Người tiêu dùng Mỹ 'chi trước, lo sau': Rủi ro nợ nần gia tăng

Người tiêu dùng Mỹ 'chi trước, lo sau': Rủi ro nợ nần gia tăng
9 giờ trướcBài gốc
Theo báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ tăng mạnh trong tháng 3/2025, chủ yếu nhờ người tiêu dùng tranh thủ mua ô tô trước khi các loại thuế mới áp dụng từ tháng 4. Tuy nhiên, đến tháng 5, doanh số đã giảm 0,9%, đây là mức giảm mạnh nhất trong hai năm qua.
Trong bối cảnh đó, tổng nợ hộ gia đình tại Mỹ đã lên tới 18.200 tỷ USD trong quý I/2025. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2004, theo số liệu từ chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại New York. Tỷ lệ nợ quá hạn cũng gia tăng đáng kể.
Nhiều hộ gia đình hiện buộc phải thắt chặt chi tiêu sau khi vay mượn để mua sắm sớm, với kỳ vọng tránh ảnh hưởng từ thuế quan. Một khảo sát của Bankrate cho thấy 54% người trưởng thành tại Mỹ dự định cắt giảm chi tiêu cho ăn uống, du lịch và giải trí trong năm nay. Riêng trong tháng 5, chi tiêu tại nhà hàng và quán bar giảm 0,9%, đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2023.
Trong khảo sát khác của CreditKarma được thực hiện vào tháng 3/2025, 51% người trưởng thành cho biết đã thay đổi hành vi chi tiêu vì lo ngại tác động từ chính sách thuế mới. Trong đó, 18% thừa nhận đã chi cho các mặt hàng lớn như xe cộ và thiết bị điện tử.
Tổng thống Trump đang thúc đẩy chính sách thương mại bảo hộ, với loạt thuế áp lên hàng nhập khẩu. Điều này được dự báo sẽ tiếp tục làm tăng giá tiêu dùng, làm giảm thu nhập thực tế và ảnh hưởng đến niềm tin kinh tế.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng do The Conference Board công bố đã giảm từ 98,4 điểm trong tháng 5/2025 xuống còn 93 điểm trong tháng 6/2025. Đây là mức thấp nhất kể từ đại dịch COVID-19.
Dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp 4,2% và số vị trí tuyển dụng mới trong tháng 5 đạt 7,7 triệu, giới kinh tế cảnh báo thị trường lao động có dấu hiệu chững lại. Các doanh nghiệp lớn như Walmart, Macy’s và Nike đều đang tính toán tăng giá bán để bù đắp chi phí thuế.
Chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Wells Fargo, ông Jay Bryson, nhận định rằng khi thuế mới có hiệu lực, giá hàng hóa tăng sẽ tác động trực tiếp đến thu nhập thực tế và chi tiêu của người dân. Đây chính là hệ quả của xu hướng tiêu dùng dồn dập trong thời gian ngắn trước đó.
Giới hoạch định chính sách hiện đang theo dõi sát diễn biến chi tiêu hộ gia đình, vốn là yếu tố chủ lực của nền kinh tế Mỹ, trong bối cảnh bất ổn thương mại và áp lực nợ gia tăng.
Quang Chiến
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/nguoi-tieu-dung-my-chi-truoc-lo-sau-rui-ro-no-nan-gia-tang-319665.html