Người tiên phong kiến tạo mô hình giáo dục

Người tiên phong kiến tạo mô hình giáo dục
9 giờ trướcBài gốc
Giáo sư Cao Văn Phường trong Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Trường Đại học Bình Dương. Ảnh tư liệu
Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Cao Văn Phường - sinh năm 1940 tại huyện Thới Bình (Cà Mau) được xem là người tiên phong kiến tạo những mô hình mới, đặc biệt là việc khai phá cho giáo dục mở phát triển trong giai đoạn hội nhập, phát triển kinh tế.
Thoát ly gia đình từ năm 12 tuổi
Sinh ra trong một gia đình nông dân giàu truyền thống cách mạng tại vùng đất Cà Mau kiên cường, ông Cao Văn Phường sớm thể hiện tinh thần yêu nước và ý chí vượt khó. Năm 12 tuổi, ông thoát ly gia đình, tham gia quân đội và trở thành liên lạc viên của Văn phòng Bộ Tư lệnh Khu 9.
“Trong cuộc đời làm việc 25 năm ở ngành Giáo dục, tôi đã từng làm việc với rất nhiều người tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng thật tình tôi chưa từng thấy ở nơi đâu có thể gặp được một người vừa thông minh, lịch thiệp, thân thiện cởi mở, lại luôn nhiệt tình khao khát làm việc như ông”, Tiến sĩ W. Gibson, Phó Hiệu trưởng Đại học Capilano (Canada) nhận xét về GS Cao Văn Phường.
Sau Hiệp định Genève (1954), đất nước tạm thời chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Mang trong mình khát vọng học tập, lập thân, lập nghiệp để đóng góp cho quê hương, đất nước, chàng thiếu niên Cao Văn Phường đã cùng hàng vạn thanh thiếu niên miền Nam rời xa gia đình, tập kết ra Bắc.
Hành trình ấy không chỉ là sự hy sinh tuổi trẻ, mà còn là minh chứng cho lòng kiên định với lý tưởng cách mạng, đồng thời đặt nền móng cho quá trình bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trí thức, phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến thiết đất nước sau này.
“Cuộc chia tay của những người đi tập kết tại Vàm sông Ông Đốc, Cà Mau năm đó thắm đẫm nước mắt. Những người ra đi vẫy tay tạm biệt người thân, bạn bè, quê hương bằng hai ngón tay giơ lên hàm ý 2 năm sẽ gặp lại. Thế nhưng, chuyến đi đó lại kéo dài đến 20 năm sau.
Trong khoảng thời gian này, tôi may mắn được học tập tại các trường trong và ngoài nước, được đến với các viện nghiên cứu ở nước ngoài, nhất là các nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển. Tôi luôn ý thức không ngừng nỗ lực học tập với khát vọng trở về và cống hiến cho công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước”, Giáo sư Cao Văn Phường bùi ngùi chia sẻ.
Sau khi theo học tại Trường Công Nông, năm 1961, ông Cao Văn Phường được cử sang Liên Xô học ngành Toán Cơ tại Trường Đại học Tổng hợp mang tên Lênin. Năm 1967, ông tốt nghiệp đại học và trở về nước, được phân công làm chuyên viên Ban Cơ học thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước.
Năm 1975, ông được cử đi Ba Lan làm nghiên cứu sinh và đã bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ. Đến năm 1987, ông tiếp tục bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học tại Ba Lan.
Năm 1988, ông được bầu làm Thành ủy viên TP Cần Thơ. Hai năm sau, vào năm 1990, ông nhận nhiệm vụ Viện trưởng Viện Đào tạo mở rộng. Sau đó, ông trở thành Hiệu trưởng và là một trong những thành viên sáng lập Trường Đại học Mở - Bán công TPHCM, được thành lập trên cơ sở nâng cấp Viện Đào tạo mở rộng.
Giai đoạn 1995 - 2000, ông Cao Văn Phường giữ cương vị Ủy viên Thường trực Hội đồng Quản trị Trường Đại học Mở - Bán công Thành phố Hồ Chí Minh. Hơn 15 năm sau đó, ông đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương.
Năm 2009, ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Kỹ sư Liên bang Nga A.M. Prokhorov; đồng thời giữ chức Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Trưởng ban Điều hành Câu lạc bộ Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập.
