Người tiêu dùng cần làm gì để tránh hàng giả?

Người tiêu dùng cần làm gì để tránh hàng giả?
6 giờ trướcBài gốc
Trong báo cáo mới phát hành, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, sản phẩm giả kém chất lượng còn đem đến rủi ro cho người tiêu dùng, làm giảm niềm tin vào toàn ngành. Các tác động này đặc biệt nghiêm trọng đối với những sản phẩm thiết yếu như thực phẩm, đồ uống, dược mỹ phẩm hay hàng tiêu dùng.
Tuy nhiên, thói quen mua hàng giả của một bộ phận người tiêu dùng đang cổ xúy cho một vòng xoáy xuống cấp, nơi các đơn vị sản xuất hàng nhái lấn chiếm thị phần của các doanh nghiệp chân chính, tạo ra một nền kinh tế méo mó, dung túng cho hành động phi pháp.
“Điều này khuyến khích ra đời các chuỗi cung ứng hàng giả tinh vi với quy mô lớn, làm sản sinh ra những mặt hàng không chỉ kém chất lượng, mà còn tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe. Đây là một xu hướng mà chúng ta cần phải tìm mọi cách đảo ngược.
Doanh nghiệp phải trả phí để được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và mất phí khởi kiện nếu bị đạo nhái, trong khi đó hàng giả lại thỏa sức tung hoành tạo ra cạnh tranh không công bằng” - Tiến sĩ Hùng nhận định.
Theo vị chuyên gia Đại học RMIT, ngoài việc thường xuyên cập nhật thông tin về hàng giả trên thị trường và ưu tiên mua hàng từ các nguồn hàng uy tín, người tiêu dùng cần tăng cường hiểu biết về các phương pháp chống hàng giả mà các doanh nghiệp đang ứng dụng.
“Người tiêu dùng cần tạo thói quen dùng điện thoại thông minh của mình để truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ mã QR, chip gắn liền hoặc thủy vân số in trên sản phẩm, đồng thời nên sử dụng hàng hóa của các doanh nghiệp cung cấp thông tin nguồn gốc sản phẩm minh bạch, có kiểm chứng” - Tiến sĩ Hùng khuyến nghị.
Ở góc độ khác, Hiệp hội người tiêu dùng Úc có khuyến nghị, để bảo vệ mình trước hàng giả, người tiêu dùng cần kiểm tra các chi tiết trên bao bì sản phẩm sẽ giúp phát hiện hàng giả.
Hàng chính hãng thường có bao bì chất lượng cao, chắc chắn, màu sắc, logo và phông chữ rõ ràng, sắc nét. Hàng giả thường có bao bì lỏng lẻo, in ấn kém chất lượng, màu sắc nhạt nhòa hoặc lệch lạc, thậm chí có thể có lỗi chính tả hoặc ngữ pháp.
Kiểm tra các dấu niêm phong, tem chống giả (hologram), mã QR code, hoặc mã vạch. Nhiều thương hiệu cung cấp các ứng dụng hoặc trang web để người tiêu dùng có thể quét mã, nhập số seri để xác minh tính xác thực của sản phẩm. Nếu không có, hoặc mã bị mờ, không quét được, hãy cẩn trọng.
Luôn ưu tiên mua sản phẩm từ cửa hàng bán lẻ được ủy quyền, trang web chính thức của thương hiệu, hoặc các nhà phân phối có uy tín. Tránh các trang web không rõ nguồn gốc, quảng cáo trên mạng xã hội từ những nhà cung cấp lạ.
Nắm rõ đặc điểm nhận dạng của hàng chính hãng trên website của thương hiệu. Một số thương hiệu lớn còn cung cấp hướng dẫn nhận biết hàng thật chi tiết.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Cảnh Lam, Đại học RMIT Việt Nam, các doanh nghiệp cũng phải nâng năng lực bảo vệ mình trước hàng giả thông qua tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng xây dựng các ứng dụng chia sẻ thông tin chuỗi cung ứng dựa trên công nghệ blockchain có thể giúp doanh nghiệp chống lại hàng giả.
Ví dụ trên mỗi bao gạo, người dùng có thể dùng điện thoại để quét mã QR và tự kiểm tra thông tin về nguồn gốc xuất xứ cũng như thông tin kho vận được lưu trên ứng dụng của nhà sản xuất sử dụng công nghệ blockchain.
Blockchain có ưu điểm rõ rệt so với công nghệ lưu trữ tập trung truyền thống, nơi thông tin có thể bị doanh nghiệp thao túng hay chỉnh sửa, khiến người dùng mất đi sự tin tưởng với những thông tin mà họ đọc được.
“Công nghệ blockchain cung cấp một phương pháp bảo mật để theo dõi và xác minh tính xác thực của sản phẩm, đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu và khả năng truy xuất nguồn gốc, khiến hàng giả khó xâm nhập vào chuỗi cung ứng” - Tiến sĩ Lam nói.
PHƯƠNG MINH
Nguồn PLO : https://plo.vn/nguoi-tieu-dung-can-lam-gi-de-tranh-hang-gia-post859594.html