Lịch sử không chỉ nằm trong những trang sách cũ, mà đang sống động từng ngày qua trái tim và hành động của người trẻ. Trong hành trình giữ gìn và lan tỏa giá trị văn hóa – lịch sử dân tộc, ngày càng nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam đang chủ động trở thành những “cầu nối” đưa lịch sử đến gần hơn với cộng đồng. Không chỉ học để biết, họ học để hiểu, để kể lại, để truyền cảm hứng.
Nguồn cảm hứng của chàng trai Hải Dương yêu sử
Được thành lập vào ngày 08/08/2024, Câu lạc bộ Ký ức Lịch sử và Văn hóa của Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) là “đứa con tinh thần” của những học sinh say mê lịch sử đến từ các khối chuyên, dưới sự dẫn dắt của Chủ nhiệm - Đoàn Trần Duy Anh (lớp Chuyên Sử, niên khóa 2023-2026).
“Tiền thân của Câu lạc bộ là dự án The Historian Organization (THO) do các anh chị khóa trước sáng lập. Tiếp nối tinh thần đó, Câu lạc bộ ra đời với mong muốn mang lịch sử và văn hóa đến gần hơn với các bạn trẻ, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, bồi dưỡng ý thức trách nhiệm công dân, đồng thời giúp bộ môn Lịch sử trở nên dễ tiếp cận, thú vị hơn trong mắt học sinh” – Duy Anh chia sẻ.
Đoàn Trần Duy Anh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ký ức Lịch sử và Văn hóa của Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương). Ảnh: NVCC.
Ngay từ những ngày đầu hoạt động, Câu lạc bộ đã đều đặn sản xuất nhiều nội dung chuyên sâu, đầu tư bài bản đăng tải trên mạng xã hội, tập trung vào các chủ đề lịch sử - văn hóa quan trọng, hấp dẫn. Đặc biệt, chuyên mục phát thanh “Tiếng vọng từ quá khứ” đã trở thành điểm nhấn quen thuộc vào mỗi thứ Sáu hàng tuần trên hệ thống loa phát thanh của trường. Qua những bài viết trau chuốt và giai điệu sâu lắng của những ca khúc cách mạng, học sinh như được sống lại những tháng ngày lịch sử hào hùng của dân tộc.
Không dừng lại ở đó, Câu lạc bộ còn phối hợp với Đoàn trường và các chi đoàn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích: từ sự kiện trải nghiệm văn hóa, trao đổi kiến thức lịch sử đến việc mở bán các sản phẩm mang đậm dấu ấn Việt Nam. Gần đây nhất, vào dịp Tết Ất Tỵ vừa qua, Câu lạc bộ đã cùng Thành Đoàn Hải Dương tổ chức chương trình “Xuân tình nguyện - Tết yêu thương” với Workshop Tết Tỵ, các trò chơi dân gian dành cho thiếu nhi, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đến cộng đồng.
Những hoạt động của Câu lạc bộ Ký ức Lịch sử và Văn hóa Chuyên Nguyễn Trãi. Ảnh: NVCC.
Với những nỗ lực không ngừng, Câu lạc bộ cùng Chủ nhiệm Đoàn Trần Duy Anh đã nhiều lần được Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Dương ghi nhận, mời phỏng vấn trong các bản tin dịp lễ lớn.
“Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Câu lạc bộ đã lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần lan tỏa thông điệp tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ. Dưới sự chỉ đạo của Đoàn trường, chúng em phối hợp cùng Câu lạc bộ Truyền thông phát động đợt cao điểm truyền thông “Tự hào một dải non sông”, thường xuyên phát sóng các ca khúc cách mạng, bài viết về lịch sử kháng chiến trên hệ thống phát thanh nhà trường.
Đặc biệt, Câu lạc bộ còn kết hợp với dự án “Thanks a bunch” thực hiện chuỗi phỏng vấn các cựu chiến binh, người dân từng sống trong thời kỳ kháng chiến và các thầy cô giảng dạy môn Lịch sử. Thông qua những câu chuyện từ các nhân chứng sống, Câu lạc bộ mong muốn mang đến cho các bạn trẻ những bài học chân thực, bồi đắp lòng biết ơn và niềm tự hào dân tộc” - Duy Anh cho hay.
History for Everyone – mang lịch sử đến với mọi người
HE là viết tắt của "History for Everyone" - Câu lạc bộ lịch sử và văn hóa đầu tiên và duy nhất tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Sư Phạm (Hà Nội).
Chủ tịch Câu lạc bộ, bạn Nguyễn Thục An cho biết: “Được thành lập vào ngày 11 tháng 3 năm 2016, Câu lạc bộ mang sứ mệnh tạo ra một môi trường giao lưu, học hỏi dành cho các bạn trẻ có chung niềm đam mê với Lịch sử và Văn hóa. Ngoài ra, chúng em cũng mong muốn được mở rộng tầm nhìn, hiểu biết của mọi người về những điều độc đáo trong văn hóa, lịch sử của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam”.