Giáo sư Cao Văn Phường trao nhà tình nghĩa và thăm tặng quà các gia đình liệt sĩ tại huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh tư liệu
Tiên phong kiến tạo mô hình giáo dục mới
Xây dựng một nền giáo dục độc lập, tiến bộ, toàn diện theo hướng hiện đại và nhân văn, lấy mục tiêu phục vụ Tổ quốc và nhân dân làm nền tảng là một trong những nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục.
Sinh thời, Bác Hồ từng bày tỏ khát vọng lớn lao: “Đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, đồng thời khẳng định rõ ràng quan điểm: “Giáo dục là của mọi người, vì mọi người, cho mọi người”.
Thấm nhuần, kế thừa và phát huy những giá trị tư tưởng lớn lao ấy, Giáo sư Cao Văn Phường luôn trăn trở, tìm tòi, học hỏi và vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn giáo dục Việt Nam, bằng chính hành trình trải nghiệm và cống hiến trong suốt cuộc đời mình.
Với quyết tâm đổi mới, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và không ngại khó khăn, Giáo sư Cao Văn Phường đã kiến tạo nên nhiều mô hình giáo dục mới mang tính tiên phong cho đất nước.
Trong suốt thời gian công tác tại Viện Đại học Cần Thơ, trong bối cảnh miền Nam vừa được giải phóng, điều kiện còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất bị tàn phá nặng nề do chiến tranh, hầu như không có kinh phí để đầu tư xây dựng mới, ông vẫn nỗ lực không ngừng.
Bằng đôi bàn tay trắng, ông đã thành lập Khoa Cơ khí Nông nghiệp đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Năm 1979, ông là người tiên phong tham mưu với lãnh đạo nhà trường thành lập Khoa Tại chức, nhằm phục vụ nhu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ cấp cơ sở tại các địa phương. Bởi lẽ, phần lớn cán bộ lúc bấy giờ là những người từ chiến khu trở về, chưa đủ điều kiện để theo học hệ tập trung.
Đây được xem là bước đột phá chưa từng có trong nền giáo dục đại học nước nhà thời điểm đó. Việc mở rộng hệ tại chức của Đại học Cần Thơ đã tạo ra một hướng đi mới, có ý nghĩa chiến lược trong công tác đào tạo tại chỗ cho các địa phương; đồng thời đặt nền móng cho việc hình thành các trung tâm giáo dục thường xuyên tại nhiều tỉnh, thành, mở đường đưa giáo dục đại học đến tận những vùng quê xa xôi của đất nước.
Giai đoạn 1990 - 1993 đánh dấu sự thành công rõ nét của giáo dục mở khi Giáo sư Cao Văn Phường được lãnh đạo Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng cơ sở giáo dục đại học với hai thử nghiệm quan trọng: Giáo dục mở và mô hình đại học tự hạch toán. Sau ba năm triển khai, vào ngày 26/7/1993, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt việc thành lập Trường Đại học Mở - Bán công TPHCM.
Ông Trương Minh Hoàng, một cán bộ về hưu ở Cà Mau, chia sẻ rằng thời điểm đó, hầu hết các huyện của tỉnh Cà Mau, vào mỗi sáng sớm, đều có hệ thống loa truyền thanh và đài phát thanh phát sóng chương trình đào tạo từ xa ngành Quản trị Kinh doanh của Đại học Mở - Bán công TPHCM, do Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM phát sóng.
“Anh em chúng tôi thời đó đều chăm chú theo dõi chương trình đào tạo từ xa trên đài. Qua chương trình này, chúng tôi dần hiểu hơn về nền kinh tế thị trường. Không thể nói khác rằng chương trình đào tạo Quản trị Kinh doanh của Trường Đại học Mở - Bán công khi đó đã chuẩn bị một cách thiết thực nguồn nhân lực cho đất nước hòa nhập vào nền kinh tế thị trường trong những năm tiếp theo”, ông Hoàng nhận định.
Trong khoảng thời gian công tác tại Trường Đại học Bình Dương (giai đoạn 2001 - 2017), với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị - Hiệu trưởng, Giáo sư Cao Văn Phường cũng có những đóng góp quan trọng, góp phần đưa Trường Đại học Bình Dương ngày càng phát triển mạnh mẽ.
“Triết lý giáo dục Học - Hỏi - Hiểu - Hành mà Giáo sư Cao Văn Phường xây dựng đã trở thành niềm tự hào của biết bao thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên. Nó đã mở ra hành trình kiến tạo tương lai cho chính mình trong một nền giáo dục mở, với tinh thần tự học.
