Người 'truyền lửa' cho các thế hệ kỹ thuật viên hàng không

Người 'truyền lửa' cho các thế hệ kỹ thuật viên hàng không
2 giờ trướcBài gốc
Kỹ thuật viên "đổi nghề" làm nhà giáo
Tốt nghiệp đại học Bách khoa Hà Nội chuyên ngành Kỹ thuật hàng không năm 2006, Trần Quốc Cường khi đó đã may mắn tìm ngay được công việc đúng chuyên môn tại Xí nghiệp sửa chữa máy bay A76, tiền thân của Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO)
Anh Trần Quốc Cường đang là giáo viên chuyên trách về cơ bản máy bay, giáo viên chuyển loại tàu bay Airbus A320/A321 và chứng chỉ CRS B1 tàu Airbus A320/A321 tại Trung tâm Đào tạo VAECO.
Hơn 17 năm gắn bó với ngành hàng không, anh đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, từ kỹ thuật viên trực tiếp bảo dưỡng máy bay đến chuyên viên hỗ trợ kỹ thuật. Tuy nhiên, niềm đam mê truyền dạy kiến thức đã thôi thúc anh chuyển hướng sang giảng dạy.
Anh nhớ lại quá trình công tác đã được tham gia nhiều chương trình đào tạo nhân viên kỹ thuật với vai trò học viên. Ở vai trò ấy, anh được truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm từ những giáo viên, đồng nghiệp tận tâm và nhiệt huyết. Điều đó khiến anh dần mong ước sẽ có ngày tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm để truyền đạt lại cho các đồng nghiệp.
Để thực hiện mơ ước của mình, ngay từ khi còn ở Trung tâm bảo dưỡng Ngoại trường và ở Trung tâm điều hành bảo dưỡng, anh Cường đã tham gia giảng dạy, huấn luyện, hướng dẫn về kỹ thuật cho các nhân viên mới, các nhân viên cần bồi dưỡng để thi chứng chỉ.
"Mỗi khi tham gia giảng dạy cho một khóa đào tạo, nhìn thấy học viên, đồng nghiệp của mình ngày càng trưởng thành và có thành tựu trong công tác kỹ thuật, tôi vui và tự hào. Giờ đây khi đã trở thành giáo viên chuyên trách, cảm giác đó vẫn theo tôi suốt quá trình giảng dạy", anh tâm sự.
Anh Cường tự hào khi thấy các học viên đạt được thành tựu trong ngành hàng không.
Những nguyên tắc vàng trong giảng dạy
Với anh Cường, việc truyền đạt kiến thức chỉ là một phần. Điều quan trọng hơn là giúp học viên hình thành ý thức trách nhiệm, thái độ làm việc nghiêm túc và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn. Anh luôn nhấn mạnh: "Trước khi là một kỹ sư giỏi, học viên cần phải là những người có ý thức trách nhiệm cao, có thái độ đúng mực với công việc".
Chia sẻ về những "nguyên tắc vàng" trong giảng dạy, anh Cường cho biết bản thân đã trải qua 17 năm trực tiếp bảo dưỡng và hỗ trợ kỹ thuật cho các chuyến bay. Do đó, anh quan điểm ngoài việc truyền đạt các kiến thức, kỹ năng thì ý thức, thái độ trong công việc rất quan trọng. Đó cũng là điều anh luôn nhắc nhở các học viên.
"Nguyên tắc của tôi là trước khi học kiến thức, học viên cần phải biết thế nào là ý thức trách nhiệm, là thái độ đúng mực với công việc, đồng nghiệp, hành khách. Tôi luôn hướng dẫn học viên rất kỹ về các quy tắc an toàn, ý thức công việc trước khi bắt đầu các tiết học về kiến thức", anh chia sẻ.
Gắn bó với công việc giảng dạy với xuất phát từ mong muốn truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân với nghề kỹ thuật máy bay, nghề "thợ máy", điều khiến anh cảm thấy thú vị nhất là chứng kiến các thế hệ học viên tiếp nhận được kiến thức, kinh nghiệm anh truyền đạt và áp dụng chúng cho công tác kỹ thuật để phát triển sự nghiệp. Nam giáo viên tự hào nhất về việc mỗi khi các học viên gặp mình vẫn nhìn anh là một người thầy.
Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) nơi anh Cường làm việc đang quản lý, sử dụng 6 hangar tại các Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Nội Bài, phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay không chỉ của Vietnam Airlines mà cả các hãng hàng không trong và ngoài nước.
Suốt quá trình giảng dạy, anh Cường đã "gom nhặt" nhiều kỉ niệm đáng nhớ trong đó có kỷ niệm không thể quên những khó khăn khi lần đầu tiên tham gia khóa đào tạo cơ bản cho sinh viên trường Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH).
"Truyền nghề cho các em rất khó, khó hơn nhiều so với các khóa đào tạo về chuyên ngành máy bay. Đầu tiên, phải tổng hợp lại những kiến thức cơ bản cho phù hợp với học viên. Kế đó phải đến truyền đạt những kiến thức này, áp dụng vào công tác bảo dưỡng tàu bay. Tiếp theo phải lan tỏa được ý thức trách nhiệm, quy tắc an toàn trong công việc", anh Cường nói và chia sẻ: Khi đó, mới hiểu thế nào là khó khăn của việc làm giáo án, hiểu thế nào về việc áp dụng những kiến thức trong nhà trường vào thực tế.
"Dạy được cho các em hiểu và áp dụng được những kiến thức, nắm bắt được các quy tắc an toàn, có ý thức trách nhiệm trong việc học tập, thấy các em thích thú khi thực hành trong các xưởng đào tạo, khi tham gia thực hành trực tiếp dưới tàu bay, cảm giác thật là vui, thấy công việc của mình có ý nghĩa", anh Cường nói.
Hiện tại, anh Cường đang tham gia vào dự án xin phê chuẩn tổ chức đào tạo EASA 147 (chứng chỉ được Cơ quan An toàn Hàng không Châu Âu cấp cho đơn vị đào tạo đạt tiêu chuẩn) của Trung tâm đào tạo VAECO. Mục tiêu của anh trong năm 2025 là sẽ trở thành giáo viên đạt chuẩn EASA, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành hàng không Việt Nam.
P.V
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/nguoi-truyen-lua-cho-cac-the-he-ky-thuat-vien-hang-khong-192241119235059764.htm