Các thành viên của Câu lạc bộ HE - Trường Trung học phổ thông Chuyên Sư Phạm. Ảnh: NVCC.
Theo Thục An, trong thế hệ thứ 10, Câu lạc bộ đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ giữa các thành viên nhằm cùng nhau trao đổi, học hỏi và thảo luận về lịch sử Việt Nam. Đây không chỉ là những dịp để kết nối nội bộ mà còn là cơ hội quý báu để các bạn trẻ có chung niềm đam mê lịch sử được chia sẻ quan điểm, khám phá thêm nhiều góc nhìn mới.
Bên cạnh đó, Câu lạc bộ cũng thường xuyên đăng tải các bài viết hoặc chuỗi bài viết chuyên sâu xoay quanh những dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc. Tiêu biểu có thể kể đến chuỗi bài viết kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng Quân với hai bài viết tâm huyết, hay các bài viết nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và ngày Quốc khánh 2/9.
Một ấn phẩm thiết kế của Câu lạc bộ HE. Ảnh: NVCC.
“Trong quá trình hoạt động, đặc biệt là khi lên ý tưởng cho các bài viết mới, Câu lạc bộ đôi khi gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm chủ đề phù hợp. Là một tổ chức đã hoạt động gần một thập kỷ, nhiều chủ đề nổi bật và hấp dẫn đã được các thế hệ thành viên đi trước khai thác một cách sâu sắc.
Tuy nhiên, với sứ mệnh đưa lịch sử đến gần hơn với tất cả mọi người như đúng tinh thần tên gọi “History for Everyone”, chúng em luôn nỗ lực tìm kiếm những khía cạnh mới lạ, những chi tiết tưởng chừng nhỏ bé nhưng mang ý nghĩa lớn, hoặc những nhân vật lịch sử có công lao to lớn nhưng chưa được biết đến rộng rãi.
Khi rơi vào tình trạng "bí ý tưởng", Câu lạc bộ thường chủ động tìm đến sự hỗ trợ từ các anh chị trưởng ban của những thế hệ trước. Qua các buổi trao đổi, thảo luận và cùng nhau “brainstorming”, chúng em có thể khơi gợi ra nhiều chủ đề tiềm năng hoặc nhìn lại các tài liệu, bài viết cũ để tìm ra những hướng khai thác mới, sáng tạo hơn.
Đồng thời, Câu lạc bộ cũng tích cực mở rộng nguồn cảm hứng từ các sự kiện thời sự có liên quan đến lịch sử, hợp tác giao lưu với các Câu lạc bộ khác, cũng như thử nghiệm cách tiếp cận mới nhằm làm mới các chủ đề quen thuộc dưới những góc nhìn độc đáo và hiện đại hơn” – Thục An chia sẻ.
Câu lạc bộ đang gấp rút chuẩn bị cho một sự kiện trực tuyến đặc biệt về văn hóa Việt Phục với chủ đề “Thiều Hoa”. Sự kiện này sẽ là dịp để tri ân lịch sử và tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống thông qua những bộ trang phục Việt xưa, diễn ra trong không khí kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam và hướng tới 80 năm ngày Quốc khánh 2/9.
Tiếp bước truyền thống để hướng tới tương lai
Tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Câu lạc bộ Lịch sử - Văn hóa thuộc Hội Sinh Viên nổi bật lên như một ngôi nhà chung cho những tâm hồn đam mê lịch sử và văn hóa. Với slogan “Tiếp bước truyền thống - Hướng tới tương lai”, Câu lạc bộ không chỉ là nơi hội tụ tri thức mà còn là nơi lan tỏa những giá trị nhân văn cao đẹp qua các hoạt động học thuật và tình nguyện đầy ý nghĩa.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ - bạn Nguyễn Trung Nam chia sẻ: “Hình thành từ năm 2008 và chính thức thành lập vào năm 2018, Câu lạc bộ Lịch sử - Văn hóa trở thành nơi kết nối những sinh viên có niềm đam mê lịch sử - văn hóa Việt Nam và thế giới, hỗ trợ việc học, đồng thời tạo môi trường cho các bạn tham gia các hoạt động thiện nguyện để cống hiến và rèn luyện kỹ năng, trải nghiệm.
Câu lạc bộ đã trải qua một hành trình tuy không dài, nhưng cũng không ngắn, và trên suốt chặng đường ấy, Câu lạc bộ đã được rất nhiều thế hệ hội viên, sinh viên trong và ngoài nhà trường tham gia. Câu lạc bộ Lịch sử - Văn hóa phát triển và vững mạnh như hiện tại là nhờ sự nhiệt huyết, đam mê với lịch sử, văn hóa đến từ các bạn sinh viên khoa Lịch sử”.
