục và cộng đồng địa phương, chúng tôi nhận ra rằng khoa học là lĩnh vực mà tổ chức đã và sẽ tiếp tục đầu tư lớn nhất”, Priscilla Chan, vốn là một bác sĩ nhi khoa, viết trong bản ghi nhớ gửi nhân viên năm ngoái.
Mark Zuckerberg và Priscilla Chan đều cho rằng GPU rất quan trọng để thu hút nhân tài - Ảnh: Reuters
Không riêng Priscilla Chan, chồng cô là Mark Zuckerberg (Giám đốc điều hành Meta Platforms) cũng từng nhấn mạnh tầm quan trọng của GPU trong việc thu hút nhân tài, trong một tập gần đây của chương trình TITV do trang The Information thực hiện.
TITV là nơi các phóng viên và biên tập viên của The Information phỏng vấn những nhân vật nổi bật trong ngành, gồm các giám đốc điều hành, nhà đầu tư mạo hiểm, chuyên gia công nghệ và nhà nghiên cứu AI.
Meta Platforms đang chi hàng tỉ USD để xây dựng một bộ phận AI mới là Superintelligence Labs, tập trung phát triển siêu trí tuệ cá nhân cho mọi người.
Ngoài tiền lương thưởng, những nhân tài AI mà ông từng trò chuyện còn quan tâm đến hai điều khác, theo Mark Zuckerberg.
“Trước đây, khi tôi tuyển người cho các bộ phận khác nhau trong công ty, họ thường hỏi: ‘Phạm vi công việc của tôi sẽ như thế nào?’. Còn bây giờ, nhiều người nói: ‘Tôi muốn số lượng người báo cáo cho tôi (cấp dưới - PV) càng ít càng tốt và càng nhiều GPU càng tốt”, Mark Zuckerberg chia sẻ trong một tập của chương trình TITV do trang The Information thực hiện.
Tất nhiên, Meta Platforms sở hữu nhiều GPU hơn Chan Zuckerberg Initiative rất nhiều. Mark Zuckerberg cho biết đến cuối năm 2025, công ty sẽ có 1,3 triệu GPU phục vụ cho AI.
“Về cơ bản, việc sở hữu lượng tài nguyên điện toán lớn nhất cho mỗi nhà nghiên cứu AI rõ ràng là một lợi thế chiến lược, không chỉ để thực hiện công việc mà còn thu hút những người giỏi nhất”, Mark Zuckerberg nhấn mạnh.
Với dòng GPU H100 nổi đình nổi đám khi cuộc đua AI bắt đầu hồi năm 2023, Nvidia được xem là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực này và đã bán ra các dòng chip mạnh mẽ hơn kể từ đó.
Những lãnh đạo công ty khác đang tuyển dụng nhân tài trong lĩnh vực AI cũng xác nhận xu hướng này.
Aravind Srinivas, Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp Perplexity, từng kể lại chuyện ông cố lôi kéo một nhà nghiên cứu AI từ Meta Platforms nhưng bị từ chối thẳng thừng. “Khi nào anh có 10.000 GPU H100 thì quay lại gặp tôi!”, người này nói, theo Aravind Srinivas.
“Bạn phải đưa ra mức đãi ngộ cực kỳ hấp dẫn kèm với khả năng tiếp cận tức thì vào năng lực điện toán. Chúng ta không nói đến vài cụm máy nhỏ lẻ ở đây”, Aravind Srinivas cho hay.
Aravind Srinivas từng bị một nhà nghiên cứu AI từ Meta Platforms từ chối thẳng thừng vì Perplexity thiếu GPU - Ảnh: Getty Images
Hiện các hãng công nghệ lớn lẫn công ty khởi nghiệp AI đều đang tranh giành những nhân tài giỏi nhất, trong đó Meta Platforms, Google và OpenAI sẵn sàng chi trả các gói lương thưởng lên đến hàng triệu USD.
“Át chủ bài” của Meta Platforms
Nếu vị trí cấp cao và quyền tiếp cận tài nguyên điện toán khổng lồ vẫn chưa đủ để thu hút nhân tài thì Meta Platforms vẫn còn “át chủ bài” là tiền bạc.
Meta Platforms đã chi 14,3 tỉ USD để mua 49% cổ phần của Scale AI, công ty khởi nghiệp gán nhãn dữ liệu nổi tiếng do doanh nhân Alexandr Wang (28 tuổi) đồng sáng lập.
Alexandr Wang đã gia nhập Meta Platforms với vai trò Giám đốc AI tại Meta Platforms như một phần của thỏa thuận này và cùng Nat Friedman (cựu giám đốc điều hành GitHub) dẫn dắt bộ phận mới mang tên Superintelligence Labs - tập trung xây dựng "siêu trí tuệ cá nhân cho mọi người".
Meta Platforms đưa ra đề nghị lương thưởng cực kỳ cao cho các thành viên mới của Superintelligence Labs, gồm cả gói hơn 200 triệu USD cho kỹ sư xuất sắc từ Apple.
Trang Bloomberg đưa tin Meta Platforms đã tuyển dụng Ruoming Pang, kỹ sư từng đứng đầu nhóm mô hình AI của Apple, bằng gói lương thưởng hơn 200 triệu USD trong vài năm.
Tại Apple, Ruoming Pang từng dẫn dắt một nhóm khoảng 100 người, chịu trách nhiệm về các mô hình ngôn ngữ lớn của công ty – nền tảng cho Apple Intelligence và các tính năng AI khác trên thiết bị của hãng.
Apple không cố gắng cạnh tranh với Meta Platforms để giữ chân Ruoming Pang bằng mức đãi ngộ đó, vì con số này vượt xa mức lương thưởng phổ biến tại hãng sản xuất iPhone, ngoại trừ Giám đốc điều hành Tim Cook.
