Người 'thổi luồng gió mới' cho Làng nghề dệt chiếu Định Yên

Người 'thổi luồng gió mới' cho Làng nghề dệt chiếu Định Yên
4 giờ trướcBài gốc
ĐTO - Thấy cảnh người dân Làng nghề dệt chiếu Định Yên (xã Lai Vung) phải nhọc công dệt chiếu bằng tay tốn nhiều công sức, mà năng suất thấp, anh Phan Văn Tuấn Anh (SN 1988) ngụ xã Lai Vung quyết tâm tìm hiểu để nghiên cứu, chế tạo ra máy dệt chiếu phù hợp với làng nghề.
Nhờ chiếc máy dệt chiếu do anh Phan Văn Tuấn Anh chế tạo, thợ dệt chiếu ở Làng chiếu Định Yên (xã Lai Vung) tiết kiệm được nhiều thời gian sản xuất
Sinh ra trong gia đình theo nghề dệt chiếu truyền thống, từ nhỏ, Phan Văn Tuấn Anh đã được làm quen với những sợi lác, chỉ dệt và tiếng khung dệt. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên Tuấn Anh chọn học nghề điện ở TP Cần Thơ. Đến năm 2005, Tuấn Anh về quê nối nghiệp ba mẹ theo nghề dệt chiếu.
Tuấn Anh cho biết, lúc trước, gia đình chủ yếu sản xuất chiếu theo kiểu thủ công. Sau đó, gia đình sắm 1 máy dệt chiếu nhưng sản xuất không đảm bảo nhu cầu thị trường. Đến mỗi dịp lễ, Tết, lượng chiếu phải sản xuất nhiều, máy dệt hoạt động quá công suất nên bị hư hỏng thường xuyên. Mỗi lần bị hư hỏng, Tuấn Anh tự nghiên cứu, mày mò sửa chữa để máy tiếp tục hoạt động. Từ từ quen dần, nghề dạy nghề, nên khi máy móc trong gia đình và người dân xung quanh có hư hao thì Tuấn Anh cũng biết cách khắc phục, không phụ thuộc vào thợ máy bên ngoài.
Tuy nhiên, máy dệt chiếu khi đưa vào sử dụng chưa thể phát huy tối đa công suất, chưa phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương. Từ đó, Tuấn Anh bắt đầu suy nghĩ, cải tiến một vài tính năng, vị trí trên máy sao cho đạt công suất tối đa, phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Thời gian đầu, việc sửa chữa máy gặp nhiều khó khăn nhưng qua những lần tham quan, học hỏi kinh nghiệm, quan sát kỹ lưỡng cách làm của những người thợ chuyên nghiệp và trao đổi trực tiếp những vấn đề chưa rõ giúp anh mạnh dạn trong việc chế tạo ra chiếc máy cho riêng mình.
Sau quá trình thực hiện, cải tiến, chiếc máy dệt chiếu đầu tiên đã hoàn thành, phục vụ được nhu cầu sản xuất của gia đình. Dần dần, Tuấn Anh tạo ra nhiều máy để giúp bà con làng nghề dệt chiếu tiếp cận tốt với máy móc, nâng cao năng suất. Với những tính năng ưu việt đó, bà con đã tin tưởng, đặt hàng nhiều hơn.
Tuy nhiên, sản phẩm chiếu làm ra có mẫu mã chưa đẹp như mong muốn. Sau nhiều lần cải tiến, sản phẩm máy dệt chiếu dần đáp ứng được khoảng 95% nhu cầu người sử dụng. Đến nay, anh Phan Văn Tuấn Anh đã sáng chế ra hơn 1.000 chiếc máy dệt chiếu để phục vụ nhu cầu sản xuất cho bà con dệt chiếu trong và ngoài tỉnh.
Anh Phan Văn Tuấn Anh cho biết: “Từ việc chế tạo thành công chiếc máy này đã giúp tăng năng suất sản xuất gấp 5 lần so với phương thức cũ, giúp sản phẩm tăng lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, tôi còn sáng chế thành công máy dệt chiếu in hoa văn trên sản phẩm, nhằm phục vụ tốt nhu cầu thị trường”.
Đến nay, cơ sở sản xuất của anh Phan Văn Tuấn Anh tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Không chỉ đơn thuần là nối nghiệp cha mẹ, những người trẻ như anh Tuấn Anh còn “thổi luồng gió mới” vào nghề dệt chiếu bằng việc tìm tòi, học hỏi cải tiến mẫu mã, hoa văn để phù hợp hơn với thị hiếu hiện đại và ứng dụng công nghệ vào một số khâu sản xuất để tăng năng suất...
Nhật Nam
Nguồn Đồng Tháp : https://baodongthap.vn/kinh-te/nguoi-thoi-luong-gio-moi-cho-lang-nghe-det-chieu-dinh-yen-132744.aspx