Những hoạt động của sinh viên Câu lạc bộ Lịch sử - Văn hóa, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NVCC.
Theo Nguyễn Trung Nam, với mong muốn lan tỏa những giá trị bền vững của lịch sử Việt Nam đến đông đảo sinh viên, hội viên, Câu lạc bộ Lịch sử - Văn hóa đã không ngừng nỗ lực tổ chức và tham gia nhiều chương trình, cuộc thi giàu ý nghĩa, để lại dấu ấn sâu sắc. Tiêu biểu có thể kể đến cuộc thi “Sinh viên Đại học Đà Nẵng với APEC 2017”, nơi Câu lạc bộ đã xuất sắc giành giải Nhất.
Không dừng lại ở đó, Câu lạc bộ còn duy trì thường xuyên chuỗi hoạt động ý nghĩa nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước, như: “Hành trình màu áo lính”, “Tưởng nhớ thế hệ cha ông”. Gần đây nhất, dấu ấn “Dấu chân lịch sử - Đà Nẵng trong thế hệ thanh niên, sinh viên” tiếp tục khẳng định sức hút và sự sáng tạo trong cách tiếp cận lịch sử của Câu lạc bộ.
Câu lạc bộ cũng tạo ra nhiều sân chơi giàu tính hội nhập, nhằm mở rộng góc nhìn và kết nối bạn trẻ với văn hóa quốc tế. Các sự kiện như BRIDGEFEST 2022, Ngày hội giao lưu Câu lạc bộ, Đội, Nhóm, Ngày hội giao lưu Sinh viên Quốc tế, hay Tết cổ truyền Bunpimay của Lào, đều trở thành những dịp để hội viên học hỏi, mở rộng vốn sống và hiểu sâu hơn về các nền văn hóa.
Câu lạc bộ còn khẳng định vai trò của mình qua các chương trình tình nguyện giàu tính nhân văn, trải dài từ những hoạt động quy mô nhỏ như “Bữa ăn yêu thương”, “Vòng tay nhân ái”, “Trung thu cho em”, “Chủ nhật xanh” cho tới những chuyến tình nguyện hai ngày một đêm trên khắp địa bàn Đà Nẵng và Quảng Nam.
Đặc biệt, trong năm 2025 vừa qua, chương trình Tình nguyện Xuân hai ngày một đêm “Chạm Xuân A Tiêng - Nhịp cầu biên giới” đã trở thành một dấu ấn khó quên đối với các hội viên. Hành trình này không chỉ mang ý nghĩa sẻ chia yêu thương đến những vùng đất biên cương, mà còn là cơ hội để các bạn sinh viên trực tiếp khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa Cơ tu - một nét đẹp độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số qua hoạt động “Hành trình về nguồn - Khám phá văn hóa Cơ tu”.
“Câu lạc bộ Lịch sử - Văn hóa vừa qua đã tổ chức thành công chương trình “Dấu chân lịch sử” với chuỗi các hoạt động ý nghĩa, bổ ích dành cho các bạn hội viên. Và hiện tại Câu lạc bộ đang là đơn vị hỗ trợ truyền thông cho MindAnk trong việc tổ chức sự kiện truyền thông “Lăng kính Việt Nam: 50 năm một dải hào quang không ngừng sáng”. Chương trình hướng tới việc tạo ra một album ảnh độc đáo, ghi lại những khoảnh khắc lịch sử, vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa trên dải đất hình chữ S” - Nam cho hay.
Những “đại sứ áo vàng” lưu giữ kí ức, văn hóa dân tộc
Với mong muốn lan tỏa giá trị văn hóa – lịch sử dân tộc, Câu lạc bộ Tuyên truyền Văn hóa – Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chính thức thành lập ngày 28 tháng 8 năm 2014, kế thừa từ Đội Tuyên truyền Văn hóa Lịch sử Thăng Long – Hà Nội ra đời năm 2009.
Bạn Đinh Ngọc Nguyên – Chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ: “Câu lạc bộ được Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quang Minh (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) đặt tên tiếng Anh là Vietinfo Club – VIC; tên Hán Việt do một nhà nghiên cứu văn hóa đặt là Văn Sử Hoằng Dương Hội”.
Hiện nay, Câu lạc bộ tham gia nhiều hoạt động phối hợp với Sở Du lịch, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, Ban Quản lý các di tích văn hóa – lịch sử, đặc biệt tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long. Câu lạc bộ tự hào là “đại sứ áo vàng”, mang sứ mệnh đưa văn hóa – lịch sử đến gần cộng đồng. Trong suốt 14 năm hoạt động, Câu lạc bộ đã góp phần tích cực tại nhiều di tích, trở thành lực lượng hướng dẫn viên tình nguyện vào mỗi cuối tuần.
