Nhà tôi khi ấy không mấy khá giả, thậm chí là nghèo khó với 4 vách nhà đều làm bằng ván và nền được đổ từ đất đỏ. Người trong nhà hay khách đến thăm đều mang dép để không bị dính bẩn. Ba mẹ tôi quanh năm nhọc nhằn trên những cánh đồng lúa, rẫy cà phê, rồi lại tất tả với đủ việc làm thuê để kiếm từng bữa ăn. Vậy mà những khó khăn đó chẳng làm ba chùn bước trong việc giúp đỡ người khác.
Giữa cái nắng gay gắt như đổ lửa buổi trưa, tôi đang ngồi trên bậc thềm nhổ tóc sâu cho ba thì bất chợt nghe tiếng gậy cộc cộc vọng lại từ đầu ngõ. Ba khẽ nheo mắt nhìn về phía con đường hắt nắng, rồi gọi tôi nhanh chân vào nhà lấy lon gạo ra tặng ông cụ khiếm thị vẫn thường đi xin trong xóm. Chờ dáng hình gầy gò của ông cụ đã khuất xa nơi đầu dốc sau khi rối rít cúi đầu cảm ơn, ba trìu mến xoa đầu tôi, giọng trầm ấm: “Con gái của ba hãy luôn nhớ “Lá lành đùm lá rách" nghen con”.
Vào một đêm mưa gió khác, khi cả nhà đang say giấc, bỗng từ ngoài cửa, tiếng con mun sủa dồn dập. Liền sau đó là những nhịp gõ cửa gấp gáp. Chú Tư hàng xóm ướt sũng chạy sang, giọng hốt hoảng nhờ ba tôi đi kéo phụ chiếc xe máy cày đang bị lún sâu trong rẫy. Ba tôi vội vã khoác chiếc áo đã bạc màu, cầm theo đèn pin, dây xích và nổ máy cày chở chú Tư theo. Dẫu mẹ cằn nhằn vì nửa đêm ba lại rời nhà đi nhưng cũng nấu kịp ấm trà nóng để ba mang theo uống cho ấm người. Mẹ nói tính ba là vậy, hễ nghe ai bị hư xe, kẹt bùn trong rẫy thì ba lại sẵn sàng giúp đỡ chẳng kể ngày đêm. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi vẫn cảm nhận được sự thao thức của mẹ qua tiếng trở mình khe khẽ. Mãi đến tờ mờ sáng, khi bóng ba lấm lem bùn đất trở về, sự lo âu mới tan biến trên gương mặt mẹ. Dù dáng vẻ hằn rõ sự mệt mỏi sau một đêm thức trắng nhưng khi ngồi vào mâm cơm, đôi mắt ba lại ánh lên niềm vui rạng rỡ khi kể về hành trình vật lộn với bùn lầy để kéo chiếc xe máy cày của chú Tư lên bờ. Ba bảo con người sống với nhau quan trọng chữ tình. Nhất là nghề nông bao năm quanh quẩn ruộng đồng, giúp được ai là mình giúp hết lòng, bởi thấu hiểu làm ra được hạt lúa, hạt cà phê không hề dễ dàng.
Cách ba trao gửi yêu thương còn là hành động ba thường xuyên phụ giúp đào huyệt mộ cho người mất. Có người góp ý làm mấy việc này vất vả mà dễ bị xui vì người mất mang nhiều âm khí. Vậy mà lặng lẽ bỏ ngoài tai, thậm chí chẳng đắn đo, ba tự bỏ tiền túi sắm sửa nào thước dây, nào cuốc xẻng, cả những cọc sắt chắc chắn để công việc đào huyệt được chu toàn. Chỉ cần nghe tin có người qua đời, bất kể là khi sương sớm còn giăng hay đêm đã khuya mịt, ba lại vội vã thu xếp đồ nghề rồi đến đám tang. Đợi đến khi quan tài của người mất được đặt ngay ngắn dưới lòng đất ba mới yên tâm trở về nhà. Tôi nhớ mãi năm tôi học cấp 3, một người họ hàng mất do bệnh tuổi già. Dẫu đó là người từng khiến gia đình tôi rơi vào cảnh bế tắc. Vậy nhưng, ba vẫn cầm dụng cụ rồi đào huyệt mà chẳng hề nhắc đến chuyện xưa. Khi có người không khỏi thắc mắc, hỏi sao người ta đối xử tệ bạc với ba như vậy mà ba vẫn tận tình giúp đỡ. Ba chỉ khẽ nhíu mày nhìn về phía xa xăm, rồi chậm rãi: “Nghĩa tử là nghĩa tận. Người đã khuất rồi, mình tiễn đưa họ đoạn đường cuối cũng là đạo lý nên làm”.
Đến tận bây giờ, nhìn ba vẫn luôn tất bật với những việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” mà tôi cảm thấy ấm lòng. Như khi ba vội vã chở người bị nạn đi cấp cứu trong đêm, lúc âm thầm đào huyệt mộ dưới cái nhìn ái ngại của người đời, hay cả những khi chẳng nề hà việc lấm lem bùn đất để kéo xe giúp xóm giềng. Chứng kiến những điều ấy từ bé cho đến bây giờ, tôi hiểu đó là niềm vui của ba bởi đã luôn sống bằng trái tim ấm áp và chân thành. Và hơn tất thảy những điều ba đã làm, chính là bài học vô giá về lòng trắc ẩn và sự sẻ chia mà ba âm thầm gieo vào trái tim tôi.
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!
Ngọc Nữ