Không những thế, triết lý này còn định hướng xây dựng chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đồng thời đào tạo sinh viên Bình Dương trở thành những con người nhân cách trước khi thành danh”, Giáo sư, Tiến sĩ Cao Việt Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương chia sẻ.
Giáo sư Cao Văn Phường chào mừng ông Lê Thành Ân - Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM đến thăm Trường Đại học Bình Dương vào năm 2012. Ảnh tư liệu
Trọn nghĩa với quê hương
Không chỉ hết lòng vì lý tưởng của Đảng, vì sự nghiệp giáo dục, tận tâm với nghề, Giáo sư Cao Văn Phường còn sống trọn vẹn với nghĩa tình quê hương. Trong suốt thời gian công tác cũng như khi đã nghỉ hưu, ông luôn dành thời gian quay về những vùng quê nghèo khó để chia sẻ khó khăn với người dân địa phương.
Một phần trong những đóng góp của ông là thông qua việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các công trình phúc lợi như cầu, trường học, nhà tình thương và nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Nhiều người dân xã Trí Phải (Thới Bình, Cà Mau) vẫn nhớ mãi, vào năm 2010, Trường Đại học Bình Dương dưới sự lãnh đạo của Giáo sư Cao Văn Phường đã hỗ trợ địa phương xây dựng cây cầu bắc qua Kênh Xáng Chắc Băng. Cây cầu, dài 136m, rộng 3,5m, tải trọng 5 tấn, được khánh thành vào ngày 10/12 cùng năm và được đặt tên là cầu Thầy.
Đối với người dân nơi đây, việc có một cây cầu bắc qua kênh là niềm mơ ước, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đi học mà không phải lụy đò, đồng thời giúp người dân hai bờ kênh giao lưu, mua bán dễ dàng hơn.
Cũng trong ngày 10/12/2010, Trường Đại học Bình Dương đã tổ chức khánh thành Trường Mẫu giáo Bạch Dương tại thị trấn U Minh (huyện U Minh), thêm một minh chứng cho sự đóng góp không ngừng của giáo sư đối với cộng đồng.
Vào năm 2008, theo đề nghị của lãnh đạo tỉnh Cà Mau, Giáo sư Cao Văn Phường cùng Hội đồng quản trị Trường Đại học Bình Dương đã quyết định đầu tư xây dựng Phân hiệu Đại học Bình Dương tại thành phố Cà Mau.
Ông Sergey Aleksandovich - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Belarus trao đổi với Giáo sư Cao Văn Phường về những vấn đề phát triển giáo dục giữa Đại học Bình Dương và Belarus (năm 2013).
Với tâm huyết và tình yêu quê hương, ông đã trực tiếp chỉ đạo và theo dõi công tác xây dựng. Đến tháng 12/2010, Phân hiệu Trường Đại học Bình Dương đã hoàn thành và được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cấp phép hoạt động. Đây là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên được phép thành lập tại Cà Mau.
Những việc làm cao cả này không chỉ làm sáng lên phẩm chất của một nhà giáo mộc mạc, chân thành, mà còn thể hiện đạo đức cách mạng sáng ngời của người đảng viên mẫu mực, luôn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hành trình xây dựng đất nước ngày càng phát triển.
Theo Giáo sư Cao Văn Phường, nếu các trường đại học truyền thống vận hành theo một quy trình khép kín từ công tác tuyển sinh, đào tạo, thí nghiệm, đi thực tế, thực hành với sự hướng dẫn trực tiếp của giảng viên, cùng với việc tổ chức thi kiểm tra, xét lên lớp, thi tốt nghiệp được hành chính hóa chặt chẽ, thì với đại học mở, người học ghi danh tự do và có thể chọn hình thức học tập linh hoạt. Người học có thể đến lớp, học qua tài liệu sách vở, qua phát thanh, cầu truyền hình, đào tạo trực tuyến hoặc qua mạng Internet.
Quá trình học tập được sàng lọc liên tục, và chỉ những người đạt đủ yêu cầu tiêu chuẩn theo quy định mới được nhận bằng tốt nghiệp. Đây chính là sự khác biệt rõ nét nhất giữa phương pháp và cách làm của đại học mở, đồng thời thể hiện tính ưu việt trong việc nâng cao tinh thần tự học, nghiên cứu và hoàn thiện bản thân của mỗi cá nhân, tạo động lực để xây dựng một xã hội học tập.
Quách Mến
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/nguoi-tien-phong-kien-tao-mo-hinh-giao-duc-post728671.html