Câu lạc bộ cũng tổ chức nhiều chương trình nổi bật như: talkshow “Nghệ thuật truyền thống – Đường trường chông chênh” thuộc dự án “Đưa nghệ thuật truyền thống từ sân đình vào sân trường”; dự án “Hành trình văn hóa” với các chủ đề “Cựu kiến tân” (2018) và “Một cõi phượng thành” (2019), nhằm lan tỏa những giá trị xưa trong đời sống hiện đại, giữ gìn âm nhạc dân gian truyền thống.
Trong những năm qua, Câu lạc bộ đồng hành cùng nhiều tổ chức trong lĩnh vực văn hóa – lịch sử, tạo dấu ấn với các dự án như chuỗi tọa đàm “Châm chước” – không gian thảo luận mở về các chủ đề hấp dẫn như “Những chú voi kể chuyện”, “Đất dệt gấm hoa”.
Nhiều hoạt động của Câu lạc bộ Tuyên truyền Văn hóa – Lịch sử trong những năm qua. Ảnh: NVCC
Năm 2020, trăn trở với sự mai một của nghệ thuật truyền thống, Câu lạc bộ tổ chức talkshow “Âm hưởng linh thiêng” với chủ đề hát văn và hát then, quy tụ các nhà nghiên cứu như thầy Nguyễn Hùng Vĩ, nghệ sĩ ưu tú Văn Ty, nghệ nhân then Xuân Bách, Tiến sĩ Trịnh Lê Anh.
Câu lạc bộ cũng phối hợp cùng Đoàn Trường, Câu lạc bộ Truyền thông VUMCC và Ban tổ chức Bách Hoa Bộ hành tổ chức sự kiện “Bách Hoa Khánh Hội” – nơi các đơn vị bảo tồn văn hóa chia sẻ nghiên cứu, hợp tác và truyền cảm hứng cho giới trẻ yêu văn hóa – lịch sử.
Tiếp nối dòng chảy di sản, năm 2023, Câu lạc bộ phối hợp tổ chức chương trình “Dệt Gấm Thêu Hoa” nhằm lan tỏa tình yêu cổ phục, mang lại góc nhìn mới về trang phục truyền thống – di sản gắn liền với hồn cốt dân tộc Việt.
Nhằm khai thác và phát huy di sản văn hóa, Câu lạc bộ phát động cuộc thi viết “Chuyện đường, chuyện đời 2024”, tái hiện những câu chuyện lịch sử qua từng con đường Hà Nội. Cuộc thi là lời tri ân di sản, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa không chỉ của Thủ đô mà của cả đất nước.
“Trong hành trình hoạt động, Câu lạc bộ từng đối mặt với không ít khó khăn: từ tìm kiếm tư liệu, lựa chọn chủ đề phù hợp từng thời điểm, đến đảm bảo nhân sự và nguồn lực cho các dự án. Lịch sử – văn hóa là kho tàng khổng lồ nhưng không dễ tiếp cận. Để truyền tải nội dung vừa mới mẻ, vừa đúng đắn, Câu lạc bộ luôn dành thời gian nghiên cứu, học hỏi từ các thầy cô, chuyên gia trong ngành.
Là tổ chức sinh viên tình nguyện, Câu lạc bộ không tránh khỏi áp lực về nhân lực, tài chính, hậu cần – nhất là với các dự án lớn như “Dệt Gấm Thêu Hoa”, “Bách Hoa Khánh Hội” hay chuỗi talkshow về nghệ thuật truyền thống. Tuy vậy, chính tinh thần gắn bó, chủ động và sức trẻ của các thành viên đã giúp Câu lạc bộ vượt qua, trưởng thành và bền bỉ với hành trình gìn giữ văn hóa dân tộc.
Chúng em tin rằng, làm văn hóa không dễ, nhưng nếu kiên trì và tâm huyết, mỗi bước nhỏ đều có thể tạo nên dấu ấn. Chúng em học cách linh hoạt, tận dụng nguồn lực, mở rộng kết nối với các đơn vị, chuyên gia, và dựa vào sức mạnh tập thể để vượt qua thử thách, không ngừng phát triển” – Ngọc Nguyên bày tỏ.
Hướng tới dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, Câu lạc bộ triển khai chuỗi bài truyền thông lấy cảm hứng từ các điểm trực như Hoàng Thành Thăng Long, nhà D67 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia – nơi làm việc của hai vị Đại tướng chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. Các bạn mong muốn thông qua các bài viết, công chúng sẽ hiểu rõ hơn về một giai đoạn lịch sử hào hùng và cùng nhau tưởng nhớ, tự hào về truyền thống dân tộc.
Trần Trang