Ruoming Pang gia nhập bộ phận Superintelligence Labs của Meta Platforms với gói đãi ngộ hơn 200 triệu USD - Ảnh: Internet
Gói đãi ngộ này tương đương các vụ tuyển dụng lớn khác của Meta Platforms cho Superintelligence Labs, theo các nguồn tin của Bloomberg.
Từ góc độ thuần túy về số liệu, đội ngũ Meta Superintelligence Labs đang sở hữu mức đãi ngộ thuộc hàng cao nhất giới doanh nghiệp, thậm chí còn hơn cả vị trí giám đốc điều hành tại các ngân hàng lớn trên thế giới. Thế nhưng, phần lớn số tiền này được gắn với các mục tiêu hiệu suất và chỉ được giải ngân trong nhiều năm gắn bó, nghĩa là những nhân tài AI mới sẽ không nhận được toàn bộ số tiền nếu rời Meta Platforms sớm hoặc nếu cổ phiếu công ty tăng trưởng không tốt.
Gói đãi ngộ cho các thành viên Meta Superintelligence Labs gồm lương cơ bản, tiền thưởng khi ký hợp đồng và cổ phiếu công ty, trong đó cổ phiếu là phần có giá trị lớn nhất. Lương và tiền thưởng khi gia nhập Meta Platforms thường là các khoản thanh toán đáng kể. Trong trường hợp ứng viên phải từ bỏ lượng lớn cổ phần tại công ty khởi nghiệp đang làm để gia nhập Meta Platforms, tiền thưởng khi ký hợp đồng có thể cao hơn để bù đắp cho khoản bị mất đó.
Về phần thưởng cổ phiếu, Meta Platforms có xu hướng ghi trong hợp đồng rằng các khoản thanh toán được gắn với các chỉ số cụ thể như cổ phiếu công ty tăng ít nhất tỷ lệ phần trăm nhất định trong một năm nào đó, theo Bloomberg. Trong nhiều trường hợp, các nhân viên mới đồng ý ký hợp đồng với công ty mẹ Facebook dài hơn cả lịch trình 4 năm - khoảng thời gian phổ biến để được nhận đầy đủ phần thưởng cổ phiếu.
Các chi tiết mới về cấu trúc gói lương thưởng được Bloomberg tiết lộ sau khi Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI) gây sốc cho Thung lũng Silicon khi mô tả về cuộc chiến tranh giành nhân tài AI với Meta Platforms trên podcast Uncapped hồi tháng trước.
Sam Altman cho biết Meta Platforms đã đề nghị nhân viên của OpenAI tiền thưởng khi ký hợp đồng lên tới 100 triệu USD, cùng các gói đãi ngộ thậm chí còn lớn hơn, để gia nhập đội ngũ Superintelligence Labs. Doanh nhân 40 tuổi người Mỹ gọi đây là điều “điên rồ”.
Bất chấp những nhận xét của Sam Altman, Mark Zuckerberg đã tuyển dụng thành công hơn 10 nhà nghiên cứu AI kỳ cựu từ OpenAI, cùng các kỹ sư và chuyên gia hàng đầu từ Anthropic, Google, Apple và các công ty khởi nghiệp khác.
Trong số này, ít nhất 7 nhà nghiên cứu AI đến từ Trung Quốc, từng tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng ở nước này (Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Chiết Giang, Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc), sau đó tiếp tục theo đuổi các chương trình học và sự nghiệp tại Mỹ. Cụ thể là Bi Shuchao, Chang Huiwen, Lin Ji, Ren Hongyu, Sun Pei, Yu Jiahui và Zhao Shengjia.
Chi hàng trăm tỉ USD cho các trung tâm dữ liệu AI khổng lồ
Mark Zuckerberg cho biết Meta Platforms sẽ chi hàng trăm tỉ USD để xây dựng nhiều trung tâm dữ liệu AI khổng lồ nhằm phục vụ mục tiêu phát triển siêu trí tuệ.
Trung tâm dữ liệu đầu tiên có công suất đa gigawatt của Meta Platforms, mang tên Prometheus, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2026. Một trung tâm dữ liệu khác của công ty mang tên Hyperion sẽ có khả năng mở rộng lên tới 5 gigawatt những năm tới, Mark Zuckerberg chia sẻ trong một bài đăng trên nền tảng mạng xã hội Threads của ông.
“Chúng tôi cũng đang xây dựng thêm nhiều cụm siêu máy tính Titan khác. Chỉ riêng một cụm trong số đó đã chiếm diện tích đáng kể tương đương với một phần của Manhattan”, tỷ phú 40 tuổi người Mỹ tiết lộ.
Manhattan là 1 trong 5 quận của thành phố New York, Mỹ. Đây là quận có mật độ dân số đông nhất và là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa của New York, thậm chí được coi là một trong những trung tâm tài chính và văn hóa hàng đầu thế giới.
Ông cũng trích dẫn một bản tin từ trang SemiAnalysis, trong đó đề cập rằng Meta Platforms đang trên đà trở thành phòng thí nghiệm AI đầu tiên đưa vào vận hành siêu cụm máy tính có công suất hơn 1 gigawatt.
Mark Zuckerberg nhấn mạnh rằng sức mạnh cốt lõi từ mảng kinh doanh quảng cáo của Meta Platforms là cơ sở vững chắc để công ty thực hiện các khoản đầu tư khổng lồ, giữa lúc các nhà đầu tư đang lo ngại về việc chi tiêu lớn liệu có đem lại hiệu quả.
“Chúng tôi có nguồn vốn từ hoạt động kinh doanh để làm điều này”, ông tuyên bố.
Sơn Vân